Cần Thơ: Nhanh chóng khắc phục những điểm sạt lở làm mất đường giao thông
Đó là ý kiến của Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu sau khi khảo sát nhiều điểm sạt lở bờ sông trên địa bàn thành phố.
35 vụ sạt lở trong ba tháng
Bí thư Thành ủy Cần Thơ - Nguyễn Văn Hiếu cùng lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ngành vừa có chuyến khảo sát các điểm sạt lở bờ sông trên địa bàn thành phố vào chiều qua (9/11).
Các điểm sạt lở được khảo sát gồm ở sông Trà Nóc (quận Bình Thủy), sông Ô Môn qua địa bàn quận Ô Môn và huyện Thới Lai.
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, 10 tháng năm 2023, Cần Thơ xảy ra 39 vụ sạt lở ở 7 quận, huyện gồm: Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Vĩnh Thạnh.
Các vụ sạt lở đã làm bị thương hai người, sạt hoàn toàn 8 căn nhà, sạt một phần 21 căn. Tổng chiều dài các điểm sạt lở gần 2.100m, thiệt hại tài sản ước tính hơn 30 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2022, số vụ sạt lở trên các tuyến sông ở Cần Thơ tăng 30 vụ. Đặc biệt, 35 vụ sạt lở xảy ra từ tháng 5 đến tháng 7/2023 (chiếm gần 90% số đợt sạt lở từ đầu năm 2023)...
Sau buổi khảo sát, ông Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, nếu xây kè hết các điểm sạt lở thì kinh phí không thể kham nổi mà chỉ có thể làm ở những vị trí khẩn cấp.
Đối với những điểm sạt lở gây mất đường giao thông ông Hiếu yêu cầu cần nhanh chóng khắc phục để đảm bảo việc đi lại của người dân.
Đáng chú ý, ông Hiếu cho rằng khi làm đường cần kết hợp mở rộng mặt đường so với trước đó, vừa khắc phục sạt lở, vừa kết hợp chỉnh trang đô thị để người dân có thể kinh doanh, buôn bán, phát triển kinh tế của địa phương.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để giải ngân nguồn vốn Trung ương vừa bổ sung cho các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long phòng, chống sạt lở; Hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giao kế hoạch vốn theo quy định.
Đã đầu tư 848 tỷ đồng xây kè chống sạt lở
Theo ông Ninh, nguyên nhân số vụ sạt lở tăng là vào mùa khô năm nay, nắng nóng xảy ra sớm, kéo dài liên tục nhiều ngày trong khi vào mùa nước kém, mực nước trên các sông rạch xuống nhanh ở mức thấp.
Bên cạnh đó, vào cuối tháng 5, trên địa bàn Cần Thơ xuất hiện mưa nhiều trên diện rộng. Ông Ninh cho rằng đây là các yếu tố bất lợi, dễ xảy ra sạt lở.
Ngoài ra, các hoạt động của người dân làm gia tăng tải trọng lên mép bờ sông như xây nhà ở, lấp đất lấn chiếm lòng sông cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.
Những nhà ở tạm này chỉ có tính ổn định tạm thời trong một thời gian đầu, nhưng sau đó theo thời gian nhà bị lún dần, trọng tâm nhà bị lệch, khe nứt tại vị trí tiếp giáp giữa nhà và đất mép bờ sông xuất hiện và lớn dần.
Ngoài ra, sóng do tàu thuyền gây ra, việc khai thác cát sỏi trái phép, không theo quy hoạch, địa chất yếu… cũng là các nguyên nhân làm sạt lở ngày càng phức tạp.
Những năm qua, thành phố đã triển khai xây dựng kè chống sạt lở kiên cố và bán kiên cố cũng như tổ chức gia cố các điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 12.500m. Trong đó, các tuyến kè kiên cố bằng bê tông cốt thép có chiều dài hơn 8.500m, tổng vốn đầu tư hơn 848 tỷ đồng.
Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ kiến nghị, đối với các điểm sạt lở cặp theo các con sông lớn, có địa hình phức tạp, diễn biến sạt lở nhanh như sông Cần Thơ, sông Trà Nóc, sông Bình Thủy, sông Ô Môn… và các cồn, cù lao trên sông Hậu là những điểm có nguy cơ sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần được ưu tiên đầu tư kè chống sạt lở.
Đối với các điểm sạt lở bình thường trên các tuyến kênh, rạch nhỏ có thể xử lý sạt lở bằng các giải pháp xây bán kiên cố, kè bảo vệ bờ bằng vật liệu thô sơ tại địa phương, kết cấu đơn giản (cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá và vải địa kỹ thuật...) kết hợp cắm biển cảnh báo sạt lở và di dời người dân…