Cần thiết ban hành Nghị quyết gỡ vướng trong công tác quy hoạch
Hôm 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề nhằm rà soát lại công tác liên quan đến Luật Quy hoạch và hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội 'về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành'.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về công tác quy hoạch. Ảnh: VGP.
Đã ban hành hàng trăm Nghị quyết, Nghị định, Thông tư… triển khai Luật quy hoạch
Tại cuộc họp, các ý kiến đánh giá công tác thực hiện Luật Quy hoạch, triển khai lập các quy hoạch đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, với các chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt tới các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 3 nghị quyết và tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 chỉ thị, 2 quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo liên quan.
Trong nỗ lực tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, nhất là về vấn đề thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 7 luật, 1 pháp lệnh, 2 nghị quyết. Chính phủ cũng trực tiếp ban hành 42 nghị định, ngoài ra các bộ ban hành 95 thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 26 đợt tập huấn cấp liên vùng, vùng, địa phương để triển khai Luật Quy hoạch…
Tuy nhiên, theo các ý kiến tại phiên họp, trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch đến nay vẫn còn nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc; cả trong các quy định tại Luật Quy hoạch; các luật, pháp lệnh liên quan về quy hoạch; việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và đặc biệt là khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện. Đáng chú ý, một số quy định vẫn chưa bắt kịp thực tiễn, chưa đánh giá được hết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Theo đó, thực tế trong giai đoạn 2011-2021, chỉ có 31 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt (trừ các quy hoạch xây dựng và đô thị thực hiện theo Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị). Còn theo Luật Quy hoạch, số lượng quy hoạch phải lập lên tới 111 quy hoạch. Như vậy, số lượng quy hoạch cần phê duyệt còn lại là rất lớn.
Về nguyên nhân, các đại biểu cho rằng bên cạnh các yếu tố khách quan như dịch bệnh, còn nhiều yếu tố chủ quan như công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quy hoạch của một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng mức; đầu tư cho công tác quy hoạch ở các cấp còn hạn chế…
Vẫn cần Nghị quyết mới, rút gọn thủ tục triển khai Luật Quy hoạch
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công tác quy hoạch có vị trí, vai trò rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đặc biệt quan tâm. Việc ban hành Luật Quy hoạch đã được thực hiện trên cơ sở thảo luận, lấy ý kiến kỹ lưỡng, lắng nghe các ý kiến của người dân, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, việc triển khai Luật Quy hoạch đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình xây dựng quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ đây là việc mới và khó, nên quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc mặc dù các cơ quan đã tích cực giải quyết. Việc lập các quy hoạch tuy đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng nhìn chung vẫn còn chậm so với yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Qua đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, đề xuất các cấp có thẩm quyền trên cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn.
Qua thảo luận, các ý kiến tại phiên họp thống nhất kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết mới vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch trên cơ sở bám sát hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội; về lâu dài phải tiếp tục sơ kết, tổng kết, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch.
Cụ thể, Nghị quyết trình Quốc hội bao gồm việc đề xuất điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó lựa chọn một số quy hoạch cần ưu tiên phải lập, hoàn thành sớm để phục vụ phát triển đất nước; điều chỉnh quy định về chi phí, cho phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn chi thường xuyên và nguồn vốn xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch; điều chỉnh nội hàm quy hoạch quốc gia theo hướng tập trung vào các quan điểm, định hướng chiến lược, không gian phát triển, những vấn đề có tác động, chi phối lớn đến công tác quy hoạch ở cấp dưới…
Cùng với đó, kiến nghị Quốc hội cho phép lập đồng thời các quy hoạch và việc điều chỉnh quy hoạch không cần thực hiện thủ tục lập nhiệm vụ quy hoạch; cho phép các quy hoạch đã phê duyệt trước ngày 1/1/2019 được tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung theo quy định của pháp luật có liên quan trước ngày Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, cho đến khi quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được quyết định hoặc phê duyệt.
Bên cạnh đó, cho phép lựa chọn tư vấn lập quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng theo hình thức chỉ định thầu hoặc cho phép các đơn vị nghiên cứu, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tham gia xây dựng quy hoạch của ngành theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ có kinh phí, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
Cho phép quy định việc phải xây dựng và ban hành văn bản về các quan điểm, mục tiêu, phương án phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh, các hoạt động của ngành; cho phép điều chỉnh tiến độ và giải thích, thống nhất cách hiểu về khái niệm, nguyên tắc tích hợp quy hoạch, mối quan hệ giữa các quy hoạch.
Ngoài ra, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ nhiệm vụ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch của từng cơ quan, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với các tiêu chí, tiêu chuẩn cho rõ và cơ chế kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát, triển khai các công việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành.