Cần Thơ đề xuất triển khai nhiều dự án giao thông lớn bắc cầu qua sông Hậu
UBND TP Cần Thơ đề xuất hai phương án hướng tuyến kết nối với hợp phần xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu.
Ngày 7/8, thông tin từ UBND TP Cần Thơ, cơ quan này vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Tháp về phương án tuyến kết nối với hợp phần xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu (thuộc dự án Phát triển TP Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu tham gia chương trình DPO, hỗ trợ ngân sách có mục tiêu) trên địa phận tỉnh Đồng Tháp.
Theo đó, UBND TP Cần Thơ đề xuất hai phương án hướng tuyến kết nối với hợp phần xây dựng cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu.
Phương án 1: Từ vị trí giao QL80 ở khu vực Đông Nam TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), tuyến đi về phía Tây giao cắt ĐT853. Sau đó, tuyến đi giữa khu vực quy hoạch 2 khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai.
Và cầu vượt sông Hậu tại vị trí phà Thới An - Phong Hòa khoảng 2,5 km về phía thượng lưu (cách cù lao Tân Lộc khoảng 4,8km thuộc phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ).
Tuyến tiếp tục đi về phía Tây, giao QL91 ở phía Bắc cầu Ô Môn hiện tại. Sau đó, đi qua khu vực Viện lúa ĐBSCL, song song và cách sông Ô Môn khoảng 2,5km và song song ĐT922E (phía Tây thị trấn Thới Lai).
Và tuyến sẽ đi về phía Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Phương án này có chiều dài toàn tuyến liên vùng khoảng 69km.
Phương án 2: từ vị trí nút giao tuyến tránh TP Sa Đéc (ĐT852B) với tuyến N1 quy hoạch (phía Đông Nam TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp), tuyến đi về phía Tây, giao cắt QL80 và ĐT852.
Sau đó, tuyến đi giữa khu vực quy hoạch 2 khu công nghiệp Vinashin và Bắc Mương Khai. Tiếp theo, hướng tuyến sẽ nhập vào hướng tuyến như phương án 1. Chiều dài toàn tuyến liên vùng của phương án 2 khoảng 70km.
Trước đó, hồi đầu tháng 7, lãnh đạo TP Cần Thơ đã có buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính. Qua đó, kiến nghị một số nội dung, trong đó, có đề xuất về dự án đầu tư tuyến đường kết nối Kiên Giang (Giồng Riềng), Cần Thơ (Ô Môn) với Đồng Tháp (Sa Đéc). Kèm theo là dự án cầu Ô Môn tham gia Chương trình thích ứng với vùng ĐBSCL (DPO) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao UBND Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp cập nhật tuyến đường này vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng thời UBND Cần Thơ phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp thống nhất cơ quan chủ quản, lập đề xuất dự án. Sau đó, gửi Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong nửa đầu tháng 8/2022.
Theo ghi nhận, hiện tuyến kết nối vào cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp chưa có.
Do đó, để đáp ứng yêu cầu đồng bộ, liên kết vùng theo quy hoạch ĐBSCL, UBND TP Cần Thơ muốn UBND tỉnh Đồng Tháp xem xét, có ý kiến về việc đầu tư tuyến kết nối vào cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu tham gia chương trình DPO.
Cũng trong cuộc họp hồi tháng 7, có đề cập đến dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Và Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT phải khẩn trương hoàn thành giai đoạn 2 dự án Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố.
Đồng thời giao Bộ này chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán có căn cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Theo đó, nghiên cứu nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.
Một dự án khác là tuyến QL91 đi qua địa phận TP Cần Thơ có chiều dài gần 51km. Đến nay, dự án nâng cấp, cải tạo QL này (đoạn từ km7 - km14 và đoạn km14 - km 50+889) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Nhưng 7km đầu tiên (đoạn km0 - km7) hơn 10 năm qua vẫn chưa thể triển khai.
Mặt đường nhỏ hẹp, trong khi lưu lượng phương tiện lớn đã thường xuyên xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Đối với nguồn vốn đầu tư dự án Nâng cấp, cải tạo QL91 (đoạn từ km0 - km7), Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan. Theo đó, xem xét kiến nghị của Cần Thơ trong quá trình điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định…