Cần thiết sửa đổi Luật Quản lý nợ công
Bộ Tài chính đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý nợ công.

Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý nợ công
Bộ Tài chính, ngày 23/11/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018. Qua gần 7 năm thực hiện, Luật Quản lý nợ công đã đi vào cuộc sống, lần đầu tiên công tác quản lý Nhà nước về nợ công được thống nhất một đầu mối, phù hợp với thông lệ quốc tế, huy động đầy đủ các nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển và trả nợ gốc của ngân sách nhà nước (NSNN); nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của các cơ quan sử dụng nợ công; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, trả nợ công; quản lý, kiểm soát chặt chẽ các khoản chính phủ bảo lãnh, vay về cho vay lại, góp phần cải thiện các chỉ tiêu an toàn nợ công và mở rộng dư địa tài khóa.
Thời gian qua, việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, được thể chế hóa tại Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, việc Quốc hội ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều luật tại kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu… đã tác động đến việc thực hiện các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Quản lý nợ công.
Trong bối cảnh triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ nêu trên, Bộ Tài chính đã tổ chức nghiên cứu, rà soát quy định pháp luật hiện hành về quản lý nợ công để đề xuất các chính sách đột phá, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn trong công tác huy động vay, trả nợ công, hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo khuôn khổ thể chế làm cơ sở huy động đủ nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt mục tiêu 8%, phấn đấu tăng trưởng hai con số các năm tiếp theo.
Đặc biệt, trong bối cảnh sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, chủ trương phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan lập pháp và hành pháp, tăng cường phân cấp, phân quyền, một số quy định của Luật Quản lý nợ công về thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, quy định gắn với phân công nhiệm vụ các cơ quan Chính phủ trước đây cần rà soát sửa đổi, đảm bảo nhất quán và đáp ứng yêu cầu thu gọn đầu mối và cải cách thủ tục hành chính trong tình hình mới. Trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá, Bộ Tài chính thấy việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công là cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ với các luật Quốc hội ban hành tại kỳ họp thứ 9 như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công sửa đổi, Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại Doanh nghiệp. Đồng thời cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác huy động và trả nợ công phục vụ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo các chủ trương của Đảng, Nhà nước và giải quyết một số vướng mắc thực tế trong quá trình thực thi và quản lý.
Dự thảo Luật đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung của 22/63 điều,trong đó, sửa đổi, bổ sung 17/63 điều, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều và bổ sung quy định mới tại 5 điều.
Những nội dung phân cấp, phân quyền
Để tiếp tục thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, gắn liền với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị, tại khoản 8, 11, 19, 21 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến quy định trao quyền cho Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trong một số nhiệm vụ về quản lý nợ, tăng cường sự chủ động và tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương trong việc quyết định, sử dụng ngân sách, theo đó bổ sung quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước, Chính phủ, sửa đổi, bổ sung tương ứng về quyền hạn, nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính (bao gồm khoản 1, khoản 2 Điều 12, khoản 4 Điều 13, khoản 7 Điều 14, khoản 1d Điều 15, khoản 4 Điều 23, khoản 6 Điều 24, khoản 6 Điều 29, khoản 1đ, 2b Điều 43, điểm a khoản 1 Điều 53, khoản 1, điểm c khoản 4, khoản 5 Điều 61 Luật Quản lý nợ công), cụ thể như sau:
- Sắp xếp lại, bổ sung, sửa đổi quy định tại khoản 6 Điều 29 về Vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, cụ thể như sau: Bổ sung quy định về "Ký, phê chuẩn, sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế về vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước", theo đó, dự thảo Luật dự kiến phân cấp Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký, phê chuẩn điều ước quốc tế về vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước, đảm bảo phù hợp với thẩm quyền của Chủ tịch nước quy định tại Hiến pháp. Đối với việc sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế về vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Nhà nước, dự thảo Luật dự kiến giao Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đối với các điều ước quốc tế về vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Chính phủ: Dự thảo Luật dự kiến quy định Chính phủ quyết định ký, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đàm phán, sửa đổi, bổ sung.
Đối với các thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài nhân danh Chính phủ, dự kiến quy định phân cấp việc đàm phán cho Bộ Tài chính chủ động thực hiện trên cơ sở hội đủ điều kiện đàm phán; việc ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn các thỏa thuận vay do Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định như Luật hiện hành.
Bộ Tài chính cho biết, các đề xuất quy định về phân cấp, phân quyền, bổ sung, sửa đổi tại khoản 6 nêu trên, sửa đổi tương ứng tại khoản 1, 2 Điều 12, khoản 4 Điều 13, khoản 7 Điều 14, khoản 1d Điều 15, khi được phê duyệt sẽ giảm đáng kể thời gian tiến hành các quy trình, thủ tục về thỏa thuận vay nước ngoài.
- Dự kiến bỏ quy định tại khoản 4 Điều 13, phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các hạn mức nợ. Rà soát, điều chỉnh quy định tại khoản 4 Điều 23, khoản 6 Điều 24 về Chương trình quản lý nợ công 03 năm, Kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, quy định yêu cầu thông tin thiết yếu phục vụ khung dự báo vĩ mô đối với Chương trình quản lý nợ công 03 năm, tích hợp quy trình lập Chương trình quản lý nợ với việc lập Kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm; không quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 03 năm, thay vào đó phân cấp, giao Bộ Tài chính chủ động điều hành, đồng thời công bố để đáp ứng yêu cầu công khai theo thông lệ quốc tế.
- Tại điểm a khoản 1 Điều 53 - Tổ chức vay, trả nợ của chính quyền địa phương bỏ quy định tỉnh lấy ý kiến chấp thuận của Bộ Tài chính về điều kiện, điều khoản của trái phiếu chính quyền địa phương, phân cấp cho UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cấp tỉnh phê duyệt Đề án phát hành, đảm bảo trong tổng mức vay được Quốc hội phê duyệt.
- Căn cứ các quy định hiện hành tại Điều 4 về phân loại nợ công, các nội dung đề xuất công bố tài liệu Kế hoạch vay, trả nợ công hằng năm, Chương trình quản lý nợ công 03 năm để đảm bảo linh hoạt, đáp ứng các thông lệ quốc tế về công khai nợ công, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi khoản 1, điểm c khoản 4, khoản 5 Điều 61 về Công bố thông tin về nợ công, phân cấp cho Chính phủ quy định chi tiết việc công bố thông tin, số liệu nợ công, đồng thời bổ sung hình thức công bố bằng ấn phẩm hoặc trên phương tiện điện tử là hình thức công bố phổ biến hiện nay.
Bổ sung một số nội dung
Bộ Tài chính đề xuất bổ sung khoản 6 Điều 5, khoản 7 Điều 13, khoản 5, 6 Điều 28, điểm 1a Điều 32, khoản 2, 3 và 4 Điều 35 Luật Quản lý nợ công. Cụ thể:
- Nguyên tắc về mọi nghĩa vụ nợ của Chính phủ phải được đối xử bình đẳng là nguyên tắc cơ bản, thông lệ quốc tế trong các giao dịch vay nợ nước ngoài và là yêu cầu của tất cả các bên cho vay. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến Bộ Tư pháp về việc rà soát nguyên tắc này trong pháp luật hiện hành để làm cơ sở đưa vào các thỏa thuận vay tại Điều 5 Luật Quản lý nợ công (Nguyên tắc quản lý nợ công), Bộ Tài chính đề xuất bổ sung khoản 6 (mới) quy định mọi nghĩa vụ nợ của Chính phủ được đối xử bình đẳng.
- Tại Điều 13 Luật Quản lý nợ công (Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ) bổ sung khoản 7 (mới) về quyền hạn ký, phê duyệt điều ước quốc tế về vay ODA, vay ưu đãi nhân danh Chính phủ theo nội dung Bộ Tài chính đã đề xuất nêu trên.
- Nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho việc huy động vốn từ kênh TPQTCP phục vụ nhu cầu đầu tư phát triển trong thời gian tới của Việt Nam, tại Điều 28 Luật Quản lý nợ công (Phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế) dự kiến bổ sung khoản 5 (mới) quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ lãi trái phiếu của nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế; bổ sung khoản 6 (mới) quy định việc giao Chính phủ hướng dẫn phương thức lựa chọn tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành, tư vấn pháp lý, các đại lý liên quan và kế hoạch tổ chức phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.
Bên cho vay nước ngoài (bao gồm cả các tổ chức trực thuộc Chính phủ nước ngoài và các ngân hàng thương mại được Chính phủ nước ngoài chỉ định là Bên cho vay) khi cho Chính phủ Việt Nam vay đều quy định họ sẽ được nhận đầy đủ các khoản thanh toán từ Chính phủ Việt Nam mà không bị khấu trừ, nghĩa là Chính phủ Việt Nam không thu thuế đối với các khoản thu nhập của họ từ khoản vay. Luật Thuế giá trị gia tăng (khoản 9a Điều 5) quy định các khoản phí được nêu cụ thể tại Hợp đồng vay vốn của Chính phủ Việt Nam với Bên cho vay nước ngoài thuộc đối tượng không chịu thuế. Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện không có quy định miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập của bên cho vay nước ngoài từ lãi và phí tại các khoản vay mà Nhà nước, Chính phủ Việt Nam là bên vay.
Để đảm bảo hài hòa quy định với bên cho vay, tháo gỡ vướng mắc trong khâu đàm phán, tại Điều 32 Luật Quản lý nợ công (Trả nợ của Chính phủ) dự kiến bổ sung khoản 1a (mới) quy định thu nhập phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam từ lãi và các loại phí của Bên cho vay nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam theo các Điều ước quốc tế, thỏa thuận vay mà Nhà nước, Chính phủ Việt Nam là Bên vay thì không thuộc đối tượng nộp thuế tại Việt Nam…
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.