CẦN TIẾP TỤC HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM Y TẾ
Sáng ngày 11/10, thực hiện chương trình Phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 và quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung làm việc.
Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020, Chính phủ, Bộ Y tế đã nỗ lực triển khai thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; tăng cường đầu tư các trạm y tế xã, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, chuyển đổi phương thức chi ngân sách trong lĩnh vực y tế; hoàn thiện gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả, triển khai mở rộng mô hình bác sỹ gia đình tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế; tuyên truyền, phát triển bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Trong đó, đối với việc thực hiện mục tiêu "Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế", Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện những công việc như sau: Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo hiểm y tế, chỉ đạo thực hiện các quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế; Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức triển khai và thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp được đưa ra trong Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2013, Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện bảo hiểm y tế giai đoạn 2016-2020.
Đối với việc sử dụng và quản lý bảo hiểm y tế, Bộ trưởng cho biết, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện và hoàn thiện hệ thống các văn quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh về bảo hiểm y tế, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan phấn đấu hoàn thành các Đề án, văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng trong Chương trình công tác của Chính phủ năm 2021; Tập trung xây dựng, hoàn thiện Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi bảo đảm sự đồng bộ; rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP để phù hợp với thực tiễn; Xây dựng kế hoạch đánh giá tổng kết quá trình thực hiện Quyết định số 1167/QĐ/TTg ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện Bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2020.
08 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành theo Nghị quyết số 68/2013/QH13
Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế đã được ban hành cơ bản đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, điều hành, đảm bảo quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm y tế, điều kiện hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sử dụng hợp lý, hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tình trạng văn bản hướng dẫn thực hiện mâu thuẫn với Luật chưa được giải quyết dứt điểm; chưa ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do Bảo hiểm y tế chi trả một cách toàn diện theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế; quy trình kỹ thuật chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị chưa được ban hành đầy đủ; hệ thống văn bản về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, xã hội hóa chưa được hoàn thiện làm ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13, Ủy ban đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành về Bảo hiểm y tế. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết 68 đều đã và đang được Chính phủ tích cực đưa ra những giải pháp để thực hiện, nhiều hợp phần chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Theo đó, trong số các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết 68 giao Chính phủ thực hiện thì đến nay có 08 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 04 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần.
Cụ thể, đối với chỉ tiêu đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia Bảo hiểm y tế và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia Bảo hiểm y tế, chỉ tiêu này hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho biết, tỷ lệ tham gia Bảo hiểm y tế cao tập trung chủ yếu ở nhóm được Ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế, nhóm người lao động thuộc khối hành chính sự nghiệp hoặc được quỹ Bảo hiểm xã hội đảm bảo kinh phí mua thẻ. Nhóm đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thì mới đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% trên tổng số người thuộc diện tham gia. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, công tác phát triển đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế tại một số địa phương bị ảnh hưởng, một số doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, người lao động không có việc làm dẫn đến xảy ra tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng Bảo hiểm y tế cũng như một số người không có điều kiện để tiếp tục tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.
Đối với việc tạm ứng và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế trong quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế, theo Ủy ban Xã hội, hoạt động tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế được thực hiện cơ bản theo đúng quy định. Năm 2020, Chính phủ tiếp tục áp dụng phương thức giao dự toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế đến cơ sở khám chữa bệnh như là một giải pháp chủ động trong kiểm soát chi khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, đã giải quyết được nhiều trường hợp treo quyết toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế với tổng số tiền trên 10 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, một số cơ sở khám chữa bệnh do lo ngại việc không thanh toán được các chi phí vượt dự toán được giao nên có tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chỉ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cầm chừng, kê đơn để bệnh nhân mua thuốc ngoài Bảo hiểm y tế, đặc biệt vào thời gian cuối năm khi thực chi đã gần vượt ngưỡng giao hoặc đã vượt ngưỡng giao.
Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao báo cáo của Chính phủ; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội. Đồng thời, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận về một số vấn đề như: việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; tăng cường đầu tư các trạm y tế xã; ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế; tuyên truyền, phát triển bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân…
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, trình bày rõ ràng đầy đủ và chặt chẽ. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định công tác bảo hiểm y tế có những bước tiến vững mạnh trong những năm vừa qua nhờ chỉ đạo của Trung ương cùng những nỗ lực của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội, chính quyền các địa phương cùng các lực lượng, các cơ sở khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục phân tích làm rõ tính bền vững của Quỹ bảo hiểm y tế, trong đó làm rõ mối quan hệ giữa bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả và bảo hiểm y tế do người dân tự mua; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là một trong những trụ cột của an sinh xã hội. Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, chăm lo cho vấn đề này. Do đó, việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế; việc quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế luôn là vấn đề người dân và cử tri rất quan tâm.
Cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nên có tổng kết Nghị quyết 68/2013/QH13 để xem xét ban hành nghị quyết thay thế trong thời gian tới và sớm đánh giá tổng kết trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế và Luật Khám bệnh, chữa bệnh để đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần tiếp tục làm tốt việc đấu thầu, đấu giá, đàm phán giá thuốc, đảm bảo chất lượng thuốc tốt cung ứng cho thị trường; tiếp tục quan tâm cho y tế dự phòng và y tế cơ sở; tổng kết đánh giá để phát triển mô hình bác sĩ gia đình…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan đã có sự phối hợp khá hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế năm 2019, năm 2020, nhất là những cố gắng trong việc thực hiện các giải pháp nhằm đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết 68/2013/QH13 cũng như trong quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, các cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương rà soát, tiếp thu những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội góp ý, đặc biệt ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện báo cáo. Đồng thời, Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì, hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=59410