Cần Thơ: Nhiều sai phạm quản lý đất ở Vĩnh Thạnh

Thanh tra xác định UBND xã Vĩnh Trinh, các phòng, ban chuyên môn và UBND huyện Vĩnh Thạnh có nhiều sai phạm dẫn tới nhiều trường hợp nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích đất sai quy định.

Thanh tra TP Cần Thơ vừa có kết luận thanh tra việc chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất và việc xây dựng tại hành lang lộ giới đường T3 và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, thuộc địa bàn xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh.

Căn nhà xây dựng vi phạm hành lang lộ giới, nằm giữa nút giao cầu vượt T3, thuộc dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Căn nhà xây dựng vi phạm hành lang lộ giới, nằm giữa nút giao cầu vượt T3, thuộc dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Cho phép nhận chuyển nhượng đất lúa không đúng đối tượng

Kết quả thanh tra cho thấy tại đây còn xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm, vi phạm các quy định về sử dụng đất, về quản lý đất đai, về quản lý xây dựng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành khác.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện, năm 2017-2019 có tổng cộng 56 trường hợp chuyển nhượng, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa tại tuyến đường T3 và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, địa bàn xã Vĩnh Trinh, trong đó có 52 trường hợp thuộc hành lang lộ giới.

Căn cứ hồ sơ do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện Vĩnh Thạnh cung cấp và kiểm tra thêm, đoàn thanh tra xác định có 78 trường hợp nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất. Trong đó, 72 trường hợp thuộc hành lang lộ giới đường T3 và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (gồm 63 trường hợp đất trồng lúa và 9 trường hợp đất ở, đất cây lâu năm).

Thanh tra kiểm tra hồ sơ nhận chuyển nhượng đất trồng lúa tại hành lang lộ giới đường T3 và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cho thấy có nhiều sai sót. Nhiều trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại xã Vĩnh Trinh nhận chuyển nhượng nhưng UBND xã không kiểm tra, xác minh về điều kiện nhận chuyển nhượng. Xã chỉ căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng và hiện trạng thửa đất nhận chuyển nhượng để xác nhận cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ nông nghiệp tại địa phương

Cụ thể, trường hợp bà Nguyễn Thị Duyên (hộ khẩu xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) nhận chuyển nhượng hơn 2.500 m2 đất trồng lúa tại khu vực nút giao cầu vượt T3 từ hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Chẩn.

Qua làm việc cho thấy bà Duyên là viên chức, đang công tác tại Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Hậu Giang. Trước khi nhận chuyển, bà Duyên không đứng tên trên phần đất nông nghiệp nào tại xã Vĩnh Trinh, không có đất ở nơi thường trú và nơi khác. Tuy nhiên, UBND xã Vĩnh Trinh vẫn ký xác nhận cho bà Duyên hiện đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp.

Đáng chú ý là trường hợp ông Huỳnh Văn Nhu (ngụ phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt) đã nhận chuyển nhượng đất trồng lúa 26 thửa với tổng diện tích là 62.200 m2.

Qua làm việc đã xác định ông Nhu kinh doanh gỗ tại địa phương, không có đất nông nghiệp và không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp tại phường Thốt Nốt. Tuy nhiên, UBND phường Thốt Nốt và xã Vĩnh Trinh lại xác nhận để ông Nhu có đủ điều kiện nhận chuyển nhượng đất trồng lúa là không có cơ sở. Còn Chi nhánh VPĐKĐĐ không liên hệ địa phương xác minh lại điều kiện của ông Nhu mà vẫn thẩm định, ký hồ sơ để cho ông Nhu được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.

Xây dựng nhà để nhận tiền đền bù

Về tình hình chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất ở nông thôn, qua kiểm tra cho thấy 6/7 trường hợp không đảm bảo theo quy định Luật Đất đai năm 2013.

Cụ thể, có hơn 1.000 m2 tại thời điểm chuyển mục đích các vị trí này không được khoanh đất để chuyển mục đích trong kế hoạch sử dụng đất của huyện. Có 890 m2 chuyển mục đích sai quy hoạch, vì theo quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của huyện là đất giao thông và đất phát triển hạ tầng.

Riêng trường hợp xin chuyển mục đích sử dụng đất 150 m2 của bà Duyên tại vị trí xây dựng cầu vượt T3, thời điểm cho phép chuyển mục đích đã có chủ trương xây dựng cầu vượt đường T3. Việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở tại khu vực nút giao cầu vượt T3 thuộc tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cho bà Duyên cũng chưa phù hợp.

Căn nhà bà Duyên xây dựng được nhận tiền đền bù, giải tỏa khi xây dựng cầu vượt T3. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Căn nhà bà Duyên xây dựng được nhận tiền đền bù, giải tỏa khi xây dựng cầu vượt T3. Ảnh: HẢI DƯƠNG

Qua làm việc, bà Duyên cho biết do có nhu cầu nên xây nhà để ở, tuy nhiên khi xây dựng lại không theo giấy phép. Bà Duyên xác nhận việc xin cấp giấy phép xây dựng, mục đích là làm hồ sơ vay ngân hàng; việc xây dựng là để nuôi lươn, nuôi yến, không có ý định để ở và sinh sống.

Điều đáng nói, qua giải trình của bà Duyên, kết hợp kiểm tra, khảo sát thực tế căn nhà, đoàn thanh tra nhận thấy công trình xây dựng để được nhận tiền đền bù, giải tỏa khi xây dựng cầu vượt T3 (tồn tại 1 căn nhà, xây dựng chủ yếu là phần khung, tường bao quanh, chưa hoàn thiện, bên trong không có cầu thang lên các tầng trên).

Địa phương buông lỏng quản lý

Thanh tra nhận định nguyên nhân chính dẫn đến các sai phạm là do UBND xã Vĩnh Trinh, các phòng, ban chuyên môn và UBND huyện Vĩnh Thạnh không tuân thủ nghiêm các quy định của Nhà nước; thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến các sai phạm nêu trên. Ngoài ra cũng có phần trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt.

Trước những sai phạm này, thanh tra kiến nghị chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt tổ chức thực hiện nghiêm các kiến nghị qua kết quả thanh tra; chỉ đạo chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức kiểm điểm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể và cá nhân có liên quan đến các sai phạm thuộc thẩm quyền quản lý.

Đồng thời, thanh tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo thẩm quyền trách nhiệm của nguyên phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (người trực tiếp ký các văn bản) có liên quan đến các thiếu sót, sai phạm xảy ra trên địa bàn xã Vĩnh Trinh qua kết quả thanh tra.

HẢI DƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/can-tho-nhieu-sai-pham-quan-ly-dat-o-vinh-thanh-910882.html