Cần thiết ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ là một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo. Theo Bộ Công an, cùng với Luật Đường bộ, việc xây dựng, ban hành Luật TTATGT đường bộ là đòi hỏi tất yếu khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, nâng tầm cả 2 lĩnh vực đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Bài 1: Nhiều thiếu hụt chính sách về giao thông, vận tải, hạ tầng đường bộ

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001 trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy. Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, đầy đủ, cụ thể và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện.

Tình hình TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự hoàn thiện các chính sách về giao thông đường bộ.

Tình hình TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự hoàn thiện các chính sách về giao thông đường bộ.

Bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế

Theo Cục CSGT, Bộ Công an, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong những năm qua tuy đã có những chuyển biến nhưng chưa thực sự căn bản, vững chắc, còn nhiều diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông (TNGT) vẫn ở mức cao và nghiêm trọng, nhất là số người chết và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông. Tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn diễn ra phổ biến. Văn hóa giao thông còn nhiều yếu kém.

Ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Tình hình nêu trên cho thấy, an ninh con người trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa được bảo đảm.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001, trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là mô tô, xe gắn máy.

Theo đó, một số quy định tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện, như quy tắc giao thông chủ yếu là nội luật hóa Công ước Viên năm 1968 về giao thông đường bộ nhưng việc cụ thể hóa các quy định của Công ước này trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa rõ, chưa đầy đủ và sát thực tiễn tình hình giao thông tại Việt Nam. Bên cạnh đó, không quy định đầy đủ, cụ thể về các chế định bảo đảm TTATGT liên quan, như giải quyết TNGT; tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết các vấn đề an ninh trật tự, sự kiện trên các tuyến giao thông...

Cùng với đó, phương tiện giao thông tăng nhanh, chủ yếu là các phương tiện cá nhân. Toàn quốc đã đăng ký quản lý 5.897.657 xe ôtô (gấp hơn 6,9 lần so với từ năm 2008 trở về trước), 72.437.859 xe mô tô, xe gắn máy (gấp 2,9 lần so với từ năm 2008 trở về trước); trong khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các chính sách, biện pháp, quy định cụ thể về phát triển phương tiện để đảm bảo đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam. Quy định về nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông và bảo vệ môi trường chưa đáp ứng tình hình mới.

Chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng gặp khó khăn về cơ sở pháp lý

Theo Bộ Công an, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII chỉ ra tồn tại, hạn chế là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chưa đạt yêu cầu, chưa cân đối giữa các vùng, miền. Một số dự án hạ tầng giao thông còn chậm tiến độ. Tính kết nối trong phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông thiếu đồng bộ, hệ thống đường cao tốc còn hạn chế. Nhiều tuyến đường nhất là ở các vùng nông thôn, vùng sâu có quy mô kỹ thuật thấp chưa được cải tạo nâng cấp, mở rộng, chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Hệ thống đường địa phương những năm qua đã có bước phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế; giao thông tại các đô thị lớn còn thường xuyên ùn tắc, trong đó có một phần là hạ tầng chưa đầy đủ, đồng bộ.

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị phải bảo đảm từ 16% - 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị hiện nay còn thấp hơn so với quy định, như tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5% - 12% tùy theo từng khu vực. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh cũng rất thấp, mới chỉ đạt được dưới 1%. Các quy định liên quan đến đường cao tốc hiện nay mới được quy định tại một Điều (Điều 26) về quy tắc giao thông trên đường cao tốc trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, bảo trì đường cao tốc đang được quy định tại văn bản dưới luật.

Có thể thấy Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đã có quy định về chính sách về quy hoạch đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành bảo trì, quản lý vận tải đường bộ nhưng chưa đầy đủ và cụ thể, như cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, cơ chế về vốn, về bảo trì, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng... Thực tế cho thấy khi đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gặp nhiều khó khăn về cơ sở pháp lý.

Nguyễn Hương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/can-thiet-ban-hanh-luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-dap-ung-yeu-cau-thuc-tien-i691940/