Cần thiết để ngăn tiêu cực

Chính phủ đã bỏ nội dung 'lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) được trích 70% tiền xử phạt vi phạm' trong dự thảo mới nhất Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Chủ trương này nhận được sự đồng thuận của người dân cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông.

Lực lượng chức năng xử phạt vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Việt Dũng

Lực lượng chức năng xử phạt vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi. Ảnh: Việt Dũng

Không phù hợp quy định chung

Tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra trong 2 ngày 26 - 27/3, Chính phủ đã bỏ đề xuất CSGT được trích tối thiểu 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước.

Trước đó, tại Khoản 1, Điều 5 của dự thảo Luật trình phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề xuất quy định lực lượng CSGT được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách T.Ư theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất, nội dung này đã không còn. Khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật chỉ còn quy định huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Luật sư Phạm Thanh Hải - Trưởng Văn phòng luật Hải Thanh cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định rõ tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính phải nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước và phải được quản lý, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước. Việc đầu tư cho lực lượng CSGT, cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là cần thiết. Nhưng, quy định như dự thảo là không thống nhất với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trước đó, tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, đây là đề xuất mới tại dự thảo luật nên Chính phủ cần phải có báo cáo đánh giá tác động, làm rõ tác động đến ngân sách Nhà nước thế nào, tính phù hợp với các pháp luật có liên quan thế nào. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, vấn đề xử phạt vi phạm hành chính là một nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

"Mặt khác, hiện có rất nhiều lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, tại sao mỗi lĩnh vực này quy định trích phần trăm còn các lĩnh vực khác thì không, trong khi cũng có rất nhiều lĩnh vực quan trọng" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ.

Ông Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, việc trích 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách T.Ư theo quy định của pháp luật cũng là quy định mới so với dự thảo Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6 và cũng không phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Cụ thể, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định, toàn bộ số tiền xử lý tài sản công (biển số xe là tài sản công) được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước; sau khi trừ đi chi phí có liên quan đến xử lý tài sản, phần còn lại phải được nộp toàn bộ vào ngân sách Nhà nước.

Trước đó, để khắc phục tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng tăng cao, kịp thời hỗ trợ các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là mua sắm trang bị, phương tiện phục vụ công việc, ngày 25/7/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2007/TT-BTC quy định tiền phạt vi phạm hành chính được phân bổ cho các lực lượng, trong đó có lực lượng CSGT, Thanh tra giao thông (bao gồm cả Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thủy nội địa) với các tỷ lệ phân bổ cụ thể.

Đến ngày 6/12/2013, Thông tư 89 nêu trên đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách Nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính. Tại khoản 5 Điều 4 Thông tư số 153 nêu rõ, tiền thu phạt vi phạm hành chính được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước.

Không để thất thoát ngân sách

Việc bảo đảm an toàn giao thông đang là vấn đề nóng của xã hội. Đầu tư cho lực lượng CSGT, cho công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là cần thiết. Nhưng thay vì đầu tư theo cách trích từ tổng số tiền thu được trong lĩnh vực này, nên dùng ngân sách Nhà nước bố trí theo quy định chung. Bởi vậy, việc bỏ đề xuất CSGT được trích tối thiểu 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước nhận được sự đồng tình của dư luận.

Chị Hà Thị Thúy, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, CSGT cũng như các lĩnh vực hành chính khác làm việc theo trách nhiệm để được hưởng lương theo quy định của Nhà nước, do vậy không nên có những khoản trích phần trăm từ tiền xử phạt vi phạm.

Việc trích lại tiền xử phạt vi phạm về giao thông sẽ dẫn đến tiêu cực như lực lượng CSGT có thể tìm mọi cách để xử phạt tràn lan, gây tâm lý hoang mang cho người tham gia giao thông. Không những vậy, việc này còn dẫn tới khó quản lý, hao hụt ngân sách Nhà nước, nhất là theo quy định mới, mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã được nâng lên rất nhiều.

Theo thống kê, trong năm 2023, lực lượng CSGT toàn quốc kiểm tra, xử lý 3.403.625 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 6.576 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn 664.197 trường hợp, tạm giữ 1.070.534 phương tiện các loại. Trong quý I/2024, đã xử lý hơn 1 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền hơn 2.000 tỷ đồng, tước hơn 206.000 giấy phép lái xe…

Theo thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương, hiện nay, không chỉ mình lực lượng CSGT làm công việc bảo đảm an toàn giao thông mà công an phường, cảnh sát trật tự và thanh tra Sở GTVT… cũng góp phần không nhỏ trong công tác này. Các lực lượng chức năng đều có nhiệm vụ và trách nhiệm riêng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Do vậy, việc trích phần trăm tiền phạt cho riêng lực lượng CSGT là không phù hợp.

“Tiền phạt vi phạm an toàn giao thông hay các loại vi phạm khác của người dân vẫn cần được nộp vào ngân sách Nhà nước. Không ngành nào được chia phần trăm. Nhà nước cân đối ngân sách cho duy tu bảo dưỡng đường bộ, mua sắm trang thiết bị phục vụ an toàn giao thông, tăng cường camera phạt nguội hay thực hiện các dự án bảo đảm an toàn giao thông” - thạc sĩ xã hội học Nguyễn Văn Dương chia sẻ.

Phạm Công

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/can-thiet-de-ngan-tieu-cuc.html