Cần Thơ: Nhiều hiệu quả từ tuyến phố không dùng tiền mặt

Không chỉ là tuyến phố ẩm thực nhộn nhịp mà đường Đề Thám (quận Ninh Kiều) còn là nơi đầu tiên được thí điểm việc thanh toán không dùng tiền mặt của Cần Thơ.

Đây là mô hình do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TP. Cần Thơ phối hợp thực hiện, đã tạo thuận lợi cho việc buôn bán của các tiểu thương trên tuyến đường.

Chuyên bán trái cây trên đường Đề Thám (quận Ninh Kiều), tiểu thương Nguyễn Thị Bảy phấn khởi cho biết, việc thanh toán không dùng tiền mặt rất tiện dụng, người mua không cần mang tiền, chỉ quét mã QR là thanh toán xong. Theo đó, bà cũng không phải loay hoay với việc tìm tiền dư để trả lại cho khách hàng, mua bao nhiêu thì chuyển bấy nhiêu.

Đường Đề Thám (quận Ninh Kiều) là nơi đầu tiên được thí điểm việc thanh toán không dùng tiền mặt của Cần Thơ. Ảnh Ngân Nga

Đường Đề Thám (quận Ninh Kiều) là nơi đầu tiên được thí điểm việc thanh toán không dùng tiền mặt của Cần Thơ. Ảnh Ngân Nga

“Khách hàng quét mã QR, chuyển xong, điện thoại thông báo là tôi biết tiền đã nhận được, vậy là xong, rất tiện lợi”, bà Bảy nói.

Cách đó không xa, xe bánh mì của tiểu thương Đặng Kim Phương cũng có mã QR để khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo tiểu thương này, xã hội ngày càng hiện đại, khách hàng, nhất là giới trẻ thường chuộng xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt nên bản thân cũng phải cập nhật theo.

Chị Lê Thị Nga, kinh doanh mặt hàng trà sữa cho biết, mỗi tiểu thương được hướng dẫn tạo một mã QR. Người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán thay cho phương thức sử dụng tiền mặt như trước đây.

“Việc mua, bán theo hình thức không dùng tiền mặt rất thuận lợi. Việc quét mã QR để thanh toán giúp tôi tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách. Từ khi triển khai chợ 4.0 đến nay, 100% lượng khách hàng của tôi đã sử dụng hình thức này để thanh toán”, chị Lê Thị Nga cho hay.

Ngoài tuyến phố không dùng tiền mặt đang triển khai tại đường Đề Thám, một trong những mô hình thanh toán không dùng tiền mặt điển hình tại TP. Cần Thơ là mô hình chợ 4.0. Theo đó, đến tháng 6/2024, thành phố đã thực hiện thí điểm mô hình chợ 4.0 tại trên địa bàn tất cả 9/9 quận, huyện. Song song đó, hiện có 3 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tham gia với tổng số lượng chợ trên địa bàn thành phố đã công bố chợ 4.0 là 20/78 chợ có phân hạng.

Đường Đề Thám được biết đến là tuyến phố ẩm thực nhộn nhịp của TP. Cần Thơ. Ảnh Ngân Nga

Đường Đề Thám được biết đến là tuyến phố ẩm thực nhộn nhịp của TP. Cần Thơ. Ảnh Ngân Nga

Số lượng tiểu thương tại các chợ 4.0 tham gia hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt 10 - 50% theo vị trí từng chợ (chợ trung tâm hay chợ ở ngoại ô, nông thôn). Đồng thời, trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đến 13 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và 169 cửa hàng tiện lợi kinh doanh theo chuỗi.

Đếm nay, 100% các đơn vị này đều đã triển khai áp dụng chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện tại, số người thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm ở các trung tâm thương mại được nâng lên 70 - 80%, ở các siêu thị và các chợ trong nội ô thành phố từ 50 - 60%, các chợ vùng nông thôn khoảng 20 - 30%…

Ngoài ra, thành phố còn đang đẩy mạnh triển khai dịch vụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt đối với một số dịch vụ như: thanh toán tiền điện, tiền nước, thanh toán học phí, viện phí, các dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, du lịch cũng từng bước phát triển, cụ thể:

Đối với lĩnh vực y tế, TP. Cần Thơ đang triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn thành phố tại 106 cơ sở y tế. Kết quả đến hết quý III/2024, có hơn 100 cơ sở đã liên thông được dữ liệu khám chữa bệnh vào phần mềm hồ sơ sức khỏe với tổng số nhân khẩu được tạo lập hồ sơ sức khỏe đạt 99%. Hiện tại, có 20/20 cơ sở khám chữa bệnh do Sở Y tế quản lý đã triển khai dịch vụ đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt để người dân có thể lựa chọn hình thức đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán chi phí khi khám, chữa bệnh.

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ đang triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản lý, điều ngành trong ngành giáo dục và đào tạo. Đến nay, có 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ - thông tin về thanh toán không tiền mặt tại buổi họp báo. Ảnh Ngân Nga

Ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ - thông tin về thanh toán không tiền mặt tại buổi họp báo. Ảnh Ngân Nga

Ngày 15/10, tại buổi họp báo của UBND TP. Cần Thơ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý III/2024, ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công thương TP. Cần Thơ - cho biết, hiện thành phố có 5 trung tâm thương mại, 13 siêu thị, nhiều cửa hàng tiện ích và nhiều chợ truyền thống. Hiện tại, số người thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm ở các trung tâm thương mại được nâng lên 70 - 80%, ở các siêu thị và các chợ trong nội ô thành phố từ 50- 60%, các chợ vùng nông thôn khoảng 20 - 30%… Đây là kết quả sau hơn 2 năm tuyên truyền thanh toán không dùng tiền mặt.

“Việc thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của thời đại 4.0, mang lại nhiều tiện ích cho người dùng. Sắp tới, Sở Công Thương TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng cũng như Ban quản lý các chợ trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là các chợ nông thôn; phối hợp với các nhà mạng đầu tư, đồng bộ hạ tầng, đường truyền đảm bảo kỹ thuật, bảo mật cũng như các điều kiện cần thiết để việc thanh toán thuận lợi, không ảnh hưởng đến khách hàng, tiểu thương khi sử dụng dịch vụ”, ông Sơn thông tin.

Trước đó, UBND TP. Cần Thơ đã có đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đến cuối năm 2025, phấn đấu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; có 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm; tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…

Ngân Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-tho-nhieu-hieu-qua-tu-tuyen-pho-khong-dung-tien-mat-354124.html