Cần thu hút FDI có chọn lọc khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu
Ths. Trần Thị Mơ - Giảng viên Trường ĐH Tài chính - Marketing cho rằng, mặc dù Việt Nam không bắt buộc phải áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu ngay, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng khi doanh nghiệp FDI phải hoàn thành nghĩa vụ thuế 15%. Do vậy, Việt Nam cần có sự thay đổi về các yếu tố cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi ThS. Trần Thị Mơ về nội dung này.
PV: Mặc dù Việt Nam không bắt buộc phải áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu này ngay, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng khi doanh nghiệp đó vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ thuế 15%. Vậy theo bà, điều này sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam?
ThS. Trần Thị Mơ: Việc thực thi các quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động đến Việt Nam theo 3 cách: Thứ nhất, hiệp định thuế mới này có thể làm giảm khả năng thu hút các công ty nước ngoài của Việt Nam bằng các chính sách ưu đãi thuế. Mặc dù thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20%, cao hơn mức tối thiểu đề xuất, nhưng Việt Nam đang ưu đãi thuế cho nhiều đối tượng/loại dự án, như miễn thuế 4 năm, giảm 50% trong 9 năm, thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm cho các công ty công nghệ cao đủ điều kiện. Nếu mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% được áp dụng, thì những lợi ích mang lại từ chính sách ưu đãi thuế mà các công ty này được hưởng tại Việt Nam sẽ không còn nữa.
Tuy nhiên, việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu có dẫn đến sự thay đổi trong chính sách ưu đãi thuế ở Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và khó có thể xảy ra trong thời gian ngắn tới đây, do còn một số lượng đáng kể đối tượng được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi sẽ không nằm trong phạm vi của quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Trong mọi trường hợp, các tổ chức/dự án đang triển khai và đã được hưởng ưu đãi sẽ được bảo đảm theo quy định của Luật Đầu tư Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam là một nước có thị trường nội địa tương đối lớn, sáng kiến thuế này có thể có lợi cho Việt Nam, vì sẽ cho phép Việt Nam được quyền đánh thuế ở một chừng mực nào đó đối với các công ty công nghệ và thương mại điện tử có doanh thu lớn tại Việt Nam. Ước tính, Việt Nam đang còn thất thu thuế từ các giao dịch thương mại điện tử tại các công ty thương mại điện tử và công nghệ. Quy định thuế tối thiểu toàn cầu mới có thể cũng sẽ khó mang lại kết quả tốt hơn cho Việt Nam, vì cơ chế chia sẻ thuế cho các quốc gia thị trường đòi hỏi một hệ thống quản lý thuế có năng lực và các nỗ lực phối hợp ở tầm quốc tế.
Thứ ba, mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu mới có thể ảnh hưởng đến việc cơ cấu các giao dịch trong đơn vị thành viên của các công ty đa quốc gia, vì các công ty này thường sử dụng cơ chế giá nội bộ để quản lý các nghĩa vụ thuế trên toàn cầu. Giao dịch trong nội bộ của các công ty đa quốc gia là một lĩnh vực mà các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành rà soát chặt chẽ để tránh việc lạm dụng thuế.
PV: Các chuyên gia cho rằng, không riêng Việt Nam, các nước trên thế giới cần có sự hợp tác quốc tế chống xói mòn cơ sở thuế. Vậy theo bà, cơ sở nào để đưa ra nhận định và hành động này?
ThS. Trần Thị Mơ: Để đảm bảo các giải pháp về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) được triển khai hiệu lực, hiệu quả, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các giải pháp này trong quá trình triển khai, theo khuyến nghị của các nhà lãnh đạo G20, OECD đã thiết lập một Diễn đàn hợp tác chung thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (Inclusive Framework - Diễn đàn IF), bao gồm các nước thành viên và không phải là thành viên của OECD và G20 cùng thực hiện triển khai Đề án BEPS trên phạm vi toàn cầu, trong đó có các nước đang phát triển.
Điều kiện để các nước/vùng lãnh thổ tham gia vào Diễn đàn hợp tác thực hiện BEPS (IF) là phải thực hiện đầy đủ các giải pháp về BEPS. Từ khi Dự án BEPS được triển khai và tính đến nay đã có khoảng 100 quốc gia/vùng lãnh thổ là thành viên chính thức trực tiếp tham gia trao đổi về các thách thức về BEPS. Trong khi đó, các nước đang phát triển ở châu Á bắt đầu thực hiện rà soát các quy định ưu đãi về thuế không phù hợp với thông lệ quốc tế, rà soát các quy định của hiệp định thuế, sửa đổi các quy định về xác định giá thị trường của các sản phẩm trong giao dịch liên kết (giá chuyển nhượng); thực hiện sửa đổi, bổ sung các quy định về giá chuyển nhượng liên quan đến nghĩa vụ chứng minh giá thị trường của người nộp thuế; dự thảo các quy định điều chỉnh về các giao dịch tài chính phái sinh, quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến các kế hoạch tránh thuế chủ động, rà soát các quy định về giá chuyển nhượng...
Đối với Việt Nam, theo tiến trình hành động BEPS, Việt Nam đã chính thức tham gia và trở thành thành viên thứ 100 của IF vào tháng 6/2017 và là thành viên thứ 159 của Diễn đàn toàn cầu về trao đổi thông tin về thuế từ ngày 26/12/2019. Cam kết thực hiện các hành động BEPS một cách nhất quán và toàn diện, cũng như các nước thành viên tham gia IF, Việt Nam phải tuân thủ 4 tiêu chuẩn tối thiểu, trong đó tiêu chuẩn ban hành quy định chống lợi dụng hiệp định thuế và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp hiệp định thuộc các điều khoản của hiệp định thuế đa phương.
Vì vậy, đây không chỉ là hành động thể hiện cam kết quốc tế, mà còn chứng tỏ vai trò tích cực và tính trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp với cơ quan thuế các nước, đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch và ổn định cho người nộp thuế. Đồng thời, thể hiện được uy tín và vị thế của Việt Nam đối với các nước trên thế giới.
Theo các chuyên gia, Việt Nam cần chủ động tham gia các phiên họp Ban chuyên trách của OECD để nắm bắt, hiểu rõ nội dung, ý nghĩa từng điều khoản của hiệp định thuế đa phương, từ đó lựa chọn phương án bảo lưu phù hợp để có thể tham gia ký hiệp định thuế đa phương trong thời gian thích hợp để triển khai các giải pháp ngăn chặn BEPS hiệu quả, giúp bảo vệ nguồn thu và cơ sở tính thuế.
PV: Vậy theo bà, vấn đề đặt ra là vì sao khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam chúng ta lại phải thu hút FDI một cách có chọn lọc?
ThS. Trần Thị Mơ: Về các vấn đề tồn tại của các công ty đa quốc gia liên quan đến thiên đường thuế, như chuyển giá thông qua các hợp đồng cung ứng hàng hóa và dịch vụ ký với các pháp nhân ở “thiên đường thuế”, lợi nhuận thật được chuyển ra các công ty đăng ký ở “thiên đường thuế” vẫn là một thách thức đối với hầu hết các quốc gia.
Do đó, để thực hiện được các quy định của luật pháp một cách nghiêm túc, vừa không nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích của đất nước thông qua thu ngân sách nhà nước thì quan trọng nhất là giám sát thông qua một bộ máy công chức có trình độ chuyên nghiệp, có đủ công cụ, đặc biệt là hệ thống thông tin để giám sát được hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp FDI.
Những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những đột phá trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông qua công cụ ưu đãi thuế. Mặc dù Việt Nam không bắt buộc phải áp dụng quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu này ngay, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng khi doanh nghiệp đó vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ thuế 15%. Do vậy, Việt Nam cần có sự thay đổi về các yếu tố cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, thuế tối thiểu toàn cầu cũng mang lại một số thuận lợi tăng thu ngân sách trong nước. Theo đó, những dự án đang hoạt động tìm giải pháp ưu đãi tiếp tục, nhưng biện pháp dài hạn buộc phải nâng thuế suất tối thiểu lên 15%, giúp tăng thuế và chúng ta sẽ thu hàng trăm nghìn tỷ đồng nếu bỏ ưu đãi. Đây cũng là cơ hội nâng cao hiệu quả đầu tư theo quy hoạch, định hướng phát triển, cân đối hài hòa đầu tư trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việc lựa chọn nhà đầu tư có năng lực cũng có nghĩa là thực hiện cơ chế đầu tư nước ngoài bền vững “hài hòa” cả về kinh tế, xã hội và môi trường.
Trong năm 2022, qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 1.015 doanh nghiệp FDI chịu ảnh hưởng bởi chính sách này. Đối với Việt Nam, nên chủ động áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu khoảng 15%, cùng với đó, sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư để luật hóa cam kết này sớm ban hành, điều chỉnh các chính sách về thuế, kế toán phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, cũng như phù hợp với quy định trong hiệp định mà Việt Nam đã cam kết trước khi hiệp định có hiệu lực, cần nhanh chóng nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động đầy đủ của việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu này để chủ động đề xuất phương án, giải pháp phù hợp.