Cần Thơ: Linh hoạt tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc đặc trị, vật tư bị y tế
Một số bệnh viện trọng điểm tại Cần Thơ đang đứng trước tình trạng hết thuốc đặc trị, vật tư y tế. Điều này được cho là do khó khăn từ nguồn cung nước ngoài và công tác đấu thầu. Trước thực trạng đó, ngành Y tế Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp tình thế, nhằm tháo gỡ những nút thắt.
Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố Cần Thơ, bác sĩ chuyên khoa II Ông Huy Thanh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh nhân mắc tay chân miệng nhập viện tại bệnh viện tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2022, tăng gấp 10 lần so với tháng 5 vừa qua. Hiện bệnh viện đang điều trị 12 ca bệnh nặng tay chân miệng.
Bác sĩ Ông Huy Thanh nhận định, nếu trong 1 - 2 tuần nữa, lượng bệnh nhân tiếp tục gia tăng mà không có nguồn thuốc mới bổ sung sẽ rất khó khăn cho công tác điều trị. Đặc biệt, tình trạng xuất hiện nhiều ca nặng với xét nghiệm EV71 dương tính - type virus gây ra các trường hợp nặng và các biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm phổi cấp tính, viêm cơ tim, thì thuốc điều trị đặc hiệu cần sử dụng là IVIG (Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch) sẽ tăng so với cùng kỳ năm 2022. Song lượng thuốc IVIG dự trữ tại bệnh viện còn rất ít, dẫn đến việc không đáp ứng được nhu cầu điều trị tại bệnh viện trong giai đoạn hiện nay.
Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết, tình hình đấu thầu thuốc của Cần Thơ vẫn đáp ứng được nếu đúng theo tiến độ đấu thầu vì gói đầu thầu cũ vẫn còn. Tuy nhiên, thuốc này khan hiếm vì hiện tại các công ty không nhập vào Việt Nam được, nguồn cung khan hiếm từ nước ngoài. Vấn đề thiếu thuốc này, Sở Y tế thành phố đã có văn bản gửi Bộ Y tế.
Các mặt hàng đặc trị này hiện chỉ có châu Âu sản xuất, do đó chúng ta bị phụ thuộc vào nguồn cung. Các công ty dược ở nước ngoài cho biết họ bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, đồng thời do thời gian dịch COVID-19 kéo dài, cả thế giới gần như chỉ tiêu thụ thuốc mà hạn chế sản xuất. Vì vậy, đến thời điểm hiện nay nguồn cung thuốc đã không đáp ứng được nhu cầu - bà Nguyễn Ngọc Việt Nga thông tin.
Tháo gỡ bước đầu tình trạng thiếu thuốc điều trị tay chân miệng, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã chỉ đạo không chỉ Bệnh viện Nhi đồng mà các đơn vị khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập, sẵn sàng hỗ trợ tư vấn, hội chẩn, thu dung, điều trị bệnh nhân tay chân miệng từ tuyến dưới chuyển lên theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, cần tuyên truyền cho người dân tình trạng thiếu thuốc tạm thời không phải do công tác đấu thầu khó khăn.
Tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến khó lường, trong khi chờ sự chỉ đạo từ Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã đề nghị đơn vị trúng thầu (Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2) cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng thuốc đã trúng thầu tại đơn vị; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ kết quả thầu thuốc tập trung tại địa phương (dự kiến có kết quả trong tháng 7 tới).
Tại Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc bệnh viện cho biết, từ đầu tháng 6, tiểu cầu và nhóm máu hiếm dự trữ tại bệnh viện cạn kiệt do hết vật tư y tế, trang thiết bị để sàng lọc, điều chế. Nguồn máu do người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long hiến rất dồi dào, tuy nhiên bệnh viện thiếu túi lấy máu và các hóa chất sàng lọc (xét nghiệm HIV, viêm gan C, giang mai…).
Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Việt, nguyên nhân của tình trạng trên do khó khăn trong đấu thầu, mua sắm vật tư, sinh phẩm sàng lọc, xét nghiệm máu. Ngay khi nhận được chỉ đạo đấu thầu của Sở Y tế Cần Thơ vào cuối năm 2022, bệnh viện đã trình phê duyệt danh mục vật tư, hóa chất cần mua sắm, đề phòng trường hợp quá trình phê duyệt kéo dài. Điểm nghẽn nằm ở khâu duyệt dự toán; được duyệt, bệnh viện mới có thể tiến hành làm kế hoạch lựa chọn nhà thầu và mua sắm vật tư.
Giải đáp tình trạng trên, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga thông tin: Đây là năm đầu tiên cả nước thực hiện đấu thầu trực tuyến theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Để đấu thầu mặt hàng nào, các đơn vị phải tra danh mục hàng, giá hàng, mã số...trên cổng Bộ Y tế, sau đó nhập thông tin lên cổng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đấu thầu năm nay ỳ trệ lý do lớn từ hạ tầng mạng cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như Bộ Y tế rất chậm.
Theo bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, tại Cần Thơ, đấu thầu thuốc tổ chức đấu thầu tập trung tại Bệnh viện Phụ sản thành phố, còn phần trang thiết bị y tế thì mỗi bệnh viện tự tổ chức đấu thầu do quy định về trang thiết bị khó không thể đấu thầu tập trung được. Hiện nay, công tác đấu thầu rộng rãi của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ đã đi được 2/3 đoạn đường, đang chờ kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Quy trình đấu thầu rộng rãi của các bệnh viện phải trải qua 3 vòng: trình để UBND thành phố ban hành các quyết định mua sắm, quyết định phê duyệt dự toán, quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Trong lúc chờ đợi, Sở Y tế Cần Thơ đã có giải pháp trước mắt là liên hệ và làm việc bằng văn bản với tất cả các trung tâm truyền máu trên toàn quốc. Các đơn vị này đều đồng ý hỗ trợ cho Cần Thơ cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Trung tâm truyền máu của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Hồ Chí Minh đang cung cấp và cam kết đảm bảo nguồn máu cho Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ trong ba tháng kể từ tháng 6/2023.
Ngoài ra, trong khi chờ chọn nhà thầu, UBND thành phố Cần Thơ đã phê duyệt dự toán mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023-2024 đối với Bệnh viện Huyết học - Truyền máu thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ. Theo đó, UBND thành phố cho phép các bệnh viện chủ động mua vật tư, trang thiết bị y tế với các gói dưới 500 triệu đồng để đảm bảo các điều kiện phục vụ điều trị cho người bệnh.