Cần thiết hiện đại hóa hệ thống đường sắt Việt Nam
Chiều 28-10, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ, cho ý kiến vào báo cáo của Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TƯ ngày 17-8-2008 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải, thực hiện Kết luận số 27-KL/TƯ, từ năm 2009, Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, đến nay, kết cấu hạ tầng đường sắt đã được duy tu, bảo dưỡng; hệ thống đường sắt đô thị được tăng cường đầu tư tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thực hiện Kết luận số 27-KL/TƯ, đến nay, hệ thống đường sắt Việt Nam đã có sự chuyển mình tốt, song nhìn chung còn lạc hậu, cần phải được cải tạo, xây dựng mới để phục vụ phát triển đất nước. Hệ thống đường sắt đô thị tiếp tục phải thực hiện theo quy hoạch, trước hết là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết ùn tắc giao thông. Ngoài ra, cần nghiên cứu định hướng phát triển hệ thống đường sắt nối Tây Nguyên với miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh, nối thành phố Hồ Chí Minh với miền Tây Nam Bộ.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc phát triển và hiện đại hóa hệ thống đường sắt nước ta, trong đó đặc biệt là hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là rất cần thiết. Do đó, các đánh giá tiền khả thi đối với hướng đi này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng để trình Bộ Chính trị và Quốc hội.
Thủ tướng lưu ý việc xây dựng chiến lược, các báo cáo phải chú ý một số vấn đề trong đó chọn công nghệ phù hợp để phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam. Về nguồn lực đầu tư, phải bảo đảm giảm đầu tư công nhưng mặt khác phải tìm nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước; nên chọn hướng đầu tư ưu tiên là đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tốt nhất.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải hoàn thiện chiến lược cùng quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tinh thần lớn là cải cách mạnh mẽ ngành Đường sắt, đưa ra phương án khả thi, cụ thể, đặc biệt là hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam được coi là xương sống của chiến lược, cùng với các nhánh đường sắt liên vùng, liên tỉnh khác.