Cần tiếp tục tăng cường cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao - thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp

Trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao tại Kỳ họp thường lệ gần đây nhất của Quốc hội (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/11/2024), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (nay là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội) Lê Thị Nga khẳng định, công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao đạt kết quả tích cực, tiếp tục thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội… Với những thành tích trong suốt quá trình 63 năm xây dựng và trưởng thành, thực tiễn đòi hỏi Cơ quan điều tra VKSND tối cao cần phát triển hơn nữa, tiếp tục là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Cơ quan điều tra VKSND tối cao luôn vượt nhiều chỉ tiêu được Quốc hội giao

Cụ thể, trong báo cáo được trình bày nêu trên, bà Lê Thị Nga cho biết, về công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, không có trường hợp nào Tòa án tuyên không phạm tội, chưa phát hiện trường hợp nào bị điều tra, truy tố oan.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (nay là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội) Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/11/2024. Ảnh: VPQH cung cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (nay là Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội) Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác của Viện trưởng VKSND tối cao tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/11/2024. Ảnh: VPQH cung cấp.

Bên cạnh đó, cũng theo bà Lê Thị Nga, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao, trong đó, tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%...

Trước đó, trình bày Báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng VKSND tối cao cũng tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đồng chí Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến nêu rõ: Năm 2024, công tác của Cơ quan điều tra VKSND tối cao tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội.

 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao trình bày Báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng VKSND tối cao tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/11/2024. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng VKSND tối cao trình bày Báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng VKSND tối cao tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 26/11/2024. Ảnh: VPQH cung cấp.

Cụ thể, tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng trong hoạt động tư pháp đạt 92,4% (vượt 22,4%); tỷ lệ điều tra, khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100% (vượt 10%); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 89,2% (tăng 4,5% và vượt 29,2%).

Với những thành tích nêu trên, Cơ quan điều tra VKSND tối cao nói riêng và Ngành KSND nói chung đã và đang không ngừng nỗ lực, cố gắng; ngày càng khẳng định vững chắc vị thế của Ngành trong sứ mệnh thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được Đảng, Nhà nước giao phó, trong đó đặc biệt là nhiệm vụ trực tiếp điều tra các loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả của Cơ quan điều tra VKSND tối cao – Thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp

Trong suốt quá trình 63 năm xây dựng và phát triển (18/4/1962 – 18/4/2025), Cơ quan điều tra VKSND tối cao luôn không ngừng nỗ lực, cố gắng, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, chức năng được Đảng, Nhà nước, Ngành KSND tin tưởng giao phó, được pháp luật quy định cụ thể. Vì vậy, việc giữ nguyên các quy định đối với Cơ quan điều tra VKSND tối cao như hiện nay không những là yêu cầu từ thực tiễn đất nước, mà trong Kỷ nguyên phát triển vươn mình của dân tộc, sự phát triển, lớn mạnh của Cơ quan điều tra VKSND tối cao sẽ góp phần quan trọng trong việc loại bỏ các rào cản, khơi thông các nguồn lực, nhất là việc điều tra các loại tội phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp, giúp nền tư pháp của Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

 Đồng chí Trần Hải Quân, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND làm việc với Báo Bảo vệ pháp luật và Cơ quan điều tra VKSND tối cao về nhiệm vụ tăng cường phối hợp, nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về ngành KSND, trong đó có công tác tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, ngày 3/4/2025.

Đồng chí Trần Hải Quân, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành KSND làm việc với Báo Bảo vệ pháp luật và Cơ quan điều tra VKSND tối cao về nhiệm vụ tăng cường phối hợp, nâng cao hơn nữa công tác tuyên truyền về ngành KSND, trong đó có công tác tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, ngày 3/4/2025.

Cùng với các lý do nêu trên, việc giữ nguyên các quy định đối với Cơ quan điều tra VKSND tối cao như hiện nay cũng phù hợp với các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kinh nghiệm của nhiều nước phát triển trên thế giới. Cụ thể:

Thứ nhất, về việc sắp xếp tinh gọn đầu mối Cơ quan điều tra, Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị đã nêu: “Giữ nguyên hệ thống tổ chức các cơ quan điều tra chuyên trách tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao, VKSQS Trung ương như hiện nay và sắp xếp tinh gọn đầu mối trong từng cơ quan, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, không chồng chéo nhiệm vụ”. Như vậy, việc sắp xếp tinh gọn cơ quan điều tra là tinh gọn đầu mối các cơ quan điều tra trong từng cơ quan (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND tối cao) không phải là gom các cơ quan điều tra trong từng Bộ, ngành lại với nhau, sẽ không bảo đảm sự khách quan, độc lập.

Thứ hai, Viện kiểm sát là cơ quan có chức năng thực thành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn luật định, VKS tham gia tất cả các hoạt động tố tụng tư pháp hình sự (từ giai đoạn tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử cho đến giai đoạn thi hành án hình sự), lĩnh vực tố tụng dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động… (từ khi Tòa án thụ lý vụ án, xét xử đến thi hành án dân sự).

Mặt khác, VKS cũng có nhiệm vụ trực tiếp giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại và tố cáo của các cơ quan tư pháp. Do vậy, VKS là cơ quan duy nhất có điều kiện theo sát, nắm chắc các hoạt động giải quyết vụ việc, vụ án của các chủ thể tiến hành tố tụng. Với tính chất như vậy, VKS có điều kiện để phát hiện, trực tiếp xử lý các tội phạm trong lĩnh vực tư pháp hiệu quả hơn các cơ quan khác. Việc giao cho VKS có thẩm quyền điều tra các tội phạm trong lĩnh vực tư pháp như quy định hiện nay là phù hợp.

 Mới đây nhất, ngày 3/4/2025, Cơ quan điều tra VKSND tối cao tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Phi Khanh - Kế toán nghiệp vụ thi hành án; thuộc Cục THADS thành phố Huế về tội "Tham ô tài sản” theo khoản 4 Điều 353 – BLHS.

Mới đây nhất, ngày 3/4/2025, Cơ quan điều tra VKSND tối cao tống đạt quyết định khởi tố và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Phi Khanh - Kế toán nghiệp vụ thi hành án; thuộc Cục THADS thành phố Huế về tội "Tham ô tài sản” theo khoản 4 Điều 353 – BLHS.

Thứ ba, VKS là một hệ thống cơ quan độc lập, Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo kết quả công tác trực tiếp trước Quốc hội. Với chức năng hiện nay, VKS có vai trò quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước nói chung và kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực tư pháp nói riêng. Việc Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hiện nhiệm vụ điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và các tội phạm về tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp nhằm góp phần bảo đảm cho một nền tư pháp trong sạch, bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Thứ tư, về cơ bản, các cơ quan đều thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ khác nhau, như: Bộ Công an vừa thực hiện chức năng điều tra, vừa tiến hành các hoạt động giám định tư pháp về hình sự, chức năng tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự; Bộ Quốc phòng quản lý toàn bộ hệ thống tư pháp trong quân đội (cả Cơ quan điều tra, VKS và Tòa án quân sự…); Tòa án nhân dân các cấp xét xử khách quan, nghiêm minh đối với người phạm tội, trong đó có cán bộ, công chức ngành Tòa án vi phạm pháp luật.

Thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, nhưng các Bộ, Ngành đều làm tốt nhiệm vụ được giao và bảo đảm được sự khách quan. Đối với ngành Kiểm sát, kết quả công tác trong những năm qua luôn được Quốc hội ghi nhận, đánh giá thực hiện tốt nhiệm vụ điều tra, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đối với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng chức vụ trong hoạt động tư pháp.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao chịu sự giám sát của các cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử (Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội...) và giám sát của xã hội như hoạt động công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong những năm qua, hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao được thực hiện theo quy định pháp luật, bảo đảm khách quan, nghiêm minh. không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không có trường hợp nào Tòa án tuyên không phạm tội và luôn làm tốt công tác kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong hoạt động tư pháp.

Theo quy định của Luật tổ chức Cơ quan điều tra năm 2015, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã được mở rộng thêm nhiệm vụ điều tra đối với 23 tội phạm thuộc nhóm tội tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp so với trước đây. Với truyền thống 63 năm kể từ khi ngành Kiểm sát thực hiện nhiệm vụ điều tra cho đến nay, Cơ quan điều tra VKSND tối cao không ngừng phát triển qua nhiều giai đoạn, nhiều thời kỳ luôn khẳng định được vvi trò và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho.

Thứ năm, kinh nghiệm quốc tế cho thấy: một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Công tố viên/ Kiểm sát viên của Viện Công tố/Viện kiểm sát thực hiện hoạt động điều tra trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Đặc biệt ở Trung Quốc, tổ chức hệ thống cơ quan điều tra của VKS từ cấp trung ương đến một số tỉnh để thực hiện thẩm quyền điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp. Điều này xuất phát từ nguyên lý công tố bám sát, chỉ đạo điều tra, trực tiếp tiến hành điều tra trong trường hợp cần thiết, nhằm mục đích phòng ngừa oan sai, chống vi phạm trong hoạt động tố tụng tư pháp.

Ở Việt Nam, hoạt động điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp của VKSND là công tác “nối dài” của chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo đảm hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp, tuân thủ pháp luật, góp phần hiệu quả trong đấu tranh, phòng chống tội phạm tham nhũng, chức vụ nói chung và tham nhũng, chức vụ và xâm phạm hoạt động tư pháp nói riêng, góp phần xây dựng nền tư pháp liêm chính, trong sạch.

Với những căn cứ nêu trên, việc tiếp tục quy định Cơ quan điều tra VKSND tiến hành điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp là khách quan và hết sức cần thiết.

Minh Khôi

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/can-tiep-tuc-tang-cuong-cho-co-quan-dieu-tra-vksnd-toi-cao-thiet-che-kiem-soat-quyen-luc-trong-hoat-dong-tu-phap-175523.html