Cần Thơ: Vì sao chưa thể bàn giao hồ chống ngập hơn 200 tỷ đồng?
Việc bàn giao hồ Búng Xáng giữa chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án ODA và UBND quận Ninh Kiều tiến hành hơn một năm qua nhưng chưa có kết quả.
Loay hoay công tác bàn giao
Ngày 24/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ cho biết, đơn vị đang phối hợp với UBND quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) và các Sở ngành để triển khai công tác bàn giao hồ Búng Xáng.
“Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP là bàn giao hồ Búng Xáng theo hiện trạng, nghĩa là hiện trạng sao thì bàn giao vậy. UBND quận Ninh Kiều là đơn vị nhận bàn giao đã đề nghị Ban gửi hồ sơ, thủ tục cho Sở Xây dựng kiểm tra, đủ điều kiện thì mới nghiệm thu và quận sẽ tiếp nhận.
Ban đã gửi hồ sơ một số gói thầu và Sở Xây dựng đã tiến hành đo đạc, kiểm tra. Một số hạng mục Ban đã tiến hành sửa chữa theo yêu cầu. Khi Sở Xây dựng đồng ý, công tác bàn giao theo hiện trạng sẽ thực hiện”, lãnh đạo Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết, việc bàn giao công trình hồ Búng Xáng không phải đơn giản.
“Ban ODA đã nhiều lần xin ý kiến lãnh đạo TP về việc bàn giao này nhưng công trình bàn giao thì phải được quyết toán và nghiệm thu. Thực tế, công trình này nhiều hạng mục chưa hoàn thành. Các Sở ngành chưa thể nghiệm thu, thẩm định được.
Các bên cũng đã bàn đến phương án bàn giao từng hợp phần nhưng thực tế cũng không được. Ban ODA phải làm việc với các Sở như Xây dựng, TN&MT, GTVT và được các cơ quan này thẩm định công trình hoàn thiện theo đúng quy hoạch, bản vẽ”, Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều cho biết.
Ông Ánh cũng cho biết, UBND quận Ninh Kiều cũng đang gặp khó khăn trong việc thu gom rác, vệ sinh môi trường quanh khu vực hồ Búng Xáng.
“Về mặt quản lý xã hội, quận phải đảm bảo an ninh trật tự, hạ tầng. Về phần rác trong khu vực này do chưa nằm trong danh mục quản lý của quận nên chưa thể tổ chức đấu thầu các đơn vị thu gom, quét dọn.
Chúng tôi chỉ có thể huy động từ nguồn xã hội hóa, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ để thỉnh thoảng ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường chứ không thể làm khác hơn”, ông Ánh cho biết thêm.
Theo ghi nhận của PV, do một số người dân vô ý thức, nên tình trạng xả rác bừa bãi ở khu vực bờ hồ diễn ra rất thường xuyên.
Hồ chống ngập kém hiệu quả
Công trình hồ Búng Xáng rộng 12ha, thuộc Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP Cần Thơ (Dự án 2), dùng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới.
Hồ được đầu tư kinh phí 222 tỷ đồng, kỳ vọng góp phần chống ngập khu trung tâm, chỉnh trang đô thị TP Cần Thơ. Dù vậy hiện trạng công trình này cho thấy hiệu quả thấp, cảnh quan nhếch nhác, quá trình thi công nhiều lần trễ hẹn.
Khởi công giữa năm 2016, hồ Búng Xáng thuộc địa bàn 3 phường Xuân Khánh, An Khánh, Hưng Lợi (quận Ninh Kiều). Công trình gồm các hạng mục: nạo vét 280.000m3 bùn, xây 2,8km đường giao thông quanh hồ; trên 2,5km kè bờ quanh hồ; các hệ thống cấp nước sinh hoạt, thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh và công viên...
Hiện nay, lối đi bộ dài hàng ngàn mét sau kè của hồ được xây thấp hơn mặt đường gần một mét, nhiều đoạn biến thành nơi chứa rác.
Tuyến đường quanh hồ cũng chưa hoàn chỉnh, một số đoạn trũng thấp, thường ngập khi triều cường lên. Giữa hồ phần lớn là lục bình, rác thải, nguy cơ ô nhiễm.
Cơ quan chức năng TP Cần Thơ sau khi kiểm tra đã xác định công trình chưa đạt yêu cầu đề ra, còn một số hạng mục chưa hoàn thiện như: đường, kè, cống thoát nước. Nhà thầu năng lực yếu kém, thi công chây ỳ, tự ý vi phạm hợp đồng...
Còn theo Ban ODA, một số hạng mục của dự án hồ Búng Xáng được điều chỉnh, gia hạn thời gian hoàn thành đến tháng 6/2024. Đây là các công trình mục nằm ở gói điều chỉnh Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3) tổng đầu tư khoảng 70 tỷ đồng.
>>> Clip PV Báo Giao thông ghi nhận quanh khu vực hồ Búng Xáng ngày 24/2:
“Chúng tôi đang lựa chọn nhà thầu để sắp tới khởi công các công trình còn dang dở”, một lãnh đạo Ban ODA nói với PV Báo Giao thông.
Theo chủ đầu tư, ngoài hồ Búng Xáng nằm ở trung tâm, còn các công trình của dự án này bao quanh như: kè sông Cần Thơ, kè Mương Khai, kết hợp cống âu thuyền Cái Khế, trạm bơm... Khi hoàn thành, các công trình này sẽ bao khép kín, kiểm soát được mực nước khoảng 1,4-1,5m, thấp hơn cao trình kè hồ Búng Xáng, giảm ngập cho khu vực trung tâm.