Cần Thơ: Cầu Trần Bạch Đằng thay đổi thiết kế do lỗi thời?
Dự án xây dựng cầu Trần Bạch Đằng nối con đường cùng tên (quận Ninh Kiều) và khu dân cư Cửu Long (quận Bình Thủy) đã khởi công 5 năm, giờ làm lại từ đầu do thiết kế lỗi thời.
Nhà thầu thi công 5 năm, xin trả dự án
"Tôi nghe dự án xây cầu này có lâu lắm rồi, nhưng đến giờ không thấy rục rịch gì. Nói thật, dân sống trên đường Trần Bạch Đằng này ngóng cây cầu lắm.
Bởi có cầu nối các khu dân cư, lưu lượng giao thông tăng, mua bán kinh doanh tốt hơn", anh Năm Phúc, bán quán ăn trên đường Trần Bạch Đằng, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, nói vậy.
"Đúng là dự án xây cầu này có từ rất lâu. Nhưng do không có kinh phí, cầu được thiết kế dạng cầu tạm bằng sắt, chiều ngang chỉ hơn 8m", một cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư hiện nay, xác nhận.
Cầu này dự tính bắc qua rạch Bà Bộ, nối đường Trần Bạch Đằng (hiện chỉ dài khoảng một km) thuộc quận Ninh Kiều với khu dân dân cư Cửu Long phía bên kia - thuộc quận Bình Thủy.
Sau khi có dự án, đơn vị được giao làm chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 2 (TP Cần Thơ). Năm 2018, dự án được triển khai và khởi công ngay sau đó, với kinh phí khoảng 7 tỷ đồng.
Sau đó, nhà thầu đã đóng được một vài cây cọc...
Đến năm 2021, Ban quản lý dự án 2 giải thể, và dự án cầu Trần Bạch Đằng được giao lại cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ.
Và tháng 8/2023, trả lời cử tri hai quận Bình Thủy và Ninh Kiều, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố cho biết: "Nhà thầu thi công đã có văn bản xin trả dự án (chấm dứt hợp đồng) do không thể triển khai thực hiện do vướng mặt bằng và trượt giá.
Theo nội dung Công văn số 3866/UBND-XDÐT ngày 28/9/2022 của UBND thành phố, UBND thành phố có chủ trương cho phép cập nhật lại dự toán xây dựng công trình cho phần khối lượng còn lại của gói thầu sau khi nhà thầu đề xuất chấm dứt hợp đồng để tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công khác cho phần khối lượng còn lại để hoàn thành toàn bộ gói thầu theo quy định".
Sẽ thay đổi thiết kế, làm lại!
Và mới đây, sau khi xem xét lại, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ nhận thấy thiết kế của cầu Trần Bạch Đằng đã lỗi thời.
"Giữa trung tâm thành phố, ngay hai quận trung tâm Ninh Kiều và Bình Thủy không thể mọc lên chiếc cầu sắt tạm bợ được.
Mới đây, UBND thành phố đã thống nhất chủ trương. Theo đó, Ban sẽ làm tờ trình, sau đó khảo sát lại…. để tính toán chi phí, lên phương án xây cầu trong thời gian ngắn nhất", một cán bộ của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ cho biết.
Theo ông này, cầu Trần Bạch Đằng sẽ được xây kiên cố, chiều ngang tương ứng với bề ngang mặt đường Trần Bạch Đằng là khoảng 30m.
Kinh phí xây cầu chưa có con số chính xác do Ban chưa khảo sát chi tiết. Nhưng qua tính toán sơ bộ của một số cơ quan chức năng, kinh phí xây theo thiết kế mới phải trên dưới 70 tỷ đồng, do chiều ngang lớn.
Như vậy, sau hơn 5 năm, có thể nói dự án cầu Trần Bạch Đằng sẽ phải làm lại lại từ đầu.
Theo chủ đầu tư, hiện đang xúc tiến lập tờ trình UBND thành phố, sau đó xúc tiến bước khảo sát, lập bản vẽ... để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất.
Hiện tại, đường Trần Bạch Đằng là một trong hai mặt tiền của Trường đại học Y Dược Cần Thơ. Còn bên kia, khu dân cư Cửu Long sau hơn 10 năm cũng đã định hình, dân cư khá phát triển.
Do đó, có cầu Trần Bạch Đằng nối đường Trần Bạch Đằng với khu dân cư Cửu Long sẽ góp phần giải tỏa lưu lượng giao thông trên QL91B và Võ Văn Kiệt, khi đây sẽ là ba tuyến đường song song…