Cần Thơ xứng danh đô thị trung tâm
TP Cần Thơ đang thể hiện vị thế và tiềm lực kinh tế - xã hội của địa phương dẫn đầu vùng ĐBSCL về giá trị GRDP đầu người với 97,2 triệu đồng/người/năm, cùng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 đạt trên 150.000 tỷ đồng (cao nhất ĐBSCL, đứng thứ 3 cả nước). Qua đó, từng bước khẳng định vai trò trung tâm và động lực thúc đẩy sự phát triển của ĐBSCL.
Chuyển biến tích cực
Cuối năm 2020, lãnh đạo TP Cần Thơ khá bận rộn khi liên tục đón tiếp nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, ký kết ghi nhớ. Các lĩnh vực phát triển đô thị, bất động sản, khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin… được quan tâm nhất.
Các nhà đầu tư cho biết, chẳng phải ngẫu nhiên mà họ “đổ vốn” về Tây Đô làm ăn, bởi qua khảo sát, nơi đây có mức tăng trưởng ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, nhất là đô thị, bất động sản và thương mại. Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL nên hàng năm thu hút đông đảo người dân các nơi về làm việc, lập nghiệp; từ đó kéo theo nhu cầu nhà ở, mua sắm, vui chơi, giải trí… tăng cao. Đây là cơ hội tốt để đẩy mạnh đầu tư phát triển.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường bộc bạch: “Thời gian qua, Cần Thơ đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng về công nghiệp và dịch vụ. Cần Thơ thu hút các dự án lớn đi vào hoạt động như nhà máy Vinatex; nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao Teakwang; nhà máy xử lý chất thải rắn phát điện... Đến nay, Cần Thơ có 11 siêu thị, 6 trung tâm thương mại, 107 chợ và 137 cửa hàng tiện ích, đáp ứng đa dạng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách”.
Là trung tâm của vùng nên Cần Thơ nỗ lực phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Một số dự án đã được đưa vào sử dụng như kè sông Cần Thơ; bờ kè và đường rạch Cái Khế; cải tạo công viên, bờ kè và cầu đi bộ Bến Ninh Kiều; dự án phát triển Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; xây cầu Quang Trung, cầu Trần Hoàng Na; cùng nhiều công trình khác như khách sạn Mường Thanh Cần Thơ; khách sạn Ninh Kiều Riverside; Tổ hợp khách sạn 5 sao - Trung tâm Thương mại và Shophouse Vincom Xuân Khánh, góp phần tạo điểm nhấn cho đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
Thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại
Ông Trần Việt Trường cho biết, mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, là xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Làm được điều này, Cần Thơ đang nỗ lực đột phá trên nhiều mặt. Tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, cơ khí, năng lượng tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ “mới, sạch, tiết kiệm”. Xây dựng trung tâm logistics, hình thành hệ thống kho, bảo quản, vận chuyển và các cảng hàng không quy mô lớn, phương thức hoạt động tiên tiến. Thu hút các tập đoàn bán buôn, bán lẻ lớn, có uy tín để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng; nâng cao chất lượng hàng hóa và hệ thống phân phối trên địa bàn.
"Xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển đô thị thông minh là xu thế tất yếu trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là cơ hội và đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự thay đổi căn bản về mô hình hoạt động, quy trình quản lý, thay đổi thói quen làm việc của đội ngũ cán bộ để ứng dụng công nghệ số vào tất cả các ngành lĩnh vực; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Để tận dụng tốt cơ hội đó, yêu cầu phải có sự quyết tâm của từng cơ quan, đơn vị; sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố, nhằm đưa Cần Thơ phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế và vị thế trung tâm của vùng ĐBSCL và cả nước!"
Ông TRẦN VIỆT TRƯỜNG, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ
Lãnh đạo Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết: “Ngành GTVT đang huy động tối đa các nguồn lực và sử dụng hợp lý, hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng giao thông giải quyết điểm nghẽn, tăng khả năng liên kết vùng, liên kết toàn thành phố, liên kết giữa các phương thức vận tải, phát triển giao thông đô thị và giao thông công cộng. Trong đó, tập trung hoàn thành đồng bộ các dự án quan trọng bức thiết, có vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội”.
Tương tự, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Cần Thơ Nguyễn Khánh Tùng cho rằng, vấn đề quan trọng nhằm phát triển du lịch bền vững là liên kết, hợp tác nhiều phía để “cùng tiến”. Cần Thơ sẽ chủ động hơn trong liên kết phát triển du lịch với các tỉnh ĐBSCL, các thành phố có thế mạnh trong cả nước. Lợi thế là từ khi sân bay Cần Thơ hoạt động, đã tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương và du lịch giữa Cần Thơ với miền Trung, miền Bắc; kết nối quốc tế, phấn đấu đưa du lịch Cần Thơ trở thành điểm đến lý tưởng, an toàn, thân thiện, nơi hội tụ của văn minh sông nước Mê Công.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/can-tho-xung-danh-do-thi-trung-tam-713145.html