Cần Thơ xây dựng kè chống sạt lở sông Ô Môn để bảo vệ dân cư
Ngày 3/4, UBND thành phố Cần Thơ họp triển khai thi công kè chống sạt lở khẩn cấp sông Ô Môn, đoạn qua địa bàn phường Thới An (quận Ô Môn) với tổng kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 130 tỷ đồng.

Công trình kè sông Ô Môn đoạn qua địa bàn phường Thới An (quận Ô Môn) sẽ được xây dựng với chiều dài 650m, tống vốn đầu tư 130 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 821/QĐ-UBND ngày 2/4/2025 của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp, kè chống sạt lở sông Ô Môn sẽ được thực hiện tại đoạn từ đối diện Rạch Ranh đến Rạch Tầm Vu, thuộc khu vực Thới Trinh B, phường Thới An, quận Ô Môn. Chủ đầu tư là Chi cục Thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ.
Với tổng kinh phí dự kiến khoảng 130 tỷ đồng, dự án được xác định là công trình khẩn cấp nhằm phòng chống sạt lở và bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước. Tuyến kè có chiều dài 650m, xây dựng theo phương án kết cấu bê tông cốt thép, kết hợp thảm đá gia cố mái chống xói lở. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2025 đến 2026, nguồn vốn sẽ được bố trí từ ngân sách thành phố theo kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Công trình do liên danh nhà thầu gồm Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng công trình giao thông 309 - Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ 626 - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Kim Quang Hưng chịu trách nhiệm thi công, với mục tiêu chính là ngăn chặn sạt lở không tiếp tục mở rộng, lan sâu vào phía bên trong khu dân cư. Việc xây dựng kè này sẽ giúp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
UBND thành phố Cần Thơ giao Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm chính trong việc triển khai thực hiện dự án, phối hợp với các sở, ngành liên quan tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết đây là công trình quan trọng giúp khép kín dự án chống ngập cho khu vực đô thị của thành phố. Do đó chính quyền quận Ô Môn, phường Thới An cần tích cực chỉ đạo, tập trung tuyên truyền, vận động người dân về ý nghĩa của công trình để sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Đối với liên danh nhà thầu, ông Hè đề nghị bám chặt vào hồ sơ thiết kế để thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn lao động, tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, vật tư... đẩy nhanh tiến độ thi công khi thời tiết thuận lợi, cố gắng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình trong năm 2025 để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Lãnh đạo UBND thành phố cũng giao chủ đầu tư theo dõi, hướng dẫn đơn vị thi công lập sơ đồ tiến độ theo mốc thời gian từng tuần, tuần tháng, tập trung nỗ lực quyết tâm hoàn thành công trình trước thời hạn.
Ông Huỳnh Thanh Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ, đại diện chủ đầu tư cho biết sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, nhà thầu và đơn vị thi công, đơn vị giám sát phấn đấu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng sớm nhất có thể, đáp ứng mục tiêu phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Sông Ô Môn tại điểm tiếp giáp với sông Hậu dự kiến được xây kè bảo vệ, bên trái còn một số vị trí sạt lở chờ xây kè.
Năm 2024, trên địa bàn thành phố Cần Thơ xảy ra 27 đợt sạt lở, làm sạt 14 căn nhà, sụt lún 1 nhà kho và ảnh hưởng đến 35 căn nhà khác. Tổng thiệt hại ước tính hơn 15 tỷ đồng. Thành phố đã ban hành 12 Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục 12/27 điểm sạt lở nguy hiểm, với tổng chiều dài xử lý 2.105m, tổng mức đầu tư 166,3 tỷ đồng. Thành phố cũng đã hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng từ Quỹ Phòng chống thiên tai. Các đợt hỗ trợ được phân bổ kịp thời cho các quận, huyện bị thiệt hại nặng.