Cần Thơ kiến nghị hỗ trợ gần 600 tỷ đồng xây dựng 4 công trình chống sạt lở
Chiều 26/8, Đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND TP.Cần Thơ về công tác phòng, chống thiên tai năm 2020.
Tại buổi làm việc, TP.Cần Thơ kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và các bộ, ngành quan tâm xem xét, bố trí vốn để thành phố thực hiện một số công trình kè chống sạt lở tại các khu vực trọng điểm, đang bị sạt lở và nguy cơ sạt lở cao để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Đó là các công trình xây dựng kè kiên cố, bê tông cốt thép tại vị trí sạt lở sông Ô Môn, kênh Giáo Dẫn (quận Ô Môn); sông Bình Thủy, sông Trà Nóc (quận Bình Thủy) với chiều dài trên 4 km, tổng kinh phí thực hiện ước tính khoảng 580 tỉ đồng.
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai Cần Thơ cho biết, trong 8 tháng năm 2020, địa bàn đã xảy ra 26 đợt lốc xoáy làm một người chết, 5 người bị thương và sập 58 căn nhà, 548 căn tốc mái xiêu vẹo; xuất hiện 30 điểm sạt lở bờ sông làm sạt hoàn toàn 11 căn nhà, 67 căn nhà bị ảnh hưởng, tổng chiều dài ảnh hưởng do sạt lở gần 1.500 m....
Thành phố đã kịp thời ứng cứu và hỗ trợ trên 2,5 tỉ đồng từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai cho người dân khắc phục hậu quả. Hiện nay, thành phố Cần Thơ còn 171 điểm có nguy cơ sạt lở cao, với chiều dài hơn 179 km và gần 3.200 căn nhà cần phải di dời. Tình trạng mưa dông, triều cường tiếp tục xảy ra trong những tháng sắp tới, đe dọa sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đề nghị, thời gian tới, Cần Thơ tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai, tránh chủ quan, lơ là trong mùa mưa bão; kiện toàn, củng cố Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp, tổ chức túc trực thường xuyên khi thiên tai, mưa bão xuất hiện.
Cùng với đó, địa phương cần củng cố lực lượng xung kích, ứng phó thiên tai kịp thời, khẩn trương khi có sự cố xấu xảy ra; tập trung cảnh báo, khuyến cáo trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân nắm bắt, phòng tránh; xác định các loại thiên tai thường xuyên xảy ra để tập trung giải pháp ứng phó; kịp thời báo cáo sự vụ và mức độ thiệt hại do thiên tai đến Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai nhằm kịp thời hỗ trợ khắc phục nhanh sự cố…
Đặc biệt, Cần Thơ cần quan tâm xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai lồng ghép với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025...