Cần Thơ: Khẩn trương bàn giao mặt bằng cao tốc Cần Thơ – Cà Mau
Chiều 27/7, TP Cần Thơ làm việc với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông Vận tải) về công tác giải phóng mặt bằng để triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang.
Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Cà Mau thuộc dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, có tổng chiều dài 109 km. Tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe hạn chế, dự kiến khởi công năm 2022, hoàn thành năm 2025. Tuyến cao tốc này đi qua 5 địa phương là thành phố Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có tổng mức đầu tư khoảng 9.769 tỷ đồng.
Theo ông Lê Đức Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang có điểm đầu tại Km 15+350 giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu, Quốc lộ 1A, thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Điểm cuối tại Km 53+000 giao với điểm đầu dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Tổng chiều dài tuyến khoảng 37,65 km.
Đối với tuyến nối (Nam Sông Hậu – Quốc lộ 1A) có điểm đầu tại Km 0+000 giao với ngã ba đường Nam Sông Hậu - đường vào cảng Cái Cui thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng. Điểm cuối tại Km 9+600 kết nối với Quốc lộ 1A, phường Ba Láng, quận Cái Răng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 9,6 km.
Riêng đối với phạm vi dự án qua địa bàn Cần Thơ có tổng chiều dài đường cao tốc là 0,6 km tuyến chính (từ Km 15+350 - Km 15+950) và 9,6 km tuyến nối, cùng với nút giao IC2.
Đến nay, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã bàn giao cọc mốc giải phóng mặt bằng 0,6 km tuyến chính cao tốc và 9,6 km tuyến nối đạt 100% cho địa phương vào ngày 30/6 và 7/7/2022.
Qua đó, UBND quận Cái Răng đã kiểm đếm được 2,4 km/9,6 km tuyến nối. Hiện, quận đã tổ chức họp dân từ ngày 26/7 triển khai kế hoạch giải phóng mặt bằng các đoạn vừa mới bàn giao mốc (nút IC2 và đoạn nối 7 km ra Quốc lộ 1A) để có cơ sở tiến hành đo đặc, kiểm đếm hiện trạng đất theo ranh giải phóng mặt bằng đã bàn giao.
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị Cần Thơ sớm có quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án và triển khai thủ tục chỉ định thầu các gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, tái định cư (nếu có)…
Về nguồn cát phục vụ xây dựng đường cao tốc, ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ cho biết, hiện nay, tình hình thiếu cát phục vụ xây dựng trên địa bàn thành phố đang diễn ra rất nghiêm trọng.
Theo kế hoạch trung hạn 5 năm, Cần Thơ cần tới 34 triệu m3 cát phục vụ xây dựng, nhưng hiện nay nguồn cát rất khan hiếm. Trước sức ép thiếu nguồn vật liệu cát san lấp dẫn đến giá của các công trình sẽ đội lên rất cao, cả người dân cũng phải gánh chịu phần thiệt hại này.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Cần Thơ phối hợp Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã tiến hành thăm dò, lấy mẫu cát tại một số mỏ cát ở Cần Thơ để đánh giá chất lượng, phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Ông Kiên đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận sớm có ý kiến về kết quả chất lượng cát của Cần Thơ có đảm bảo cho san lấp không. Nếu không đảm bảo thì sớm phản hồi lại thành phố để Sở Tài nguyên và Môi trường có kế hoạch cấp phép khai thác để phục vụ nhu cầu xây dựng của địa phương.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè giao Sở Giao thông Vận tải và Văn phòng UBND thành phố tham mưu cho UBND thành phố ban hành quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn thành phố Cần Thơ ngay trong ngày 28/7.
Trong đó, UBND quận Cái Răng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cùng các đơn vị liên quan lập hồ sơ, thủ tục, nhận ranh mốc giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án theo quy định. Các sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Giao thông Vận tải… hỗ trợ cho quận Cái Răng trong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án; công bố giá vật liệu xây dựng công trình đường cao tốc hàng tháng theo đúng quy định…
Ông Nguyễn Ngọc Hè cũng lưu ý, việc kê biên kiểm đếm cần phải làm tích cực chính xác, tránh xảy ra sai sót gây mất thời gian. Cần tập trung các nguồn lực làm thật tốt, điều này cũng sẽ chứng minh năng lực của thành phố, chuẩn bị cho dự án cao tốc tiếp theo là tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.
Mặt bằng giải phóng đến đâu phải quản lý tốt đến đó, tránh việc lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm… Các đơn vị có liên quan tích cực hỗ trợ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đảm bảo đến tháng 11/2022 bàn giao ít nhất 70% mặt bằng để thi công dự án.