Cần Thơ cần tăng cường chỉ đạo, điều hành trong công tác theo dõi thi hành pháp luật
Ngày 18/10, Đoàn Công tác liên ngành thực hiện kiểm tra, điều tra, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 của Trung ương do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh làm trưởng đoàn đã đến làm việc với TP Cần Thơ.
Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; ông Lê Việt Sĩ – Giám đốc Sở Tư pháp; cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành TP Cần Thơ.
Cần quan tâm công tác pháp chế các sở, ngành, địa phương
Báo cáo với Đoàn công tác, ông Lê Việt Sĩ – Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho biết, căn cứ quyết định của Thủ tướng, UBND TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố năm 2023.
Theo đó, Sở Tư pháp đã chủ trì phối hợp các sở, ban, ngành, các quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện. Trong thời gian qua, thành phố đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các văn bản ban hành đảm bảo hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản. Để đảm bảo các điều kiện thi hành pháp luật, thành phố đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tập huấn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ.
Về thi hành pháp luật trên các lĩnh vực tại địa phương được các cấp, các ngành triển khai tích cực, hiệu quả. Những khó khăn, vướng mắc được xử lý kịp thời hoặc báo cáo, kiến nghị Trung ương xem xét, hướng dẫn theo thẩm quyền.
Thành phố thiết lập đường dây nóng trong tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh của doanh nghiệp và nhà đầu tư được công khai trên Cổng thông tin điện tử thành phố. Nhìn chung các cơ quan chức năng có liên quan chủ động, tích cực trong công tác tham mưu thi hành pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng dịch vụ thiết yếu; lao động việc làm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong tuân thủ pháp luật vẫn còn tình trạng vi phạm hành chính về giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; lao động việc làm trên địa bàn. Vẫn còn trường hợp doanh nghiệp nợ lương người lao động, thành phố đã và đang chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn.
Đồng thời, chưa có sự phối hợp liên thông chặt chẽ trong thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội…
Sau khi lắng nghe báo cáo của địa phương, các thành viên trong Đoàn công tác cũng có phản hồi, yêu cầu cung cấp, làm rõ thêm những thông tin để có cái nhìn tổng quan về những thành tựu và hạn chế của thành phố. Các thành viên Đoàn công tác yêu cầu làm rõ nội dung một bộ phận ý thức chấp hành pháp luật chưa cao. Cần nêu rõ cụ thể trường hợp các cơ quan, sở, ngành, cá nhân vi phạm, chấp hành chưa tốt việc tuân thủ pháp luật, lĩnh vực và mức độ vi phạm.
Bên cạnh đó, yêu cầu địa phương làm rõ tình hình xử lý kiến nghị, khiếu nại của người dân, doanh nghiệp thông qua đường dây nóng. Về phía địa phương, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan đã trao đổi, trả lời những ý kiến, vấn đề Đoàn công tác đặt ra. Từ đó, phát huy những lợi thế và khắc phục những khó khăn, hạn chế, vướng mắc đang gặp phải.
Kịp thời rà soát, sửa đổi những văn bản còn sai sót, hết hiệu lực
Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các văn bản pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương về theo dõi thi hành pháp luật. Việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực giá, lao động việc làm về cơ bản đã đạt được những kết quả ban đầu, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, ông Hè cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của địa phương. Từ đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Đồng thời, quan tâm đến hệ thống pháp chế các sở, ngành, quận huyện. Bên cạnh đó, cần quan tâm đúng mức đến công tác thanh tra, kiểm tra để tăng cao hiệu quả tuân thủ và thi hành pháp luật.
“Trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ tăng cường công tác tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho cán bộ công chức. Giao giám đốc Sở Tư pháp chủ trì làm đầu mối mở nhiều lớp tập huấn, mời các giảng viên từ Bộ, ngành, trung ương đến tập huấn, hướng dẫn để giảm thiểu những hạn chế, thiếu sót”.
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ còn đề nghị các sở, ban, ngành, các quận, huyện tiếp thu ý kiến của đoàn liên ngành. “Đây là những ý kiến rất quý giá, cần bổ sung vào chương trình công tác của đơn vị mình để thực hiện cho hiệu quả”, ông Hè nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh ghi nhận sự quan tâm, chỉ đạo đối với công tác theo dõi thi hành pháp luật của Thành ủy, UBND TP Cần Thơ; sự nỗ lực của Sở Tư pháp và những khó khăn vướng mắc địa phương đã nêu cụ thể trong báo cáo.
Liên quan đến Công tác pháp chế, xây dựng pháp luật, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Lãnh đạo UBND Thành phố, các sở, ban, ngành của Thành phố Cần Thơ tiếp tục quán triệt, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và ban hành VBQPPL đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các cấp, các ngành, địa phương. Trong đó, tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, tập trung nguồn lực thực hiện tốt Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), các Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao chất lượng và tiến độ xây dựng VBQPPL. Tăng cường vai trò của cơ quan tư pháp trong công tác tham mưu thực hiện công tác xây dựng, ban hành VBQPPL.
Đặc biệt, cần tiếp tục xác định hoạt động thẩm định của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng, ban hành VBQPPL của địa phương. Với các Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, Thứ trưởng đề nghị Tỉnh đặc biệt chú trọng đến khâu lập đề nghị xây dựng nghị quyết, trong đó đặc biệt là hoạt động xây dựng chính sách và đánh giá tác động của chính sách.
Với các văn bản TP Cần Thơ đã ban hành liên quan đến theo dõi THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, Thứ trưởng đề nghị Tỉnh chỉ đạo các cơ quan (Ban Pháp chế - đối với các Nghị quyết của HĐND; Sở Tư pháp và các Sở ngành liên quan – đối với các văn bản do UBND ban hành) rà soát thường xuyên để kịp thời xử lý các văn bản của HĐND, UBND, đặc biệt lưu ý tới các văn bản mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra trong cuộc họp, là những Nghị quyết của HĐND TP mà căn cứ ban hành các NQ này đã hết hiệu lực, thời hạn thực hiện theo giai đoạn cũng đã hết....
Tăng cường vai trò đầu mối tham mưu, tổ chức thực hiện của Sở Tư pháp và sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra, rà soát văn bản QPPL; gắn kết chặt chẽ các hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản QPPL với công tác xây dựng và theo dõi thi hành pháp luật để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, tạo môi trường pháp lý phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng cũng thông tin về việc Chính phủ đang tiến hành sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP với những cách tiếp cận mới, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trong đó tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mô hình của các tổ chức pháp chế; xây dựng, xác định rõ vị trí việc làm cho cán bộ pháp chế; nghiên cứu bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cán bộ pháp chế nhằm thu hút những người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao công tác trong lĩnh vực này. Thứ trưởng đề nghị UBND TP Cần Thơ tiếp tục duy trì, tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức pháp chế.
Thứ trưởng cũng yêu cầu UBND TP tiếp tục hoàn thiện, chỉnh sửa Báo cáo, trong đó bổ sung thêm các số liệu cụ thể: (i) Thông báo kết luận kiểm tra tại các Sở (Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội); (ii) Báo cáo tổng hợp kết quả khảo sát tại Hiệp hội doanh nghiệp thành phố và 05 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố; (iii) Số liệu cụ thể về số lượng buổi tập huấn, tổng số cán bộ, công chức tham gia các buổi tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; (iv) Số lượng nguồn nhân lực pháp chế thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (số công chức chuyên trách? Số công chức kiêm nhiệm); (v) Đánh giá về số lượng công chức thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; lao động, việc làm; (vi) Đánh giá hiệu quả về công tác phối hợp giữa các sở, ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, cá nhân để thực hiện theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực về quản lý, điều hành giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu; lao động, việc làm; (vii) Kết quả phản ánh chính sách, xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành liên quan tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành ở TP.Cần Thơ sẽ có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới