Cần Thơ: Tập trung hoàn thiện và phát huy hiệu quả của dữ liệu hộ tịch điện tử
Ngày 16/3, Đoàn Công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Mai Lương Khôi làm trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với Sở Tư pháp TP Cần Thơ. Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Hồ Văn Gia, Giám đốc Sở Tư pháp; các Phó Giám đốc; các Phòng, ban chuyên môn thuộc sở.
Không ngừng đổi mới, tăng cường hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Báo cáo trước đoàn công tác, bà Châu Thị Minh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Cần Thơ cho biết, ngay từ đầu năm, ngành Tư pháp TP Cần Thơ đã tổ chức triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ; bám sát ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Với chủ đề năm 2022 của thành phố là “Tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; thích ứng an toàn, linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội thành phố”, Sở đã tập trung nhập cuộc ngày từ đầu năm.
Sở đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được. Sở đã tập trung thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành. Qua đó, giúp cán bộ, công chức, viên chức chủ động tích cực với tinh thần thái độ trách nhiệm cao, tạo nên sự thay đổi vượt bậc trong hoạt động của sở. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại hiệu quả cao trong chỉ đạo điều hành.
Công tác xây dựng văn bản, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa VBQPPL đã góp phần trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách của thành phố đảm bảo hợp hiến, hợp pháp và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Công tác PBGDPL quan tâm triển khai theo hướng đổi mới nội dung, hình thức gắn với công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, ban, ngành, địa phương. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật được thực hiện có trọng tâm, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của ngành Tư pháp trong việc tham mưu giải quyết các vụ việc phức tạp.
Quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp được quan tâm sâu sát. Sở Tư pháp đã làm tốt nhiệm vụ đôn đốc, theo dõi, giám sát hoạt động công chứng, đấu giá tài sản, giám định tư pháp, góp phần hạn chế tiêu cực, bất cập, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Công tác tư pháp quận, huyện từng bước hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu kế hoạch đề ra; trình độ chuyên môn của công chức tư pháp quận, huyện được nâng cao đáng kể.
Công tác đăng ký và quản lý hộ tịch tại thành phố đã đi vào nề nếp, công tác phổ biến giáo dục pháp luật về hộ tịch ngày càng được tăng cường; đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch không ngừng được củng cố, kiện toàn.
Thực hiện Quyết định số 2173/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp và Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 31/8/2016 của UBND thành phố Cần Thơ triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”; Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP vận hành Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch ngày 01/01/2019; phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố vận hành và ban hành Quy chế phối hợp trong việc thực hiện kết nối liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh để cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Thường xuyên hướng dẫn UBND quận, huyện và UBND xã, phường, thị trấn về việc cập nhật dữ liệu hộ tịch điện tử và việc xử lý một số vướng mắc liên quan; hướng dẫn tiếp tục số hóa dữ liệu hộ tịch và đề nghị cung cấp thông tin địa danh hành chính cũ trong giai đoạn từ 02/1976 đến ngày 17/02/2004… Theo thống kê từ Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp thì tính đến ngày 15/02/2022 toàn thành phố Cần Thơ đã nhập dữ liệu hộ tịch lịch sử và đăng ký mới được 527.050 hồ sơ khai sinh; 85.450 hồ sơ khai tử, 124.288 hồ sơ kết hôn, 252 hồ sơ đăng ký giám hộ, 1.341 hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con, 75.129 hồ sơ yêu cầu cấp XNTTHN, 1.127 hồ sơ ghi chú ly hôn...
Nhìn chung, các địa phương nghiêm túc thực hiện nhập liệu trên Phần mềm, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đăng ký, quản lý hộ tịch, tạo sự hài lòng cho người dân. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp xã có thể phối hợp kiểm tra, kiểm soát dữ liệu hộ tịch kịp thời (cơ quan quản lý cấp trên có thể thống kê, theo dõi, kiểm tra trực tiếp dữ liệu của các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch cấp dưới thuộc quyền quản lý). Qua đó, đảm bảo từng bước tiến hành nhập liệu, điện tử hóa các thông tin hộ tịch tại địa phương phù hợp với lộ trình tạo lập Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử do Bộ Tư pháp (Cục Công nghệ thông tin) hướng dẫn.
Phát huy tốt nhất khả năng có thể để nâng cao hiệu quả công việc
Theo bà Minh, trong năm 2022, Sở sẽ đổi mới trong chỉ đạo điều hành về thanh, kiểm tra. Thay vì lập các đoàn chuyên ngành riêng thì năm nay Sở định hướng sẽ tham mưu UBND thành phố lập đoàn kiểm tra chung cho các lĩnh vực Sở Tư pháp quản lý. Qua đó, tạo điều kiện cho Sở và cơ quan kiểm tra tiết kiệm thời gian công sức nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả hoạt động thanh, kiểm tra. Để tăng cường hiệu quả tư pháp, hiện Sở đã trình UBND thành phố đề án khuyến khích luật sư tham gia hoạt động của thành phố. Qua đó, huy động nguồn lực luật sư để tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật, tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác đã trao đổi và giải thích, hướng dẫn nhiều vấn đề chuyên môn mà Sở Tư pháp Cần Thơ và các phòng, ban chuyên môn thắc mắc. Đồng thời, các thành viên trong đoàn công tác cũng lắng nghe ý kiến và báo cáo tình hình thực tế áp dụng các quy định, hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại địa phương. Qua đó, giúp tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc để tăng cường hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi ghi nhận và đánh giá cao đóng góp và nỗ lực của ngành Tư pháp Cần Thơ trong thời gian qua, Sở đã triển khai đầy đủ toàn diện và thích ứng tình hình thực tế để hoàn thành nhiệm vụ.
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2022, Thứ trưởng đề nghị, Sở tiếp tục phát huy vai trò của mình trong tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các vấn đề pháp lý. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp; tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sở Tư pháp và ngành Tư pháp cần nâng cao, hoàn thiện mình để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và khẳng định vai trò quan trọng của công tác tư pháp.
Thứ trưởng Mai Lương Khôi yêu cầu TP Cần Thơ cần tập trung thực hiện nhiệm vụ số hóa Sổ hộ tịch của thành phố, rà soát dữ liệu đảm bảo nhập liệu đầy đủ, chính xác. Việc số hóa phải kết nối vào kho dữ liệu chung của ngành để có thể kết nối, chia sẻ với các địa phương khác mới phát huy giá trị cao nhất. Chủ động phối hợp với Sở, ngành liên quan rà soát hạ tầng kỹ thuật, các vấn đề về an toàn, an ninh mạng, báo cáo UBND TP chỉ đạo để bảo đảm việc triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch cũng như việc kết nối, tích hợp và chia sẻ giữa Phần mềm hộ tịch với Cổng dịch vụ công của thành phố.