Cần thêm nhiều nhà trẻ cho con công nhân
Những ngôi trường hoạt động không vì lợi nhuận giúp công nhân an tâm gắn bó lâu dài với nơi làm việc
Tỉnh Bình Dương hiện có trên 30 cụm và KCN với khoảng 1,2 triệu lao động. Công nhân (CN) ngoại tỉnh đến Bình Dương làm việc ngày càng đông, kéo theo nhu cầu về chỗ ở, nhất là chỗ gửi trẻ. Thấu hiểu điều này, một số doanh nghiệp (DN) đã chủ động xây trường mầm non ngay trong khuôn viên công ty để giúp người lao động (NLĐ) có chỗ gửi con, từ đó an tâm làm việc
Thuận tiện, an toàn
Mỗi ngày, chị Phan Thị Nguyệt, CN Công ty TNHH Hài Mỹ - Nhà máy Sài Gòn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), thức dậy từ 5 giờ 30 phút. Sau khi vệ sinh cá nhân, chị chở con bằng xe máy đến trường học cách nơi ở 2 km. Gửi con cho cô giáo xong, chị qua công ty cách đó chỉ vài bước chân, bắt đầu ngày làm việc của mình.
Từ ngày con đi học ở trường mầm non do công ty xây dựng, chị Nguyệt rất an tâm vì bé được học tập và vui chơi trong môi trường sạch sẽ, giáo viên tận tâm. Hôm nào tăng ca, vợ chồng chị cũng không phải lo vì giờ giấc giữ trẻ của trường rất linh hoạt.
"Con tôi thường xuyên ốm vặt nên mỗi lần thấy mẹ qua thăm thì mừng lắm. Khi cháu quấy khóc, không chịu ngủ trưa, cô giáo sẽ gọi tôi sang dỗ dành. Thuận tiện là vậy nhưng học phí khá rẻ, chỉ từ 1 triệu đồng/tháng" - chị Nguyệt cho biết.
Theo ông Hoàng Thu Minh, Giám đốc bộ phận hành chính Công ty TNHH Hài Mỹ, trường mầm non thành lập nhằm phục vụ nhu cầu gửi con của NLĐ, giúp họ yên tâm sản xuất. Để xây được trường, ban giám đốc đã nỗ lực rất nhiều, từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất đến việc lên phương án xây dựng, tuyển dụng giáo viên. Trải qua hơn 10 năm hoạt động, trường đã trở thành địa chỉ tin cậy của CN. Trường hiện có 14 giáo viên và 2 bảo mẫu, bộ máy hoạt động và giáo trình học tập theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mỗi năm, trường đón khoảng 250 - 300 trẻ từ 3 đến 5 tuổi theo học.
"Lương giáo viên và bảo mẫu do DN chi trả, NLĐ chỉ đóng khoảng 65% tiền ăn và học phí cho con. Tất cả CN làm việc tại công ty có nhu cầu gửi con tại trường đều được nhận, nếu quá số lượng thì sẽ ưu tiên những người có thâm niên làm việc. Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở giáo viên và bảo mẫu phải yêu thương, chăm sóc trẻ hết mực để anh chị em CN yên tâm làm việc" - ông Minh cho biết.
Còn nhiều trở ngại
Ngoài trường của Công ty TNHH Hài Mỹ, Bình Dương hiện có 10 trường mầm non hoạt động trong DN với phương châm phục vụ NLĐ, không vì lợi nhuận.
Điển hình là trường mầm non tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng với khoảng 300 trẻ đang theo học. Mỗi tháng, NLĐ chỉ đóng tiền ăn cho trẻ, các chi phí khác do DN hỗ trợ. Tại KCN Mỹ Phước, nhà trẻ của Công ty TNHH Yazaki EDS được thành lập từ năm 2008 với hơn 200 con CN theo học. Ở thị xã Bến Cát, nhà trẻ của Công ty TNHH May Quốc tế đi vào hoạt động từ năm 2009 với 4 lớp miễn phí, số lượng trẻ hiện nay là 100 cháu (tuổi từ 2-5)...
Theo bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, do thiếu trường, lớp mầm non, rất nhiều CN phải gửi con tại các nhóm, lớp tư thục chưa được cấp phép. Nơi đây không gian sinh hoạt rất hạn chế, người trông trẻ không được đào tạo bài bản, kỹ năng giáo dục trẻ hạn chế dẫn đến việc một số cháu bị bạo hành.
Ngoài ra, nhiều chủ nhà trọ cũng nhận trông trẻ với mức phí thấp hơn. Song, các cháu ở đây chỉ ăn và ngủ, không được học hành. Bữa ăn không bảo đảm dinh dưỡng và trẻ không được trang bị kiến thức cần thiết cho độ tuổi của mình.
Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã khảo sát nhu cầu của DN về vấn đề xây nhà trẻ để đề xuất với trung ương và địa phương có chính sách ưu tiên, nhằm tạo điều kiện xây trường mầm non phục vụ con CN một cách tốt nhất. Khảo sát cho thấy số lượng DN mong muốn xây nhà trẻ rất lớn song gặp rất nhiều vướng mắc, nhất là quỹ đất.
"Theo quy định, trường mầm non phải nằm ngoài KCN, trong khi quỹ đất sạch để xây dựng nhà trẻ gần như không có. Đây chính là trở ngại lớn nhất cần được tháo gỡ" - bà Trân nhấn mạnh.