Cần Thơ ghi nhận 109 loại hình Di sản văn hóa phi vật thể
Đó là kết quả sau 10 năm thực hiện Thông tư số 02/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Trong những năm qua, Sở VHTTDL Cần Thơ đã tổ chức kiểm kê và hàng năm đều có rà soát, kiểm kê, bổ sung nhằm nhận diện, xác định giá trị, khả năng tồn tại của các di sản trong đời sống cộng đồng dân cư, các dân tộc trên địa bàn. Trên cơ sở đó xác định số lượng, phân loại để tham mưu các cấp có chính sách quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, góp phần phát triển văn hóa, du lịch và các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố.
109 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận
Báo cáo đánh giá 10 năm thực hiện Thông tư 04 cho biết, đến nay, thành phố ghi nhận 109 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 01 di sản được UNESCO vinh danh và 03 di sản được Bộ VHTTDL công nhận gồm: Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ (2013); Văn hóa chợ nổi Cái Răng (2016); Lễ hội Kỳ Yên Đình Bình Thủy (2018), Hò Cần Thơ (2019). Tư liệu các di sản này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo vệ và phát huy. Các di sản này đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng người dân địa phương, nhiều di sản đã trở thành nguồn lực tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, trở thành thương hiệu nổi tiếng của thành phố Cần Thơ.
Tích cực triển khai đề án bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể
Trên cơ sở các Đề án, Kế hoạch của UBND tỉnh, ngành VHTTDL đã xây dựng các kế hoạch nhằm triển khai thực hiện các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Cụ thể như, đối với Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ: Để bảo tồn và phát huy loại hình này, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3307/QĐ-UBND ngày 28/10/2016 về việc phê duyệt Đề án "Bảo vệ và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tại thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2016 – 2020". Nhằm đưa Đờn ca tài tử đi vào cuộc sống, Sở VHTTDL thành phố Cần Thơ đã phối hợp với Đài phát thanh – truyền hình thành phố thực hiện chuyên mục quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên sóng phát thanh truyền hình. Bên cạnh đó tổ chức truyền dạy nghệ thuật Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương Nam Bộ; Tổ chức hoạt động giới thiệu, quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử; Phát tờ rơi, tờ gấp giới thiệu về 20 bài bản Tổ của Đờn ca tài tử Nam bộ ; Trưng bày sách, tư liệu và nhạc cụ dân tộc…
Ngoài ra, Sở VHTTDL còn phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức 06 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 273 học viên là cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thể thao các cấp, nghệ nhân thực hành đờn ca tài tử và giới thiệu mô điệu đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử; Tổ chức kiểm kê, sưu tầm 151 tư liệu, hình ảnh, hiện vật có liên quan đến nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ…
Để nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, Sở VHTTDL thành phố tiếp tục phát huy loại hình nghệ thuật này với những nội dung cụ thể như: Tổ chức tọa đàm về những vấn đề cần quan tâm về Đờn ca tài tử như phong cách chơi, cấu trúc chương trình, viết lời ca, sáng tác bản đờn; Duy trì tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử cấp thành phố, cấp quận, huyện hàng năm; Duy trì các dân chơi định kỳ hiện có; Lựa chọn, thử nghiệm xây dựng mô hình mới chương trình biểu diễn Đờn ca tài tử…
Đối với các di sản Văn hóa chợ nổi Cái Răng; Lễ hội Kỳ Yên Đình Bình Thủy; Hò Cần Thơ: Hàng năm, Sở VHTTDL phối hợp địa phương tổ chức "Ngày hội du lịch Văn hóa chợ nổi Cái Răng", đây là sự kiện du lịch hưởng ứng Ngày Du lịch Việt Nam 9/7, đồng thời vinh danh và góp phần gìn giữ những nét văn hóa đặc thù miền sông nước Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức lồng ghép, giới thiệu các di sản vào chương trình "Giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường"; Tổ chức chương trình "Sắc xuân miệt vườn" dịp Tết Nguyên đán hàng năm để tuyên truyền, giới thiệu các di sản đến với công chúng…
Tăng cường công tác quản lý hoạt động của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể
Các di sản sau khi được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị di sản đối với lợi ích kinh tế du lịch của địa phương. Trong thời gian tới, Cần Thơ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Di sản văn hóa, Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL gắn với lợi ích kinh tế, văn hóa – xã hội mà di sản mang lại, để cộng đồng thực sự tham gia vào công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Đồng thời nâng cao chất lượng bồi dưỡng nghiệp vụ về kiểm kê tại cơ sở cho các phòng, trung tâm văn hóa, cán bộ văn hóa xã, phường, thị trấn, để công tác phối hợp với đơn vị tổ chức kiểm kê được thuận lợi, đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó tăng cường công tác quản lý hoạt động của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của nhóm đối tượng này, làm cơ sở để xây dựng chính sách và kinh phí hỗ trợ phù hợp; Đẩy mạnh công tác vận động xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, từng bước hình thành nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thật sự là trách nhiệm của cộng đồng, xã hội.
Ngoài ra, đánh giá thực chất loại hình di sản văn hóa phi vật thể, mức độ bảo lưu các giá trị truyền thống, cấu trúc văn hóa vật thể, phi vật thể; lập kế hoạch tổng thể (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn) để khôi phục, bảo tồn hệ thống di sản văn hóa phi vật thể tại thành phố Cần Thơ. Tiến hành điều tra, ghi chép bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại các phong tục, tập quán, lễ hội hoặc những hình thái phi vật thể có nguy cơ biến mất trong các sinh hoạt cộng đồng. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hệ thống hóa và phổ biến những thông tin về văn hóa như: CD – Room tra cứu về di sản văn hóa phục vụ du lịch ở Cần Thơ, sử dụng GIS (Geo – informations System) để tra cứu địa điểm văn hóa – du lịch trên bản đồ vệ tinh.