Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Nam Định, BR-VT khai mạc Đại hội Đảng bộ

Hôm nay (24/9), Đảng bộ các tỉnh, thành: Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Nam Định, Bà Rịa - Vũng Tàu đã khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dự, chỉ đạo các Đại hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Đại hội Đảng bộ TP.Cần Thơ

Sáng 24/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Cần Thơ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc phiên làm việc chính thức. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự và chỉ đạo Đại hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ TP.Cần Thơ

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ TP.Cần Thơ

Tham dự Đại hội có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương. 347 đại biểu, đại diện cho hơn 52.000 đảng viên của toàn Đảng bộ về dự Đại hội.

5 năm qua, kinh tế TP.Cần Thơ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân 7,53%/năm. Giá trị GRDP bình quân đầu người đạt 97,2 triệu đồng, tương đương 4.136 USD, tăng gấp 1,65 lần so với năm 2015. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia tại Cần Thơ đạt gần 79%...

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim nhấn mạnh, TP.Cần Thơ là một trong 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương, nằm ở trung tâm vùng đồng bằng rộng lớn nhất của nước ta. 5 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP.Cần Thơ đã đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với việc: hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/13 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XIII. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vượt chỉ tiêu Nghị quyết. Quy mô nền kinh tế đến cuối năm 2020 đã đạt 120 nghìn tỷ đồng (cao gấp 1,63 lần so với đầu nhiệm kỳ).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gợi mở, Cần Thơ cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý vùng; phát huy tiềm năng, lợi thế và tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng. Đây là một chủ trương lớn của Trung ương và trên quan điểm này, cần phải xác định rõ vai trò, vị trí của Cần Thơ trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; trách nhiệm của Cần Thơ trong thúc đẩy liên kết vùng; chủ động tổ chức liên kết với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cần Thơ đẩy mạnh phối hợp, gắn kết, nhất là trong xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đào tạo, thu hút, tạo việc làm; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng tham gia liên kết vùng để hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, Cần Thơ cần tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai và tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là một trong những vấn đề cấp bách đối với cả nước nói chung, Cần Thơ nói riêng và của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, điều đó cần được cụ thể hóa thành một nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ tới.

Cần Thơ phải là hình mẫu ở khu vực Tây Nam Bộ trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Coi biến đổi khí hậu vừa là thách thức, vừa là cơ hội để thành phố thể hiện vai trò trung tâm vùng, dẫn dắt và có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác trong vùng...

Để có cơ sở định hướng cho phát triển, theo Chủ tịch Quốc hội, Cần Thơ cần sớm hoàn thành việc xây dựng, triển khai có hiệu quả Quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch của Cần Thơ phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, lưu ý quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại; là đô thị hạt nhân của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cần Thơ cần thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới ở một số quận trong giai đoạn 2020-2025...

Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Cần Thơ lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020-2025 kéo dài đến ngày 25/9.

Khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI

Ngày 24/9, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 chính thức khai mạc với chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực đổi mới, sáng tạo, đưa tỉnh Vĩnh Long phát triển nhanh và bền vững”.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dự và chỉ đạo Đại hội.

Cùng tham dự Đại hội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long qua các thời kỳ. Trên 340 đại biểu chính thức, đại diện cho gần 42.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự Đại hội.

Theo Báo cáo chính trị tại Đại hội, nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung thực hiện đồng bộ 8 nhiệm vụ cơ bản, 3 khâu đột phá và 6 chương trình hành động, từ đó mang lại những kết quả tích cực, toàn diện và quan trọng. Kinh tế địa phương tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm ước đạt 4,9%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 ước đạt 55,5 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng.

Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Vĩnh Long huy động 3.707 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 54/87 xã đạt chuẩn và một đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu về xây dựng nông thôn mới trước 2 năm...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Văn Rón nhấn mạnh, nhiệm kỳ tới, Vĩnh Long sẽ bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thời cơ và thuận lợi. Một số công trình, dự án được Trung ương và tỉnh đầu tư sẽ hoàn thiện, phát huy hiệu quả, làm tăng khả năng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Bên cạnh đó, khó khăn và thách thức cũng không ít, nhất là với một tỉnh nông nghiệp, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao; nhiều nguồn lực chưa được khai thác, phát huy có hiệu quả; hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; cùng với đó là những diễn biến phức tạp, khó lường của thiên tai, dịch bệnh, tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn… Vì vậy, tỉnh phải tranh thủ thời cơ và thuận lợi, khắc phục khó khăn, thách thức, phấn đấu đưa Vĩnh Long trở thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững vào năm 2025.

Để đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của toàn Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, thu hút đầu tư.

Tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng lao động, thực hiện tốt các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, xã hội và các vấn đề về đời sống, thu nhập, giảm nghèo; tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử… nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển, thu hẹp khoảng cách với các tỉnh, thành trong khu vực và cả nước...

Theo chương trình, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 diễn ra đến hết ngày 26/9.

Khai mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI

Sáng 24/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 đã chính thức khai mạc. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo đại hội. Dự đại hội có 349 đại biểu, đại diện cho 64.934 đảng viên toàn Đảng bộ tham dự đại hội.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, khát vọng phát triển, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; giữ vững quốc phòng, an ninh; khai thác tốt lợi thế và tiềm năng, tạo động lực mới để đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước”.

Trình bày Báo cáo chính trị tại Đại hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, khẳng định: Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh, An Giang đã tập trung nguồn lực thực hiện đạt và vượt 8/15 chỉ tiêu Nghị quyết, 5/15 chỉ tiêu đạt trên 80%. Kinh tế tăng trưởng qua từng năm phù hợp với nguồn lực của địa phương. Tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015 - 2020 đạt 5,25%; quy mô nền kinh tế tăng khá, năm 2020 đạt 89.362 tỉ đồng; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, các chỉ số cải cách hành chính, quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đều tăng qua từng năm.

Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm 1 năm so với Nghị quyết, hiện có 61 xã và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn. Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng, tăng 16 triệu đồng so năm 2015; tỉ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm còn 1,93%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; tổ chức bộ máy được nâng chất, tinh gọn, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả....

Chỉ đạo Đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, thành tích, kết quả đã đạt được, đồng thời cho rằng: An Giang cần thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế cần tập trung khắc phục như còn 7/15 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội… chưa đạt theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ tỉnh. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, chưa rõ nét. Việc thực hiện các khâu đột phá chưa mang lại hiệu quả mong muốn...

Đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ: Nông nghiệp An Giang vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, đất đai còn manh mún, chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Công nghiệp phát triển chậm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Du lịch chưa đủ sức trở thành mũi nhọn của nền kinh tế. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, năng suất lao động thấp. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng nông thôn, vùng bị sạt lở, vùng đồng bào dân tộc, biên giới.

Đồng chí Võ Văn Thưởng đề nghị các đại biểu phát huy dân chủ, nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân tập trung thảo luận, phân tích rõ những khuyết điểm, hạn chế và nguyên nhân để xác định những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp khắc phục khả thi, phù hợp với điều kiện của tỉnh, quyết tâm đưa An Giang phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ tiếp theo.

An Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, cơ hội để phát triển; là địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, kết nối giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong và ngoài vùng. An Giang tiếp giáp với Campuchia có nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia; là cửa ngõ của trục Đông - Tây thông thương giữa Đồng bằng sông Cửu Long và các nước Đông Nam Á…

Theo chương trình, Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra đến hết ngày 25/9.

Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX

Với chủ đề “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã chính thức khai mạc sáng 24/9.

Tham dự Đại hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố. Dự Đại hội có 350 đại biểu, đại diện cho trên 10 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Trong 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định đã đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tạo tiền đề quan trọng để Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước trong tương lai.

Tuy nhiên, Nam Định vẫn còn những mặt hạn chế như: Tỉnh chưa thu hút được các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh trên thị trường. Kinh tế biển chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế; GRDP trên đầu người đứng thứ 25/63 tỉnh, thành phố, thấp hơn mức trung bình cả nước. Thu ngân sách còn thấp so với các địa phương trong vùng.

Một số dự án lớn, công trình trọng điểm chậm tiến độ, nhất là tuyến đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, Khu Công nghiệp Dệt may Rạng Đông. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên một số mặt, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu...

Đồng chí Trương Hòa Bình lưu ý, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm kỳ qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Nam Định chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác tốt lợi thế, vượt qua khó khăn, thách thức để đưa Nam Định phát triển nhanh, bền vững; xây dựng quy hoạch không gian phát triển với tầm nhìn mở, liên kết chặt chẽ với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng...

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nam Định đặt mục tiêu huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Tổng sản phẩm GRDP tăng bình quân 8,5 - 9,5%/năm. Đến năm 2025, thu nhập thực tế bình quân đầu người trên 100 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội giảm xuống dưới 0,15%; có 50% số huyện (5 huyện) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Hải Hậu được công nhận huyện nông thôn mới kiểu mẫu...

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX làm việc đến chiều 25/9.

Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII

Sáng 24/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm hội nghị tỉnh. Đại hội có chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân; tiếp tục phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao”.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao dự và chỉ đạo Đại hội. Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. 347 đại biểu, đại diện cho gần 43.000 đảng viên của toàn Đảng bộ về dự Đại hội.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu tổng quát là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân; tiếp tục phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu đến năm 2025 trở thành địa phương đứng trong tốp đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người.

Báo cáo xác định rõ các mục tiêu cụ thể, khâu đột phá, chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, môi trường, xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng Đảng trong kế hoạch 5 năm 2020-2025; đề ra phương hướng, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn trên các lĩnh vực.

Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) không tính dầu khí bình quân 7,6%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 10.370 USD; cơ cấu kinh tế trừ dầu khí: Công nghiệp - xây dựng 61,76%, dịch vụ 29,46%, nông nghiệp 8,78%. Tỉnh phấn đấu thu hút mới ít nhất 3,2 tỷ USD vốn đầu tư FDI và 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước; tổng thu nội địa gần 210.000 tỷ đồng; tổng chi ngân sách khoảng 116.257 tỷ đồng. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

5 năm qua, kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục phát triển, khẳng định vai trò là một cực tăng trưởng quan trọng của cả nước và tạo nền tảng vững chắc để bức phá trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên, GRDP trừ dầu khí tăng bình quân 6,10%/năm (quy mô GRDP đứng thứ 3 cả nước); GRDP trừ dầu khí bình quân đầu người đạt 6.903 USD (cao gấp 2 lần mức bình quân chung cả nước). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Công nghiệp - xây dựng chiếm 58,66%, dịch vụ chiếm 29,36% và nông nghiệp chiếm 11,98%...

Chiều 24/9, Đại hội tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khóa VII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ diễn ra đến ngày 25/9.

Ông Dương Văn Trang được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum

Sáng 24/9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã họp phiên thứ nhất, bầu Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy; bầu đồng chí Dương Văn Trang tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum.

Đồng chí Dương Văn Trang, sinh năm 1961, quê quán: huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; trình độ chuyên môn: Đại học Quân sự; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp. Đồng chí Dương Văn Trang đã đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XII; Thường vụ Tỉnh ủy, Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai; Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai phụ trách xây dựng tổ chức cơ sở Đảng; Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2011-2015, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai (nhiệm kỳ 2016-2021). Tháng 5/2020, Bộ Chính trị đã điều động, phân công, chỉ định đồng chí Dương Văn Trang tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, nhiệm kỳ 2015-2020.

Trước đó, chiều 23/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã bầu 50 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Ông Đỗ Đức Duy được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

Sáng 24/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái tiếp tục làm việc. Đại hội đã công bố kết quả Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 họp chiều 23/9. Theo đó, tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX đã bầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái gồm 14 đồng chí. Đồng chí Đỗ Đức Duy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020, được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Đỗ Đức Duy sinh ngày 20/5/1970, quê quán tại xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; trình độ chuyên môn, chính trị: Thạc sĩ xây dựng, Cao cấp lý luận chính trị. Đồng chí đã từng đảm nhiệm các vị trí công tác: Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; chuyên viên, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Xây dựng; Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2010 - 2015; Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Bí thư Đảng ủy Bộ Xây dựng nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tháng /2/2017, Ban Bí thư đã có quyết định chỉ định đồng chí Đỗ Đức Duy tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2015 - 2020. Tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII đã bầu đồng chí giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Theo chương trình, sáng 24/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái tiếp tục thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Văn kiện trình Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh; tổng hợp phiếu lấy ý kiến biểu quyết các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy

Ngày 24/9, Đoàn công tác do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã công bố quyết định của Bộ Chính trị chuẩn y Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đối với đồng chí Lê Tiến Châu.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Lê Tiến Châu cho biết, thời điểm này Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đang chuẩn bị hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020, với nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, nhiều nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ đạt kết quả trước thời hạn, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt Nghị quyết đề ra. Đây là tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn tới.

Đồng chí Lê Tiến Châu sinh năm 1969 tại tỉnh Tây Ninh, là Tiến sĩ Luật học, từng 15 năm công tác tại Trường Đại học Luật TPHCM (1994 - 2009). Sau thời gian giảng dạy, đồng chí lần lượt làm Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện phía Nam (Bộ Tư pháp); Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp); Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội. Từ tháng 6/2016, đồng chí được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Ngày 16/3/2018, Ban Tổ chức Trung ương công bố Quyết định của Ban Bí thư chỉ định Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang.

Ngày 17/4/2018, tại kỳ họp thứ 8 (bất thường), HĐND tỉnh Hậu Giang khóa IX (2016 - 2021) đã bầu đồng chí Lê Tiến Châu giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê chuẩn đồng chí Lê Tiến Châu giữ chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay.

Mới đây, đồng chí Lê Tiến Châu được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, thay đồng chí Lữ Văn Hùng được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.

Nhóm PV - CTV

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/can-tho-vinh-long-nam-dinh-br-vt-khai-mac-dai-hoi-dang-bo_100199.html