Cần Thơ: Đã xác định nguyên nhân chính gây ô nhiễm rạch Chôm
Hệ thống thoát nước cho tuyến QL91 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường rạch Chôm (TP. Cần Thơ).
Ngày 29/9, liên quan đến tình trạng ô nhiễm tại vị trí hệ thống cống thoát nước mặt đường rạch Chôm (QL91, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ), ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ khẳng định, hệ thống thoát nước cho tuyến QL 91 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường tại khu vực này.
Trước đó, người dân sinh sống ven rạch Chôm, thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn phản ánh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước của con rạch. Khi triều cường xuống thấp, nước từ hệ thống đường cống của QL91 chảy ra khiến cho nguồn nước bị nhiễm đen, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống người dân.
Ông Lê Tiến Dũng cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp QL91, đoạn Km 7, thuộc dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngành chức năng đã thống nhất, bàn giao hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông, vỉa hè, cây xanh trên dải phân cách bàn giao lại cho UBND quận Ô Môn quản lý, khai thác sử dụng.
Phần mặt đường và hệ thống cống thoát nước, cống kỹ thuật trên tuyến thuộc thẩm quyền quản lý Chi Cục quản lý đường bộ IV.5 (Cục Quản lý đường bộ IV).
Riêng hệ thống cống thoát nước trên tuyến QL91 là cống thoát nước mặt đường, không phải là hệ thống thoát nước thải và được phân chia thành 3 lưu vực thoát nước (đoạn tuyến từ cầu Sang Trắng 2 đến nút giao Quốc lộ 91B) gồm: Đoạn từ thuộc phạm vi đường vào cầu Sang Trắng 2 đến Km 12+180, nước thoát tại cửa xả rạch Sang Trắng; Đoạn từ Km 12+212 đến Km 12+943, nước thoát tại cửa xả Km 12+559 (rạch Xẻo Lúa, bên trái tuyến); Đoạn từ Km 13+000 đến Km 14+000 (nút giao QL91B), nước thoát tại cửa xả Km 13+400 (Rạch Chôm, bên phải tuyến).
“Các lưu vực này thoát nước riêng biệt tại các cửa xả, do đó hệ thống thoát nước trên đoạn tuyến chỉ phát huy tác dụng khi các cửa xả đảm bảo các điều kiện tiêu thoát nước tốt.
Cạnh đó, hệ thống thoát nước cho tuyến QL91 chỉ thiết kế cho thoát nước mặt đường, không thiết kế để thoát nước thải sinh hoạt và hoạt động sản xuất nên không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường trong khu vực.
Còn về nguyên nhân gây ô nhiễm rạch Chôm trong thời gian qua, Sở GTVT đã phối hợp cùng Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT), địa phương kiểm tra thực tế. Qua khảo sát hiện trạng cửa xả thoát ra rạch Chôm khả năng tiêu thoát nước kém, do đây là điểm đầu ngọn của rạch Chôm chảy ra sông Hậu, khi thủy triều lên xuống để lại cỏ, rác, không được thanh thải nạo vét thường xuyên gây bồi lắng, tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm môi trường trong khu vực.
Mặt khác, do việc một số hộ dân, cơ sở sản xuất kinh doanh trên đoạn tuyến và các hộ dân sinh sống dọc rạch Chôm không có hệ thống thoát nước thải riêng, tự ý đấu nối, đổ nước xả thải vào hệ thống cống thoát nước mặt đường và xả thải trực tiếp vào rạch Chôm. Khi thủy triều dâng lên đẩy nguồn nước ô nhiễm rạch Chôm chảy ngược vào hệ thống thoát nước mưa, ứ đọng lại lâu ngày, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu vực.
Một nguyên nhân nữa là do hệ thống thoát nước mặt đường trên đoạn tuyến chưa được cơ quan quản lý nạo vét thường xuyên, bùn, rác bị đẩy ngược lại khi thủy triều dâng lên gây nên hạn chế việc tiêu thoát nước”, ông Lê Tiến Dũng lý giải.
Nói về hướng giải quyết, người đứng đầu Sở GTVT TP. Cần Thơ cho biết, sẽ tham mưu cho UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo, giao UBND quận Ô Môn phối hợp cùng các ngành chức năng có liên quan tổ chức kiểm tra hệ thống thoát nước QL91, kiên quyết xử lý, cho tháo dỡ trường hợp các hộ dân, cơ sở kinh doanh tự ý đấu nối, xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống cống thoát nước mặt đường QL91.
Tổ chức thanh thải, nạo vét rạch Chôm (khoảng 200m) đang bị bồi lắng nhằm đảm bảo tiêu thoát nước khi thủy triều lên xuống. Về lâu dài, nghiên cứu phương án tổ chức giải tỏa, di dời các hộ dân sinh sống trên nhà sàn dọc hai bên rạch Chôm, kiên cố hóa bờ kè để đảm bảo khả năng tiêu thoát nước ra sông Hậu và bảo đảm vệ sinh môi trường cho khu vực rạch Chôm.
Sở TN&MT chủ trì phối hợp Sở Xây dựng, Ban Quản lý khu chế xuất công nghiệp TP. Cần Thơ, UBND quận nghiên cứu phương án đầu tư hệ thống thu gom nước thải khu vực nhà máy, xí nghiệp và các hộ dân đoạn từ cầu Sang Trắng 2 đến nút giao QL91B về khu xử lý nước thải tập trung Khu Công nghiệp Trà Nóc 2.