Can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật: Giúp trẻ tái hòa nhập cộng đồng

Qua 10 năm triển khai chương trình can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, nhiều phụ huynh đã tìm đến Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ khuyết tật (PHCN-GDTKT) tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ và đăng ký cho con tham gia, qua đó đã giúp nhiều trẻ có cơ hội hòa nhập cộng đồng.

Nhiều trẻ có chuyển biến tốt

Hơn 1 năm nay, chị Bùi Cẩm Tiên (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang) đưa con gái Đỗ Hoài An Nhiên (4 tuổi) đến Trung tâm PHCN-GDTKT tỉnh để can thiệp cho bé. Dựa theo những khuyết tật bé mắc phải, các kỹ thuật viên vật lý trị liệu ở trung tâm xây dựng chương trình giáo dục giúp bé phục hồi vận động. Chị Tiên cho biết, do bị teo 1 bên não nên từ khi sinh ra mắt bé Nhiên rất yếu, khó khăn trong vận động. Trong đợt đưa con đến trạm y tế địa phương khám sàng lọc trẻ khuyết tật, gia đình chị mới biết trung tâm có thực hiện chương trình can thiệp cho trẻ tại cộng đồng nên đưa bé tới. Qua 1 năm được kỹ thuật viên ở đây can thiệp và gia đình thực hiện can thiệp tại nhà theo hướng dẫn của kỹ thuật viên, bé đã biết ngồi và đang tập đi.

 Giáo viên của Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh thực hiện phục hồi chức năng cho trẻ.

Giáo viên của Trung tâm Phục hồi chức năng và Giáo dục trẻ khuyết tật tỉnh thực hiện phục hồi chức năng cho trẻ.

Chị Nguyễn Thu Thủy (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) cùng giáo viên của trung tâm cũng đang hướng dẫn con trai 6 tuổi bị mắc bệnh bại não tập đi trên khung gỗ được thiết kế dành riêng cho các trẻ bị khó khăn về vận động. Nhìn con khó khăn nhấc chân đi từng bước, chị Thủy xúc động: “Ở trung tâm, bé được cô giáo xây dựng chương trình tập vật lý trị liệu riêng, cứ mỗi tuần 2 lần tôi đưa bé đến đây, sau đó về nhà tập theo hướng dẫn của cô giáo. Qua gần 3 năm, giờ bé đã biết ngồi, đang tập đi từng bước”.

Ở khu vực khác của trung tâm, có hơn 10 phụ huynh có con bị rối loạn phổ tự kỷ, hành vi, ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý… đang thực hành và lắng nghe giáo viên hướng dẫn các phương pháp giao tiếp thay cho lời nói dành cho trẻ bị mắc bệnh lý trên.

Phải có sự hợp tác từ phụ huynh

Từ khi Trung tâm PHCN-GDTKT tỉnh triển khai chương trình can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật tại cộng đồng, nhiều phụ huynh đã tìm đến để được tư vấn, hỗ trợ và đăng ký cho con tham gia. Theo số liệu từ trung tâm, số trẻ cần can thiệp ngày càng gia tăng. Năm 2019, trung tâm tiếp nhận 58 trẻ, sau 1 năm tăng lên 89, đến nay tăng gần 200 trẻ, trong đó trẻ rối loạn giao tiếp gặp nhiều nhất trong những năm gần đây. Tùy theo rối loạn của từng trẻ, trung tâm sẽ sắp xếp thời gian để phụ huynh đưa trẻ tới can thiệp. Bà Võ Thị Kiều Ngân - Phó Trưởng phòng Vật lý trị liệu của trung tâm cho biết: “Các bé tới phòng tập mỗi ngày đa số là bị bại não, hạn chế về vận động, phát triển trí tuệ. Tùy theo từng trẻ, giáo viên sẽ xây dựng các bài tập phù hợp cho trẻ phát triển các kỹ năng. Do thời gian can thiệp tại trung tâm không nhiều, một tuần chỉ 2 đến 3 buổi, nên chúng tôi hướng dẫn các bài tập để phụ huynh tập cho trẻ tại nhà, đồng thời hỗ trợ một số dụng cụ thực hiện can thiệp cho phụ huynh. Đây là sự hợp tác rất quan trọng, nếu phụ huynh thực hiện tốt sẽ giúp trẻ phục hồi nhanh hơn”.

Bà Phan Thị Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Trung tâm PHCN-GDTKT tỉnh cho biết, can thiệp sớm giúp ngăn ngừa các nguy cơ gây ra khuyết tật, kích thích trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh. Giai đoạn can thiệp sớm là sau khi sinh cho đến 6 tuổi. Chương trình can thiệp sớm ở trung tâm với các rối loạn phát triển khác được thực hiện từ năm 2013. Sau khi trẻ được các cơ sở y tế chẩn đoán và xác định bệnh, trẻ được gửi về đây để tư vấn, hướng dẫn, can thiệp. Sau khi tiếp nhận, giáo viên và gia đình sẽ cùng đánh giá tình trạng của trẻ để đưa ra các giai đoạn can thiệp phù hợp nhất. Từ khi triển khai chương trình đến nay, nhiều trẻ được can thiệp sớm tại trung tâm đã hòa nhập tại cộng đồng; nhiều trẻ đã hòa nhập học tại các trường tiểu học và mầm non.

Tuy vậy, hiện nay, chương trình can thiệp sớm tại trung tâm còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do một số cha mẹ của trẻ vẫn chưa nhận thức đúng đắn về trẻ rối loạn phát triển và phương pháp can thiệp sớm. Nhiều trẻ khi đến trung tâm đã qua “giai đoạn vàng” nên vấn đề can thiệp gặp nhiều khó khăn hơn. “Trong những năm gần đây, nhu cầu của cha mẹ có trẻ khuyết tật cần can thiệp sớm ngày càng nhiều. Trung tâm đã xây dựng, bố trí, trang bị các phòng can thiệp sớm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của xã hội, nhưng do khó khăn về cơ sở vật chất, nhân sự, đồ dùng luyện tập… nên chỉ mới đáp ứng được phần nào”, bà Sinh chia sẻ.

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/can-thiep-som-cho-tre-khuyet-tatgiup-tre-tai-hoa-nhap-cong-dong-e63532a/