Cần thiết sửa đổi Luật An toàn thực phẩm

Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Thực phẩm là mối lo sức khỏe toàn cầu

Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), mỗi ngày trên toàn cầu có hơn 1,6 triệu người mắc các bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn, và khoảng 420.000 người tử vong mỗi năm do ăn phải thực phẩm nhiễm vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng hoặc hóa chất độc hại.

Các vấn đề lớn liên quan đến an toàn thực phẩm bao gồm vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng. Đây là các tác nhân chính gây ra các bệnh nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm và một số bệnh nguy hiểm khác.

Các vấn đề lớn liên quan đến an toàn thực phẩm bao gồm vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng. Đây là các tác nhân chính gây ra các bệnh nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm và một số bệnh nguy hiểm khác.

Những bệnh này, từ tiêu chảy đến ung thư, gây gánh nặng không nhỏ cho hệ thống y tế và nền kinh tế của các quốc gia. Do đó, an toàn thực phẩm không chỉ là vấn đề quốc gia mà còn là mối quan tâm toàn cầu, liên quan đến sức khỏe cộng đồng, môi trường và sự phát triển bền vững.

An toàn thực phẩm là yếu tố then chốt trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Việc tiêu thụ thực phẩm bị ô nhiễm có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe, làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng đến năng suất lao động và thậm chí gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế.

Các bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn làm quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Hàng năm, các quốc gia này thiệt hại khoảng 95 tỷ USD do các vấn đề về thực phẩm bẩn.

Thực phẩm không an toàn còn gây ra các vấn đề về môi trường, xã hội và thương mại. Những vi phạm liên quan đến chất lượng thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn gây căng thẳng trong các quan hệ thương mại quốc tế, đặc biệt khi các sản phẩm bị nhiễm độc xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Chẳng hạn, việc sử dụng chất melamine trong thực phẩm tại Trung Quốc đã gây ra vụ bê bối nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu.

Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trên quy mô toàn cầu gặp phải không ít khó khăn do tính phức tạp của chuỗi cung ứng thực phẩm.

Thực phẩm không chỉ được sản xuất trong một quốc gia mà còn trải qua nhiều giai đoạn chế biến, vận chuyển và lưu trữ trước khi đến tay người tiêu dùng. Mỗi khâu trong chuỗi này đều có thể tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm hoặc nhiễm độc thực phẩm.

Các vấn đề lớn liên quan đến an toàn thực phẩm bao gồm vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng. Đây là các tác nhân chính gây ra các bệnh nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm và một số bệnh nguy hiểm khác.

Việc sử dụng thuốc trừ sâu, chất bảo quản hay các hóa chất trong chế biến thực phẩm, nếu không được kiểm soát chặt chẽ, có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, chất phụ gia và thực phẩm biến đổi gen, mặc dù giúp kéo dài thời gian bảo quản thực phẩm và tăng năng suất sản xuất, nhưng nếu sử dụng không đúng cách có thể gây ra những tác động lâu dài đối với sức khỏe.

Ngoài ra, việc kiểm soát thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhỏ lẻ và các cơ sở sản xuất không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là một thách thức lớn. Những cơ sở này có thể không tuân thủ đầy đủ các quy định về vệ sinh, từ đó làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.

Để đối phó với các vấn đề trên, việc xây dựng và thực thi các quy định pháp lý về an toàn thực phẩm trở nên vô cùng quan trọng.

Các cơ quan quốc tế như WHO và FAO đã kêu gọi các quốc gia cải thiện và thiết lập các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng mà còn thúc đẩy thương mại và phát triển bền vững.

Các vấn đề cần điều chỉnh trong Luật An toàn thực phẩm

Số liệu thống kê từ các bộ và UBND của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, từ năm 2011 đến nay, hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam đã có trên 250 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành.

Tuy nhiên, đến nay, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đã không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Nói về những tồn tại của Luật An toàn thực phẩm hiện hành, theo bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, một số quy định về cấp chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm thực phẩm chưa phù hợp với thực tế, đặc biệt là đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ.

Mặc dù sản xuất nhỏ lẻ, nhưng các hộ này lại cung cấp một khối lượng thực phẩm lớn cho xã hội. Nếu không chú ý quản lý đối tượng này, sẽ dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Còn thiếu các quy định quản lý, chẳng hạn như quy định về chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật, quy định về phân cấp trong điều tra ngộ độc thực phẩm và quy định về thu hồi Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy.

Một số quy định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm chưa đồng bộ và khó triển khai, đặc biệt là trong việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Một số khái niệm như “sản xuất thực phẩm” và “kinh doanh thực phẩm” chưa thống nhất giữa Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật An toàn thực phẩm, gây khó khăn trong quá trình thi hành pháp luật.

Luật An toàn thực phẩm sửa đổi sẽ giải quyết các bất cập hiện tại, như điều chỉnh các quy định chưa phù hợp với thực tế, đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi trong quá trình xây dựng pháp luật.

Dự kiến, các nội dung sửa đổi sẽ giúp Việt Nam thực thi các cam kết quốc tế, đặc biệt là các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP, ASEAN.

Việc sửa Luật cũng nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, đồng thời bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế số và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các quy định của Luật phải phù hợp với các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết và tham gia, đặc biệt là các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý và đánh giá sự phù hợp, đồng thời loại bỏ các quy định chồng chéo trong các văn bản pháp luật.

Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm là cần thiết để đáp ứng yêu cầu mới của thực tiễn và hội nhập quốc tế, đồng thời khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phát triển bền vững nền kinh tế.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-thiet-sua-doi-luat-an-toan-thuc-pham-d238316.html