Cần tiếp tục thực hiện Đề án Cai nghiện tự nguyện không thu phí lần đầu
Đó là đa số ý kiến đề xuất của lãnh đạo các ngành, địa phương sau khi xem xét hiệu quả của Đề án Cai nghiện tự nguyện không thu phí lần đầu (Đề án số 06) được UBND tỉnh triển khai thực hiện từ năm 2018 đến nay. Bên cạnh đó, qua việc thực hiện đề án, Sóc Trăng được Trung ương đánh giá cao, là 1 trong 13 địa phương của cả nước xây dựng mô hình thí điểm trong công tác cai nghiện tự nguyện.
Theo đồng chí Nguyễn Hoàng Phong - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trước thực trạng tệ nạn ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có chiều hướng tăng nhanh, đặc biệt là người sử dụng các loại ma túy tổng hợp ảnh hưởng rất lớn đến tình hình an ninh trật tự - xã hội trên địa bàn, nguy hiểm hơn, người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng những người xung quanh, UBND đã giao cho sở tham mưu xây dựng Đề án Cai nghiện ma túy tự nguyện không thu phí lần đầu, giai đoạn 2018 – 2020. Đề án được thực hiện nhằm hạn chế được người nghiện ma túy ngoài cộng đồng; giảm tình trạng lôi kéo, rủ rê người khác sử dụng ma túy, giảm sự gia tăng người nghiện mới, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình người nghiện; hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở cộng đồng. Đồng thời, phát huy lợi thế về cơ sở vật chất và tiết kiệm thời gian, kinh phí, các thủ tục trong quá trình đưa đi cai nghiện ma túy bắt buộc.
Mục tiêu của đề án là thí điểm tiếp nhận điều trị tối đa 200 người mới nghiện ma túy lần đầu không thu phí, với điều kiện phải có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú dài hạn tại tỉnh, trong đó, ưu tiên cho gia đình có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, không có người thân, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, lao động chính trong gia đình. Thời gian cai nghiện, phục hồi tại cơ sở là 6 tháng. Khu cai nghiện ma túy tự nguyện sẽ bố trí sử dụng 1 khu cai nghiện cũ trước đây nhưng sửa chữa, nâng cấp khang trang hơn, có sân chơi và tập luyện thể dục, thể thao, phòng ở có tivi để học viên xem tin tức và chương trình giải trí khác.
Tính từ khi thực hiện đề án (tháng 10-2018) đến nay, điểm cai nghiện tự nguyện theo đề án đã tiếp nhận, điều trị nghiện cho 77 học viên (có 18 trường hợp dưới 18 tuổi) và thực hiện quy trình tổ chức cai nghiện tự nguyện gồm 5 giai đoạn như: tiếp nhận, phân loại; cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giai đoạn tư vấn, giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách; giai đoạn lao động trị liệu, hướng nghiệp; giai đoạn phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Hiện nay, có 68 trường hợp đã hoàn thành chương trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Theo khảo sát bước đầu, tỷ lệ tái nghiện đối với người cai nghiện theo đề án khoảng 7%.
Theo nhận định chung, Đề án Cai nghiện ma túy tự nguyện không thu phí lần đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Trước nhất là giảm gánh nặng chi phí, thời gian khi thực hiện quy trình cai nghiện bắt buộc và giải quyết được số người nghiện dưới 18 tuổi mà theo quy định không thể đưa cai nghiện bắt buộc, điều này là phù hợp vì người nghiện ngày càng trẻ hóa. Bên cạnh đó, việc ưu tiên cho học viên tham gia đề án là con em gia đình có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, không có người thân, hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, lao động chính… cũng mang tính nhân văn, đã giảm áp lực, gánh nặng cho gia đình vì không phải đóng phí.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Phong cũng cho rằng, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương cũng kiến nghị nên điều chỉnh đối tượng thụ hưởng Đề án số 06, trong đó bổ sung thêm nhóm có tiền án, tiền sự và những hành vi khác, kéo dài thời gian cai nghiện từ 6 tháng lên 9 tháng hoặc 12 tháng. Tuy nhiên, thực tiễn quản lý công tác cai nghiện cho thấy, việc bổ sung nhóm này vào đề án là không phù hợp vì có thể xảy ra tình trạng lôi kéo, dụ dỗ những học viên nhỏ tuổi nhận thức chưa đầy đủ tái nghiện hoặc vi phạm pháp luật. Hơn nữa việc kéo dài thời gian là không cần thiết vì theo phác đồ điều trị, chỉ cần 7 đến 10 ngày, người nghiện ma túy đã được cắt cơn hoàn toàn, thời gian còn lại là phục hồi sức khỏe, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, việc tái nghiện phụ thuộc vào ý chí, thời gian cai nghiện không phải là yếu tố quyết định.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện nay toàn tỉnh có khoảng hơn 2.000 người sử dụng ma túy, kể cả thường xuyên và không thường xuyên. Các cơ quan liên quan luôn đẩy mạnh thực hiện việc cảm hóa, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng và tham gia xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy. Trên cơ sở đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đưa ra phương án có thể kéo dài thực hiện đề án đến năm 2021, hay kết thúc đề án hoặc chuyển sang một chính sách khác phù hợp hơn.
Thượng tá Trần Hoàng Thử - Phó trưởng Công an TX. Vĩnh Châu thông tin, trong giai đoạn thực hiện đề án, TX. Vĩnh Châu có 13 trường hợp cai nghiện tự nguyện không thu phí lần đầu, nhiều nhất so với các huyện, thị, thành phố. Đa số những trường hợp này thuộc diện khó khăn do thiếu hiểu biết nên bị lôi kéo sử dụng ma túy, địa phương đã tư vấn và thực hiện thủ tục cai nghiện tự nguyện, giúp họ giảm gánh nặng chi phí. Hơn nữa, do mới nghiện lần đầu, được cai nghiện kịp thời nên những trường hợp này đều hoàn lương tiến bộ. Từ đó, thượng tá Trần Hoàng Thử đề xuất tiếp tục thực hiện đề án đến hết năm 2021 để đánh giá một cách cụ thể hơn những thuận lợi, khó khăn và đề ra mục tiêu phù hợp hơn.
Đồng chí Lê Minh Dương - Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, trong việc thực hiện đề án, Tỉnh đoàn cũng phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền kết hợp cảm hóa, giáo dục người lầm lỡ. Nếu đề án tiếp tục được thực hiện thì UBND tỉnh cần quan tâm đến công tác giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.
Đồng chí Ngô Hùng - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hiện nay đối tượng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa, trong số đó có cả học sinh, xâm nhập đến vùng nông thôn và không phân biệt giàu, nghèo. Điều này đặt ra vấn đề với cơ quan chức năng về công tác đấu tranh với tội phạm ma túy và đẩy mạnh công tác phòng ngừa. Đồng chí Ngô Hùng cho biết sẽ tiếp tục nhận người cai nghiện tự nguyện theo Đề án số 06 vì chỉ tiêu đề ra là hỗ trợ cai nghiện 200 học viên (hiện nay chỉ được 77 học viên) và có những đánh giá tác động để tránh tái nghiện sau cai, dẫn đến một chu kỳ điều trị nghiện lẩn quẩn đầy gánh nặng, mỗi lần tái nghiện lại kéo theo không ít hệ lụy.