Cần thêm trường công - giảm áp lực thi cử

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 vào trường trung học phổ thông (THPT) công lập vừa diễn ra trên địa bàn Đồng Nai thực sự là một “cuộc đua” đầy áp lực đối với các học sinh. Toàn tỉnh có hơn 26 ngàn thí sinh dự thi, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập trên địa bàn chỉ hơn 11 ngàn học sinh, dẫn đến tỷ lệ “chọi” cao và gây lo lắng cho thí sinh và phụ huynh.

Thí sinh sau khi thi tuyển sinh lớp 10 tại hội đồng thi Trường trung học phổ thông Ngô Quyền (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng

Thí sinh sau khi thi tuyển sinh lớp 10 tại hội đồng thi Trường trung học phổ thông Ngô Quyền (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đăng Tùng

Nguyên nhân cốt lõi dẫn đến áp lực từ cuộc thi lớp 10 là thiếu trường THPT công lập, “nóng” nhất là ở thành phố Biên Hòa, kế đến là thành phố Long Khánh, huyện Trảng Bom... Việc thi cử, tìm chỗ học phù hợp với năng lực, điều kiện và hoàn cảnh gia đình đang trở thành nỗi lo của nhiều học sinh, phụ huynh…

Thi xong vẫn chưa hết lo

Số lượng học sinh mỗi năm một gia tăng nhưng số lượng trường THPT công lập lại tăng không đáng kể, vì thế không đáp ứng đủ nhu cầu học trường công của học sinh. Từ tỷ lệ tuyển sinh cho thấy, năm học 2024-2025 sẽ có khoảng 15 ngàn học sinh không trúng tuyển vào các trường THPT công lập. Để có được 1 suất học công lập, học sinh và cả phụ huynh đã phải rất cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Nhiều học sinh phải chuẩn bị ôn luyện từ đầu năm lớp 9 với mong muốn đạt kết quả thi cao nhất.

Mặc dù đã thi xong nhưng nhiều phụ huynh, học sinh vẫn chưa hết căng thẳng. Chị Trần Thanh Liên (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) định hướng cho con đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Biên Hòa) để tiện cho con đi học do trường gần nhà.

“Khi dò đáp án các môn thi (được ngành giáo dục công bố), cháu tự chấm điểm mỗi môn trên 8 điểm. Nếu tính điểm xét tuyển như năm 2023 thì khả năng cháu đậu nguyện vọng 1 là chắc chắn, nhưng năm nay, đề thi được đánh giá không khó, khả năng nhiều điểm cao nên cũng lo”- chị Liên chia sẻ.

Chị Liên cho hay, con chị đăng ký nguyện vọng 2 vào Trường THPT Chu Văn An (thành phố Biên Hòa). Nếu học ở đây thì quãng đường từ nhà đến trường khá xa khoảng 7km. Để con tự đạp xe đi học chị không yên tâm, còn cho con học trường tư thì học phí cao, ngoài khả năng kinh tế của gia đình.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH:

Thu hút xã hội hóa giáo dục để có nhiều trường học chất lượng, hiện đại

Đồng Nai hiện có trên 730 ngàn học sinh với trên 920 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT. Tỉnh có số lượng học sinh nhiều thuộc tốp 5 cả nước, chỉ sau Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa và Nghệ An. Những số liệu trên cho thấy áp lực về đầu tư trường lớp công lập là vô cùng lớn, trong điều kiện ngân sách khó khăn và còn phải thực hiện chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ.

Việc sắp xếp trường lớp cho học sinh mỗi dịp đầu năm học là việc rất quan trọng. Sở Giáo dục và đào tạo cùng các ngành, địa phương luôn nỗ lực, cố gắng đảm bảo cơ hội học tập cho học sinh.

Chủ trương sắp tới theo định hướng của tỉnh đối với ngành là sẽ tiếp tục củng cố hiện đại hóa trường lớp, đảm bảo có đủ trường lớp, giáo viên cho học sinh. Thực hiện tốt chủ trương phân luồng học sinh sau bậc trung học cơ sở với 30% học sinh sẽ đi vào các cơ sở đào tạo nghề. Ở đó, các em sẽ vừa được học văn hóa, vừa học nghề. Số 70% còn lại sẽ học lên bậc THPT và những bậc học cao hơn.

Bên cạnh đó, sở sẽ tiếp tục thu hút xã hội hóa vào giáo dục để có nhiều trường học hơn theo hướng chất lượng, hiện đại để giảm đầu tư của ngân sách và biên chế giáo viên trong điều kiện biên chế ngày càng khó khăn.

Công Nghĩa (ghi)

Đây cũng là tâm trạng chung của phụ huynh vì đề thi tuyển sinh năm nay theo nhận xét là không quá khó, kiến thức sát với chương trình học nên khả năng nhiều học sinh làm bài tốt. Tuy nhiên, với số lượng thí sinh đông nên tính chất cạnh tranh giữa các thí sinh khá gay gắt. Thí sinh nào không thi đậu vào trường THPT công lập thì phải đăng ký học các trường tư thục, trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên…

“Tôi không chê trường công lập hay tư thục, nhưng tôi thấy, nguyện vọng được học tại các trường công lập phù hợp với năng lực, điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của gia đình học sinh là nguyện vọng chính đáng. Nếu không được đáp ứng thì quá thiệt thòi cho các cháu” - bà Nguyễn Thị Huyền Diệu (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) chia sẻ.

Tăng cường cơ sở vật chất, nâng chất lượng giáo dục

Thực tế trên cho thấy, nguyên nhân học sinh khó “chen chân” được vào trường công lập trên địa bàn tỉnh không phải chỉ vì sức học kém mà là do thiếu trường THPT công lập. Không tìm được suất trường công lập cho con, phụ huynh phải “gồng gánh” một khoản kinh phí không nhỏ để con được đi học tại các trường tư thục chất lượng và không phải ai cũng có điều kiện kinh tế để lo.

Học sinh ngày càng tăng trong khi trường THPT công lập ít buộc số điểm tuyển sinh ngày càng cao hơn. Nếu nhìn ở góc độ tích cực, việc này cho thấy chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Để có được 1 suất học ở trường công lập, học sinh và cả phụ huynh đã phải rất cố gắng, nỗ lực nhằm đạt kết quả thi cao nhất.

Thí sinh thi vào lớp 10 tại Hội đồng thi Trường trung học phổ thông Ngô Quyền (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Công Nghĩa

Thí sinh thi vào lớp 10 tại Hội đồng thi Trường trung học phổ thông Ngô Quyền (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Công Nghĩa

Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ khác sẽ thấy áp lực học tập đang dồn lên học sinh rất lớn. Bà Lê Kim Hạnh (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Bây giờ nhiều trường tư chỉ nhận học sinh có học lực khá trở lên và tiến hành kiểm tra lại, đủ điều kiện mới nhận học sinh vào học. Do đó, những học sinh có học lực trung bình rất khó để có cơ hội vào học tại các trường THPT, cả công lập lẫn tư thục” - bà Hạnh bày tỏ.

Với số lượng quá lớn học sinh bị loại ra khỏi “cuộc đua” vào trường THPT công lập tại các địa phương cũng cho thấy những bất cập trong quy hoạch trường lớp hiện nay. Để giảm áp lực thi cử dồn nén trên vai học sinh và phụ huynh, không gì khác ngoài việc đảm bảo chỗ học các em bằng cách xây dựng thêm trường công, có các giải pháp ưu tiên nhanh chóng mở rộng và xây mới các cơ sở trường học đáp ứng nhu cầu học tập khi tăng dân số.

Ngoài tăng cường cơ sở vật chất, việc nâng chất lượng giáo dục ở tất cả các cấp học đang là vấn đề cần được quan tâm. Chỉ khi không chạy theo thành tích, không có tình trạng “lạm phát” điểm 9, điểm 10, khi năng lực học sinh được đánh giá sát thực bằng điểm số, thay vì phải tổ chức kỳ thi tuyển sinh, các trường có thể tin tưởng dựa vào kết quả học bạ để làm căn cứ xét tuyển vào lớp 10, giảm áp lực thi cử cho cả phụ huynh, học sinh.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202406/can-them-truong-cong-giam-ap-luc-thi-cu-68a0fcc/