Cần thống nhất quan điểm của các bộ, ngành về chính sách quản lý thuốc lá mới
Hiện, phương án quản lý thuốc lá mới vẫn còn đang thảo luận, chủ yếu từ cơ quan chủ quản ngành là Bộ Công thương và cơ quan bảo vệ sức khỏe cộng đồng là Bộ Y tế.
Trong khi Bộ Y tế đề nghị cấm toàn bộ thuốc lá mới vì quan ngại nếu hợp pháp hóa có thể dẫn đến việc giới trẻ tiếp cận nhanh, thì Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại đề nghị Chính phủ quản lý thuốc lá mới dưới Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành, vì mọi sản phẩm thuốc lá phù hợp định nghĩa của Luật thì cần phải chịu quản lý như đang áp dụng đối với thuốc lá điếu, xì-gà, thuốc lào...
Thực tế là đến nay, vì thiếu khung pháp lý, nên các sản phẩm này dù chưa chính thức được cho phép nhưng thị trường chợ đen đã vi phạm công khai và nghiêm trọng đến các hệ thống pháp luật hiện hành dành cho các sản phẩm thuốc lá trong nhiều năm qua.
Thuốc lá nhưng được bán và quảng cáo như hàng thiết yếu
Theo thống kê, chỉ trong vòng 5 năm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ tăng 18 lần, từ 0,2% vào năm 2015 lên đến 3,6% vào năm 2020.
Các chuyên gia cho rằng, việc tiếp cận thuốc lá điện tử từ thị trường chợ đen hiện nay quá dễ dàng, với hơn 18,4% thanh thiếu niên (16,3% nam, 20% nữ) đã nhìn thấy thông tin quảng cáo, tiếp thị thuốc lá điện tử từ nhiều kênh. Đồng thời, không khó để mọi giới, bất chấp tuổi tác có thể đặt hàng qua mạng hoặc mua trực tiếp tại cửa hàng ở khắp nơi. Thậm chí có nơi không ngần ngại mời khách dùng thử bằng cách cho mượn thiết bị, chỉ cần họ mua tinh dầu.
Theo quy định tại điều 8, khoản 1 và 2 của Luật Quảng cáo thì thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng dù có phải là sản phẩm thuốc lá hay không, hoặc được xem là hàng hóa nhưng vì chưa được phép kinh doanh, thì cần bị cấm quảng cáo theo quy định. Còn Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, khoản 2 điều 9 quy định nghiêm cấm quảng cáo khuyến mại thuốc lá trực tiếp đến người dùng dưới mọi hình thức.
Căn cứ trên hệ thống cơ sở pháp luật hiện hành cho thấy, rõ ràng, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng đang được bày bán, quảng cáo hiện nay đều đang vi phạm luật quảng cáo, tiếp thị đến người dùng, thế nhưng lại chưa có hướng xử phạt hoặc thực thi triệt để các biện pháp ngăn chặn phù hợp vì chưa được áp dụng hành lang pháp lý cụ thể.
Tại hội thảo "Kiểm soát thuốc lá mới có trách nhiệm" do Báo Pháp luật Việt Nam (cơ quan trực thuộc Bộ Tư pháp) tổ chức mới đây, TS Lưu Bình Nhưỡng - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định tính nghiêm trọng của một loạt các vấn đề đang diễn ra hiện nay do thiếu quản lý đối với các sản phẩm này.
"Rõ ràng là trong thời gian vừa qua, chúng ta không hành động, chúng ta tạo điều kiện cho cái xấu, tiếp tay cho buôn lậu, đầu độc môi trường, giới trẻ, xã hội, làm lãng phí tài nguyên, tiền của của đất nước, thất thoát nguồn thu của ngân sách", ông Nhưỡng nêu quan ngại.
Cung cấp thêm thông tin về những lo ngại mà ông Nhưỡng chia sẻ, ông Nguyễn Chí Nhân, Trưởng Ban Pháp chế đào tạo, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), đã nêu ra thí dụ điển hình về tác hại của buôn lậu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại cho ngân sách quốc gia, mà còn làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Theo ông Nhân, theo Nghị định 98 là xử phạt về buôn lậu thuốc lá quy định, buôn lậu dưới 1.500 bao thuốc thì sẽ phạt vi phạm hành chính, còn trên con số này thì có thể xử lý hình sự, nếu không xử lý hình sự thì mức phạt lên đến 100 triệu đồng.
Thế nhưng, ngày 14/8/2022, quản lý thị trường tỉnh Yên Bái bắt được vụ buôn lậu 5280 sản phẩm thuốc lá điện tử trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng lại chỉ xử được theo quy định về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, với mức phạt 45 triệu đồng. Tức là thay vì có thể xử phạt hình sự với lượng 5.000 sản phẩm thuốc lá là người buôn lậu có thể bị phạt tù hoặc nộp 100 triệu đồng và bị tịch thu phương tiện, hàng hóa, thì hiện chỉ phạt được 45 triệu đồng và Nhà nước còn phải tốn chi phí tiêu hủy lượng hằng này.
Cấm hay quản lý: Chờ quyết định thống nhất thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng
Tuy nhiên, tại hội thảo nêu trên, ông Trần Thành Trung, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, năm 2020, WHO tiếp tục ghi nhận trong tài liệu thông tin về thuốc lá làm nóng rằng sản phẩm này có chứa nguyên liệu thuốc lá nên định nghĩa đây là sản phẩm thuốc lá, cũng như công nhận sự tồn tại của các sản phẩm thuốc lá mới khác. Tổ chức này cũng đã đưa ra khuyến cáo các quốc gia nên tiếp tục giám sát sản phẩm thuốc lá làm nóng trên thị trường và nên kiểm soát sản phẩm theo các chính sách, quy định áp dụng cho tất cả các sản phẩm thuốc lá khác, cũng như theo Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC).
Điều quan trọng mà ông Trung chia sẻ tại hội thảo đó là giữa Bộ Công thương và Bộ Y tế đã có nhiều lần họp chính thức để tháo gỡ các vướng mắc nhằm thống nhất phương án quản lý thuốc lá mới. Hiện đề xuất mới nhất của Bộ Công thương được cho là tiệm cận gần nhất với quan điểm Bộ Y tế.
Theo đó, đề nghị cho thí điểm 5 năm đối thuốc lá làm nóng để đánh giá tác động của sản phẩm này trước khi đề xuất phương án quản lý tiếp theo. Còn đối với thuốc lá điện tử thì sẽ theo quan điểm của Bộ Y tế là tiếp tục nghiên cứu thêm trước khi ra chính sách. Tới đây, Bộ Công thương tiếp tục làm việc với Bộ Y tế và các bộ liên quan để thống nhất phương án cuối cùng và trình Chính phủ để xem xét, ban hành.
Đại diện Bộ Tư pháp, ông Lê Đại Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự-kinh tế - cũng mong muốn các bộ, ngành sẽ thống nhất đề xuất trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
Tháng 11 năm nay, dự kiến, thuốc lá mới sẽ là tâm điểm thảo luận tại hội nghị COP10 về FCTC mà Việt Nam là thành viên. Vì vậy, cần sớm thống nhất chính sách kiểm soát thuốc lá mới giữa các bộ, ngành để thể hiện quan điểm của quốc gia.