Cần Thơ tìm giải pháp để bảo tồn Chợ nổi Cái Răng
Chiều 15/10, UBND thành phố Cần Thơ phối hợp với Ban Chỉ đạo phát triển du lịch thành phố tổ chức hội thảo với chủ đề 'Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng'.
Hội thảo thu hút rất đông các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, thương hồ chợ nổi đã có mặt và tham gia đóng góp ý kiến.
“Văn hóa Chợ nổi Cái Răng” đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia bởi bề dày lịch sử hình thành và phát triển của chợ nổi này đã tạo nên một không gian mua bán, văn hóa ứng xử thương hồ độc đáo và đậm tính nhân văn. Thế nhưng trước những biến động về kinh tế- văn hóa- xã hội biến thiên theo qui luật vận động thì việc bảo tồn chợ nổi Cái Răng đứng trước nhiều thách thức, cần tìm ra giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL Cần Thơ cho biết, thống kê có trên 70% khách du lịch đến Cần Thơ đều tham quan chợ nổi Cái Răng. Chợ nổi Cái Răng giữ vai trò rất quan trọng là điểm phải đến đối với du khách khi chưa từng đến Cần Thơ.
Chợ nổi Cái Răng là một trong ít chợ nổi còn duy trì các hoạt động mua bán tương đối nhộn nhịp. Nơi đây không chỉ mua bán hàng hóa nông sản mà còn là sản phẩm du lịch đặc thù của Cần Thơ. Hiện nay, sản lượng hàng hóa, nông sản ở chợ nổi cái Răng hiện nay đã có dấu hiệu ổn định. Bình quân có từ 250 - 300 ghe, tàu mua bán, trao đổi hàng hóa và 08 điểm thu mua nông sản ven bờ.
Sản phẩm, dịch vụ du lịch tại khu vực chợ nổi phong phú, đa dạng tạo tiền đề cho việc số lượng khách đến nơi này tham quan, du lịch tăng từ 12- 15% mỗi năm. Hình ảnh và thương hiệu chợ nổi Cái Răng đã thật sự tạo được ấn tượng đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Cần Thơ, ngày nay hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh nên chợ nổi Cái Răng cũng như nhiều chợ nổi khác trong khu vực có nguy cơ “chìm". Do hình thành một cách ngẫu nhiên nên đặc tính của chợ nổi mang tính tự phát, thiếu qui hoạch, gây cản trở giao thông đường thủy. Thế nhưng khi được quy hoạch, di dời sang vị trí khác thì chỉ giải quyết được bài toán về giao thông nhưng lại làm giảm sút mạnh số lượng ghe, tàu của thương hồ đến giao dịch, mua bán. Điển hình như chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), chợ nổi Ngã Năm (Sóc trăng)…
Để giải “bài toán khó”, nhiều ý kiến cho rằng để bảo tồn và phát huy chợ nổi Cái Răng theo quan điểm “tôn trọng nguyên trạng”, chỉ điều chỉnh sắp xếp lại một cách có hiệu quả, hợp lý nhất. Tạo điều kiện tối đa cho thương hồ đến chợ nổi giao thương về điều kiện sinh hoạt, cơ sở hạ tầng, an ninh trật tự. Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với làng nghề địa phương, phát triển hệ thống nhà hàng nổi trên sông để phục vụ nhu cầu quảng bá nét duyên ẩm thực của Cái Răng cho du khách trong và ngoài nước.
Còn theo soạn giả Nhâm Hùng: Công trình tuyến kè sông Cần Thơ, đoạn qua khu vực chợ nổi Cái Răng phải được thiết kế đặc thù, thuận tiện cho việc giao thương, giữ bằng được không gian “trên bến dưới thuyền”. Mạnh dạn thử nghiệm mô hình du lịch đường sông Cần Thơ gắn với chợ nổi Cái Răng về đêm như một cách làm kinh tế sông nước về đêm.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã bộc lộ sự băn khoăn về dự án “kè bờ sông Cần Thơ- ứng phó biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ”. Liệu nó có làm phá vỡ không gian sinh tồn quen thuộc khiến thương hồ bỏ đi nơi khác mua bán, giao thương hay không?
Kết thúc buổi hội thảo, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ bày tỏ: Chính quyền thành phố luôn trân trọng, lắng nghe những ý kiến đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân từ đó đưa ra những quyết sách đúng để bảo tồn chợ nổi Cái Răng - một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông hy vọng rằng các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, thương hồ chợ nổi luôn đồng hành với chính quyền trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương.