Cần thêm giải pháp nâng cao sức cạnh tranh
Trên thực tế, các chợ truyền thống vẫn có những lợi thế nhất định để cạnh tranh với những kênh phân phối như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi về chi phí thuê mặt bằng thấp hơn, nhiều mặt hàng 'thuận mua vừa bán' với người tiêu dùng…
Để phát huy hết các giá trị, chợ truyền thống phải tạo cho mình những cơ chế riêng về giá cả, chất lượng an toàn thực phẩm, đồng thời tập trung vào những thế mạnh riêng của chợ với các mặt hàng đồ tươi sống, sạch trong ngày để cạnh tranh với các kênh bán hàng khác vốn không đủ độ tươi mới bằng.
Chấn chỉnh các điểm kinh doanh tự phát
Các điểm kinh doanh tự phát là một trong những lý do khiến cho sức mua tại nhiều chợ truyền thống, nhất là các chợ ở đô thị bị sụt giảm. Ngoài ra, các điểm kinh doanh tự phát có tính chất như chợ cũng ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị…
Theo đại diện Ban quản lý chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa), bên cạnh sự phát triển của mạng lưới cửa hàng tiện lợi, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh… thì thời gian qua, nhiều điểm kinh doanh tự phát, bán hàng rong ở xung quanh chợ đã tác động không nhỏ tới sức mua bên trong lồng chợ.
Nhiều tiểu thương cũng phản ánh các hàng quán tự phát ở bên hông chợ khiến cho nhiều người dân có tâm lý “tiện đâu mua đó” nên thường tấp vào mua sắm. Điều này khiến cho sức mua những hàng ăn, điểm kinh doanh cùng ngành hàng trong chợ gặp nhiều khó khăn, sức mua sụt giảm… Do đó mong muốn địa phương có phương án chấn chỉnh các điểm kinh doanh tự phát này một cách căn cơ, phù hợp.
Quy hoạch mạng lưới chợ hiệu quả
Về tình hình quản lý và phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh, tại các buổi họp với các sở, ngành, địa phương liên quan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh cần phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các dự án chợ còn tồn tại, vướng mắc. Sở Công thương cần chủ động hướng dẫn các địa phương các văn bản pháp lý liên quan, rà soát phương án phát triển thêm hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống…
Đồng thời, chủ động rà soát, đề xuất phương án điều chỉnh, bố trí các điểm kinh doanh một cách phù hợp để đảm bảo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn, nhu cầu buôn bán cho các hộ kinh doanh, tiểu thương; cũng như đảm bảo hành lang an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát quy hoạch chợ, đảm bảo đầu tư xây dựng, phát triển chợ hiệu quả, không chạy theo số lượng.
Trưởng ban Quản lý chợ Sặt (TP.Biên Hòa) PHẠM HỒNG DƯƠNG cho biết, để nâng cao sức cạnh tranh cho chợ truyền thống, Ban Quản lý chợ sẽ tiếp tục chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy, nổ, giữ gìn vệ sinh… Đồng thời, chủ trọng đảm bảo về giá cả ổn định, tránh các trường hợp “chặt chém” người tiêu dùng. Qua đó, tạo không gian cho người dân đến mua sắm an toàn, văn minh.