Cần thêm giải pháp phòng, chống mua bán người
Một số quy định về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân đang bộc lộ những vấn đề bất cập, khiến các bên liên quan khó triển khai hiệu quả.
Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đưa ra các giải pháp phòng, chống mua bán người sao cho phù hợp với tình hình mới, bối cảnh mới.
Mua bán người là vấn đề xã hội nhức nhối. Tội phạm liên quan đến việc mua bán người là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong khi đó, theo báo cáo của các cơ quan điều tra, tội phạm mua bán người đã xuất hiện ở 63/63 tỉnh, thành phố, núp bóng dưới nhiều hình thức. Mục đích, địa bàn, nạn nhân của các vụ việc mua bán người cũng có nhiều thay đổi…
Tại hội thảo “Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới” do Học viện Phụ nữ Việt Nam vừa tổ chức, Thiếu tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Oanh (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, hiện nay, đa số đối tượng mua bán người đều nhằm mục đích bóc lột sức lao động, xảy ra trong phạm vi nội địa là chủ yếu (chiếm hơn 90%). Nạn nhân là nữ vẫn chiếm tỷ lệ cao, thường bị bán vào phục vụ cho các cơ sở massage, karaoke…
Về đối tượng thực hiện hành vi mua bán người, nếu là nam giới, chúng thường thực hiện những hành vi “chăn dắt”, “bảo kê” hay tổ chức các hoạt động liên quan đến mại dâm; nếu là nữ thường tham gia trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh… Thủ đoạn chính của các đối tượng là gán nợ, nạn nhân bị cưỡng ép, lừa đổi bằng các hợp đồng lao động, giới thiệu việc làm; lừa gạt thông qua tìm kiếm việc làm…
Từ thực tế nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý về phòng, chống mua bán người cũng như việc xử lý tội phạm, trợ giúp nạn nhân cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Thế nhưng, một số quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này hiện bộc lộ những bất cập, khiến các cơ quan chức năng gặp khó trong quá trình điều tra, xử lý.
Trong khi các vụ việc liên quan đến mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp, nảy sinh nhiều tình huống mới, thì các quy định của pháp luật về nội dung này bộc lộ không ít bấp cập. Theo PGS.TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao phản ánh, tiếng Việt chỉ có 2 từ buôn bán và mua bán, mà buôn bán hay mua bán thì phải liên quan đến tiền, nên hành vi nào liên quan đến vấn đề mua bán người nhằm lấy tiền, nhận tiền mới là tội, còn quốc tế thì không cần như thế.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, bà Nguyễn Thị Vân, cán bộ chương trình ASEAN-ACT (phòng, chống mua bán người tại Việt Nam) chỉ rõ, Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người khuyến nghị không xử phạt hành chính và hình sự với những hành vi vi phạm pháp luật, mà nạn nhân phải thực hiện trong tình trạng là nạn nhân. Thế nhưng, nước ta chưa luật hóa nguyên tắc này, nên trong một số trường hợp, nạn nhân vẫn có thể bị xử lý hành chính...
Về công tác hỗ trợ nạn nhân, PGS.TS Nguyễn Thị Như Trang (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, con đường hòa nhập của nạn nhân còn gian nan. Theo bà Như Trang, việc hỗ trợ nạn nhân nên theo hướng giúp họ thấy được quan tâm và tôn trọng, qua đó tăng tự tin, nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng…
Trước những bất cập bộc lộ ngày càng rõ, hy vọng những quy định liên quan đến phòng, chống mua bán người sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Điều này giúp các cơ quan chức năng có căn cứ đủ mạnh để ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm; tăng hiệu quả trợ giúp nạn nhân hòa nhập xã hội.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-them-giai-phap-phong-chong-mua-ban-nguoi-643933.html