Cần Thơ: Nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu dị trong nội ô thành phố

Cùng với sự phát triển của TP.Cần Thơ, nhiều dự án khu dân cư được triển khai. Nhưng việc cải tạo, mở rộng những tuyến đường ở quận trung tâm Ninh Kiều đã phát sinh hệ lụy là mọc lên hơn 150 căn nhà, siêu mỏng, siêu dị.

Căn nhà hình tam giác có diện tích vài mét vuông ở khu nhà ở cán bộ đại học Cần Thơ- Ảnh: Thanh Nguyên

Căn nhà hình tam giác có diện tích vài mét vuông ở khu nhà ở cán bộ đại học Cần Thơ- Ảnh: Thanh Nguyên

Những căn nhà này tập trung trên những tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Linh, Ba Tháng Hai… ở các P.Thới Bình, Cái Khế, An Phú, Xuân Khánh và khu nhà ở cán bộ đại học Cần Thơ ở P.An Khánh. Nguyên nhân để hàng trăm căn nhà siêu mỏng, siêu dị này mọc lên là từ những diện tích đất của người dân bị thu hồi để thực hiện những dự án mở rộng, cải tạo đường. Trong khi phần lớn diện tích đất bị thu hồi thì một phần diện tích nhỏ chỉ còn lại dưới 10 mét vuông hay thậm chí vài mét vuông vẫn thuộc quyền sở hữu của người dân. Không được cấp nơi tái định cư mới, người dân buộc phải xây nhà ở trên những mảnh đất “con con” này.

Quyết định 19/2014/QĐ-UBND ngày 24.11.2014 của UBND TP.Cần Thơ quy định diện tích tối thiểu được tách thửa với đất ở trên địa bàn thành phố; đất ở tại các phường, thị trấn: “Diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 40 mét vuông. Đất ở tại xã: Diện tích tối thiểu được phép tách thửa bằng hoặc lớn hơn 60 mét vuông. Ngoài ra, các thửa đất được phép tách thửa phải có bề rộng và chiều sâu của thửa đất bằng hoặc lớn hơn 4 mét”.

Hai căn nhà “lép kẹp” khác ở đường Ba Tháng Hai- Ảnh: Thanh Nguyên

Như vậy, những căn nhà siêu mỏng, siêu dị này hầu hết được xây dựng không phép, nhưng người dân không còn cách nào khác nếu không muốn thuê nhà trọ để ở. Cũng có trường hợp người dân bất chấp xây nhà để cho thuê làm chỗ buôn bán vì vị trí đất của họ là đắc địa, có đông người qua lại. Trên đường Nguyễn Văn Linh, rẽ vào khu nhà ở cán bộ đại học Cần Thơ, không khó để bắt gặp những căn nhà đang xây dựng dở dang có hình thù “quái gở”. Đó là những căn nhà hình tam giác, nằm ngay mặt tiền đường lớn có diện tích vỏn vẹn vài mét vuông. Chủ nhân của những căn nhà này cũng cố gắng sắp xếp được 1 phòng vệ sinh “bé tí ti”, phần còn lại chỉ đủ dựng 2 chiếc xe máy.

Những căn nhà xây dựng không phép này khi đang thi công dở dang thì được địa phương, phát hiện ngăn lại kịp thời, nhưng vẫn để lại một cảnh nhếch nhác, khó coi trong khu dân cư dành cho cán bộ. Điều đáng nói, tình trạng nhà siêu mỏng ở Cần Thơ đã tồn tại khoảng 15 năm qua, nhưng chính quyền và các sở ngành địa phương nơi đây vẫn loay hoay tìm cách giải quyết. Một số trường hợp người dân chấp nhận cho nhà nước thu hồi, nhưng chính quyền vẫn chưa tìm được giải pháp bồi hoàn hay cấp tái định cư cho người dân. Tình trạng này kéo dài từ năm này qua năm khác. Khi những căn nhà siêu mỏng cũ chưa được xử lý, thì ở những dự án khác được triển khai, lại tiếp tục mọc lên những căn nhà “tí hon” khác.

Căn nhà siêu nhỏ- Ảnh: Nguyễn Hồ

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ cho biết thực tế tồn tại rất nhiều khó khăn về vốn. “Vấn đề này phải giao cho Q.Ninh Kiều, hoặc các quận có nhưng căn nhà như thế này tồn tại lập kế hoạch để xử lý vì đây là thẩm quyền của địa phương. Giải quyết vấn đề này phải bố trí vốn ngân sách để thực hiện, nhưng hiện nay vốn ngân sách rất hạn chế. Tôi cũng đã có báo cáo về vấn đề này, quan điểm của thành phố ngoài là những căn nhà đã hiện hữu, thì những căn nhà mới phát hiện phải xử lý triệt để. Còn những ngôi nhà cũ thì phải có kế hoạch tuần tự, dài hơi hơn”.

Ông Toàn cho biết, thành phố còn rất nhiều chính sách an sinh cần phải giải quyết cho nên việc điều phối ngân sách để giải quyết, xử lý những căn nhà siêu mỏng này thực sự gặp nhiều khó khăn. Ông Toàn cũng đề nghị chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn những căn nhà siêu mỏng, siêu dị không có cơ hội mọc lên. Giám đốc Sở Xây dựng Cần Thơ cũng đưa ra những phương án có thể thực hiện được như các chủ đất, chủ nhà có thể hợp khối với nhau để trở thành nhà có diện tích lớn hơn, tránh đi nhà siêu mỏng, siêu nhỏ. Nhưng phương án này cũng không dễ thực hiện vì các chủ đất, chủ nhà khó mà thống nhất với nhau.

Đối với các dự án thực hiện các tuyến đường mới, ông Toàn cho biết chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Ban giải phóng mặt bằng của các địa phương phải có trách nhiệm thống kê, khi thực hiện tuyến đường đó có phát sinh những diện tích đất nhỏ, không đủ chuẩn xây dựng hay không. Từ đó, có phương án thu hồi luôn diện tích này, đưa vào dự án triển khai. Sau đó, lại có phương án điều tiết diện tích đất giao thông công cộng này sao cho hợp lý. “Phải xử lý ngay từ ban đầu chứ để khi đã có hình hài nhà thì rất khó”, ông Toàn nói.

Thanh Nguyên

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-dau-tu-du-an-c-181/ha-tang-va-bat-dong-san-c-198/can-tho-nhieu-can-nha-sieu-mong-sieu-di-trong-noi-o-thanh-pho-140018.html