Cần Thơ giải bài toán thu hút nhà đầu tư chiến lược

PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, sau khi hợp nhất ba địa phương Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, thành phố Cần Thơ mới cần phải trở thành trung tâm động lực của vùng, dẫn dắt cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên các thế mạnh của từng địa phương.

Phát triển dựa trên các thế mạnh từng địa phương

Sáng 28/7, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội (Hà Nội), Thành ủy Cần Thơ phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội nghị xin ý kiến các cơ quan Trung ương góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

 Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh, Cần Thơ là một trong sáu thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước, được Bộ Chính trị xác định trong Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, giữ vai trò là đô thị hạt nhân, là trung tâm động lực, đầu mối giao thương, có vai trò quan trọng.

Để thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nêu rõ, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ xác định, từ nay đến ngày 11/8 tới đây sẽ hoàn thành việc tổ chức đại hội đảng bộ các xã, phường, đại hội đảng bộ cơ sở; đến cuối tháng 9/2025 sẽ xin kiến Bộ Chính trị triển khai Đại hội đại biểu cấp thành phố.

Góp ý tại hội nghị, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho rằng, sau khi hợp nhất ba địa phương Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, thành phố Cần Thơ mới cần phải trở thành trung tâm động lực của vùng, dẫn dắt cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa trên các thế mạnh của từng địa phương.

PGS.TS Hoàng Phúc Lâm nhìn nhận, nếu cảng Cần Thơ, cảng Trần Đề (Sóc Trăng cũ) được đầu tư nâng cấp, kết nối với các tuyến cao tốc, đường sắt tốc độ cao và hàng không, Cần Thơ sẽ trở thành đầu mối giao thông quan trọng nhất của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Lâm, thành phố cần nỗ lực để hiện thực hóa chủ trương xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ TPHCM tới Cần Thơ.

Tạo điều kiện để thu hút nhà đầu tư chiến lược

Ngoài ra, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm cũng cho rằng, thành phố Cần Thơ hiện chưa có nhà đầu tư tầm cỡ thế giới. Do đó, cần phải tạo điều kiện cơ sở hạ tầng để thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Theo ông, hiện, nhân lực của Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu tập trung về TPHCM. Nếu có nhà đầu tư chiến lược đến thì công nhân của ba tỉnh này có thể làm việc trực tiếp tại vùng, không phải đi lên TPHCM làm việc.

 PGS.TS Hoàng Phúc Lâm.

PGS.TS Hoàng Phúc Lâm.

PGS.TS Hoàng Phúc Lâm cũng cho hay, khi công tác tại Singapore, thấy họ rất quan tâm đầu tư phát triển điện gió tại Sóc Trăng. Nếu thu hút được đầu tư, không chỉ cung cấp cho vùng mà còn có thể xuất khẩu điện gió.

Về công tác phát triển nguồn nhân lực và nguồn cán bộ lãnh đạo các cấp, theo PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, ở nơi nào quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ các cấp thì cán bộ địa phương đó sẽ phát triển, đây là một trong những thành công so với nhiều địa phương khác. Đây là công việc gốc của Đảng. Về công tác này, ông đề nghị cần đặc biệt chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ cấp tỉnh, cấp xã.

Góp ý tại hội nghị, ông Trần Văn Lâm, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đề nghị, để có thể tạo đột phá cho Cần Thơ trong giai đoạn tới, cần bổ sung vào văn kiện các chính sách đặc thù để phát triển Cần Thơ.

Quốc hội đã có nghị quyết đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ, tuy nhiên, các chính sách xây dựng chưa nhiều, chưa thực sự chất lượng. Từ đó, ông Lâm cho rằng, thành phố Cần Thơ cần xác định một nghị quyết đặc thù phát triển thành phố là điểm nhấn có thể tạo đột phá cho Cần Thơ trong nhiệm kỳ tới.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/can-tho-giai-bai-toan-thu-hut-nha-dau-tu-chien-luoc-post1764243.tpo