Cần thêm kinh nghiệm để phát triển trung tâm tài chính quốc tế

Các đại biểu tập trung thảo luận về chiến lược thu hút nguồn vốn và đối tác quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực và thế giới.

Nhân dịp dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF Davos 55), tối 21/1, theo giờ địa phương, tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự tọa đàm về “phát triển Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh” do Thành phố Hồ Chí Minh và Tập đoàn Sovico tổ chức.

Phát biểu tại tọa đàm, Thủ tướng cho biết bằng sự nỗ lực của các bên, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã khánh thành Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR); đồng thời cũng đã triển khai xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như lãnh đạo các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận các vấn đề quan tâm, nhất là những vướng mắc và đưa ra các lời khuyên để C4IR và Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc, phát triển bứt phá, để Thành phố Hồ Chí Minh có thêm các công trình, sản phẩm mang tính biểu tượng, chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước; tạo sự tự tin, bản lĩnh, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về chiến lược thu hút nguồn vốn và đối tác quốc tế, hướng tới mục tiêu đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính hàng đầu khu vực và thế giới; nhấn mạnh vai trò của trung tâm này như một cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp quốc tế và thị trường Việt Nam.

Cam kết sát cánh cùng Việt Nam trong phát triển Trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu đề xuất Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, hạ tầng cứng và mềm như giao thông, năng lượng, logistics, hạ tầng số; có chính sách ưu đãi; thúc đẩy thị trường, xây dựng hệ sinh thái phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tài chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/can-them-kinh-nghiem-de-phat-trien-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-post1008806.vnp