Cần Thơ quyết tâm cải thiện chỉ số PCI
Theo Kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI, năm 2022 PCI của TP. Cần Thơ đạt 66,94 điểm, xếp hạng thứ 19/30 tỉnh, thành phố; nằm trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2022.
Kết quả chưa như kỳ vọng
Theo lãnh đạo TP. Cần Thơ, kết quả trên chưa đạt mục tiêu đề ra. Do vậy, trong năm 2023, Cần Thơ quyết tâm cải thiện chỉ số PCI theo hướng toàn hệ thống chính trị nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ; tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn thành phố.
So với năm 2021, PCI của Cần Thơ giảm 1,12 điểm và kết quả xếp hạng tụt 7 bậc; xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Hải Phòng, Ðà Nẵng) và ở vị trí 5/13 địa phương vùng ÐBSCL. Trong số 10 chỉ số thành phần được công bố, Cần Thơ có 4 chỉ số thành phần tăng điểm: đào tạo lao động, gia nhập thị trường, chi phí thời gian và cạnh tranh bình đẳng. Ngoài ra, 6 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: thiết chế pháp lý, chính sách hỗ trợ DN, tính năng động, chi phí không chính thức, tính minh bạch, tiếp cận đất đai.
Trong 4 chỉ số tăng điểm, 3 có chỉ số tăng mạnh trên 0,5 điểm lần lượt là chi phí thời gian, đào tạo lao động và cạnh tranh bình đẳng và chi phí gia nhập thị trường tăng nhẹ 0,05 điểm. Ngược lại, 6 chỉ số giảm điểm lại giảm tương đối mạnh ở mức trên 0,2 điểm và đều là những chỉ số có trọng số cao. Trong đó, chỉ số chính sách hỗ trợ DN giảm đến 2,26 điểm và cũng là chỉ số có trọng số thuộc nhóm cao chiếm tỷ lệ 15% tổng điểm PCI.
Mặc dù xếp hạng và điểm số PCI năm 2022 của thành phố giảm nhiều so với các năm từ 2016, nhưng điểm số vẫn nằm ở mức trên trung vị cả nước. Ðiểm số ở các chỉ tiêu trong từng chỉ số thành phần cũng có sự tăng giảm nhưng so với trung vị cả nước vẫn ở mức khá tốt. Trong 5 năm gần nhất (2018-2022) điểm số tổng hợp của TP. Cần Thơ có lúc tăng có lúc giảm nhưng điểm số luôn trên 64 điểm và trên trung vị của cả nước, không có sự thay đổi đột biến tăng điểm quá cao hay giảm điểm quá sâu.
Ông Lê Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP. Cần Thơ cho biết, năm 2022, TP. Cần Thơ nằm ở vị trí 19 trong bảng xếp hạng (giảm 7 bậc so với năm 2021). Điểm tổng hợp là 66,94 điểm, giảm 1,12 điểm (năm 2021 là 68,06) nằm trong nhóm tỉnh/thành phố khá. Trong đó, 4 chỉ số thành phần tăng điểm, 6 chỉ số thành phần giảm điểm.
Trong 4 chỉ số tăng điểm, có 3 chỉ tiêu tăng mạnh trên 0,5 điểm lần lượt là chi phí thời gian, đào tạo lao động và cạnh tranh bình đẳng và chỉ số gia nhập thị trường tăng nhẹ 0,05 điểm.
Ngược lại, 6 chỉ số giảm điểm, giảm tương đối nhiều ở mức trên 0,2 điểm và đều là những chỉ số có trọng số cao trong kết quả PCI năm 2022, chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm rất nhiều đến 2,26 điểm và đây cũng là chỉ số có trọng số thuộc nhóm cao chiếm 15% tổng điểm PCI. Từ đó có thể nhận thấy, đây là nguyên nhân dẫn đến việc giảm điểm và xếp hạng của năm 2022.
Cũng theo ông Tâm, mặc dù xếp hạng PCI năm 2022 của Thành phố giảm nhiều so với các năm từ 2016 nhưng điểm số vẫn nằm ở mức trên trung vị cả nước. Điểm số ở các chỉ tiêu trong từng chỉ số thành phần cũng có sự tăng giảm nhưng so với trung vị cả nước vẫn ở mức khá tốt.
Ông Tâm cũng cho rằng, hiện tượng thay đổi điểm tăng/giảm xảy ra ở hầu như tất cả các tỉnh/thành phố, việc tăng/giảm điểm có nhiều nguyên nhân do khách quan hay chủ quan.
Về nguyên nhân chủ quan, sự thay đổi trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp của Thành phố mặc dù có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Vấn đề này cần phải có thời gian và sự đồng bộ từ nhiều cấp, nhiều ngành.
Còn nguyên nhân khách quan, trong khảo sát điều tra vẫn có xác suất sai số, sai số chọn mẫu vào những doanh nghiệp chưa tiếp cận được với sự thay đổi của thành phố.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, đánh giá: Hiện tượng thay đổi điểm tăng/giảm và xếp hạng xảy ra ở hầu như tất cả các tỉnh/thành phố, việc tăng/giảm điểm có nhiều nguyên nhân do khách quan hay chủ quan. Một trong những nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến các trung tâm kinh tế lớn, trong đó có Cần Thơ. Nhưng mặt khác cũng phản ánh TP. Cần Thơ vẫn chưa tương xứng với vị trí là địa phương trung tâm của vùng ÐBSCL về dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục… Do vậy, việc đưa ra các giải pháp khả thi, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm cải thiện điểm số PCI trong năm 2023 và các năm tiếp theo là rất cần thiết, cấp bách. Ðặc biệt trong đó chú trọng giải pháp nhằm cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần có điểm giảm như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Cấp bách tìm giải pháp nâng chỉ số PCI
Thời gian qua, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI, tuy nhiên để giữ vững điểm số và thứ hạng một cách bền vững thì cần có những giải pháp lâu dài với những nhiệm vụ, những mô hình thiết thực gắn liền với quá trình thực thi nhiệm vụ, phục vụ người dân và DN.
Tại Hội nghị bàn giải pháp nâng chỉ số PCI Cần Thơ vào giữa tháng 5/2023 vừa qua, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, nhấn mạnh: TP. Cần Thơ sẽ đề ra các giải pháp trước mắt và căn cơ để cải thiện chỉ số PCI. Trong đó, nhóm giải pháp trước mắt gồm: rà soát chỉ số thành phần giảm điểm, có thứ hạng thấp để có biện pháp cải thiện; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, nhất là cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chính trong việc thực hiện các chỉ số thành phần, thứ hạng thấp hoặc giảm điểm… Về giải pháp căn cơ, cần hoàn thiện các chính sách trên từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thành phố, nhất là lĩnh vực liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN, xúc tiến đầu tư; nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ công chức, người đứng đầu các cấp trong tham mưu, giải quyết công việc; năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò đồng hành hỗ trợ DN; xây dựng chính quyền điện tử; đổi mới chất lượng đối thoại chính quyền và DN.
Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, nhìn nhận, sự thay đổi trong công tác phục vụ DN của thành phố mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu phát sinh từ thực tiễn. Do đó, Sở Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chủ trì, phối hợp với các quan nghiên cứu, xây dựng chuyên mục Hỏi đáp trực tuyến về thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử thành phố theo hướng: xây dựng danh mục các lĩnh vực, nội dung được phép hỏi đáp; cho phép người dân, DN gửi câu hỏi theo danh mục lĩnh vực; đặt mục tiêu thời gian nhận câu hỏi và gửi câu trả lời trong 1 giờ làm việc đối với câu hỏi đơn giản, ít nội dung và 2-3 giờ làm việc đối với câu hỏi khác… Ðồng thời, giao Sở Nội vụ thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng giải pháp cải thiện việc quy trình cấp phép, thẩm định, quản lý liên quan đến các ngành nghề kinh doanh có điều kiện…
Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi các sở ngành hữu quan, quận, huyện về việc tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện các chỉ số đánh giá trong năm 2023. Trong đó, đối với chỉ số PCI, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành hữu quan xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số PCI năm 2023, phấn đấu đạt thứ hạng cao hơn năm 2022. Ðồng thời, tham mưu UBND thành phố giao các sở ngành triển khai thực hiện; theo dõi, đôn đốc, triển khai các nhiệm vụ được giao gắn với chỉ số PCI 2023; các sở ngành của thành phố chủ động xây dựng kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện nhiệm vụ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao gắn với thực hiện PCI TP. Cần Thơ năm 2023. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công trung hạn và năm 2023; tổng hợp các tồn tại, vướng mắc, tham mưu, báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết theo thẩm quyền...
UBND TP. Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của thành phố năm 2023 và những năm tiếp theo.
Theo đó, TP. Cần Thơ phấn đấu thuộc nhóm 20 tỉnh, thành dẫn đầu về chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo. UBND thành phố yêu cầu kế hoạch được triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền. Quá trình thực hiện cần kết hợp chặt chẽ việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các sở, ban, ngành thành phố với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận, huyện, xã, phường, thị trấn; xác định cải thiện và nâng cao các chỉ số trên là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên trì, liên tục của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là cấp huyện và cấp xã. Các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các cơ quan chủ trì nhiệm vụ, giải pháp, đánh giá đúng thực trạng, kết quả thực hiện các nội dung liên quan đến việc xác định các chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI. Ðồng thời, thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả kế hoạch triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2023.
Tăng cường hiệu lực Trung tâm Phục vụ hành chính công phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp
Bên cạnh nâng cao hiệu lực, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp tại Bộ phận một cửa, nơi tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính ở các Quận, huyện của thành phố, CầnThơ đang khẩn trương xúc tiến đưa vào vào vận hành Trung tâm giải quyết thủ tụch hành chính TP. Cần Thơ.
Theo đó, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1193/QĐ-UBND ngày 17/5/2023 ban hành quy chế Tổ chức và hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Cần Thơ (Trung tâm). Quy chế này quy định nguyên tắc, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác; trình tự tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; chế độ làm việc và tổ chức bộ máy của Trung tâm.
Trung tâm nằm tại số 109 đường Nguyễn Trãi, phường tân An, Quận Ninh Kiều chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố và sự quản lý, điều hành trực tiếp của Chánh Văn phòng UBND thành phố. Mối quan hệ công tác giữa Trung tâm và cơ quan chuyên môn, cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ là quan hệ phối hợp. Nhân sự tại Trung tâm gồm Giám đốc; các Phó Giám đốc và công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, Bộ phận Hành chính - Tổng hợp, Bộ phận Giám sát.
Trung tâm thực hiện tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính trên cơ sở Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Trung tâm.
Văn phòng UBND thành phố đảm bảo cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Trung tâm theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung. Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, đảm bảo các tính năng của Hệ thông thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố đáp ứng các quy định về chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-tho-quyet-tam-cai-thien-chi-so-pci-d191892.html