Cần tìm 'chìa khóa' để chinh phục môn Địa lý
Cô Đinh Thị Như Hoa cho rằng: Lấy điểm cao ở môn Địa lý không khó. Song, học sinh phải có phương pháp đúng đắn, nhất là giai đoạn 'nước rút'.
Tránh "học tủ"...
Địa lý là 1/6 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Với kinh nghiệm suốt 17 năm giảng dạy và tổ chức ôn luyện, cô Đinh Thị Như Hoa (giáo viên môn Địa lý trường THPT Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) nhận định: Nội dung đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu tập trung ở lớp 12. Việc giành điểm cao ở môn Địa lý là điều không khó, nhưng học sinh cần có phương pháp đúng đắn, nhất là trong giai đoạn “nước rút” này.
Theo cô Hoa, thứ nhất học sinh cần tránh “học tủ”. Bởi đề thi theo lối trắc nghiệm có khả năng bao quát chương trình hơn, phổ kiểm tra rộng hơn so với thi tự luận, vì thế “học tủ” là điều cấm kỵ. Điều này đòi hỏi học sinh phải ôn tập kỹ hơn, không được bỏ qua bất kì phần nào trong sách giáo khoa (SGK), từ kênh chữ đến kênh hình, kể cả các bài thực hành, bài đọc thêm.
Tiếp đến là ôn tập theo chủ đề. Việc sử dụng hệ thống các sơ đồ tư duy sẽ giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức cơ bản của từng bài, từng chủ đề. Song song với việc ôn tập bằng sơ đồ tư duy, học sinh cần rèn luyện kĩ năng đọc. Dành thời gian đọc đi đọc lại các nội dung trong SGK, đánh dấu lại những nội dung cơ bản, số liệu cần chú ý để ghi nhớ. Mỗi dòng trong SGK đều có thể trở thành một câu hỏi trắc nghiệm. Chính vì vậy học sinh không thể bỏ qua dù là các chi tiết nhỏ.
Quan trọng nhất là rèn luyện cách sử dụng Atlat, bảng số liệu và biểu đồ. Cô Hoa cho biết: Đối với Atlat, trong quá trình học cũng như ôn tập, học sinh cần khai thác Atlat một cách triệt để nhất, bởi “Atlat là cuốn sách thứ 2 của Địa lí”, cũng là tài liệu quan trọng mà học sinh được sử dụng trong phòng thi. Việc sử dụng Atlat thường xuyên không chỉ giúp ghi nhớ, khắc sâu kiến thức mà còn củng cố kĩ năng sử dụng, huy động kiến thức làm bài thi đạt kết quả cao.
Đối với bảng số liệu, biểu đồ, ngoài kiểm tra kỹ năng khai thác Atlat, đề thi cũng sẽ có phần trắc nghiệm kiểm tra kĩ năng phân tích bảng số liệu, nhận dạng biểu đồ nên cũng cần chú trọng trong quá trình ôn tập.
Đi kèm với biểu đồ, bảng số liệu cũng có những dạng câu hỏi nhận xét, so sánh. Để làm được, học sinh cần đọc đáp án và quan sát thật kỹ bảng số liệu để trả lời, có những bài cần phải tính toán cụ thể mới có thể chọn được đáp án đúng.
“Trong Địa lí có một số đối tượng đặc biệt, có thể là nhiều nhất, ít nhất, phát triển nhất, kém phát triển nhất,… hay những nét đặc trưng nổi bật nhất của từng khu vực, từng vùng miền. Vì vậy, khi ôn tập cần cố gắng nhấn mạnh để có thể ghi nhớ nhanh. Việc làm này sẽ giúp các em trả lời nhanh những câu hỏi trắc nghiệm mà chưa cần phải đọc hết đáp án của câu hỏi đó”, cô Hoa lưu ý.
Trong quá trình học cũng như ôn tập, bên cạnh những kiến thức cơ bản có trong SGK, theo cô Hoa học sinh cũng cần phải thu thập thêm kiến thức từ thực tiễn mỗi ngày thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: đài, báo, tivi,…để cập nhật những vấn đề mới nhất liên quan đến chương trình học.
Tìm “chìa khóa” cho câu hỏi...
Cô Hoa cho biết: Theo hình thức thi mới này thì các câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm sẽ được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó. Chính vì vậy học sinh không cần phải đọc hết toàn bộ đề thi để lọc ra những câu hỏi dễ để làm trước mà sẽ đọc và làm lần lượt từ câu thứ nhất cho đến hết. Điều này sẽ góp phần tạo nên sự bình tĩnh, tâm lý thoải mái cho học sinh trong quá trình làm bài thi.
“Phải tìm được “từ chìa khóa” trong câu hỏi. Đây được xem là cách để giải quyết câu hỏi một cách nhanh nhất và tránh bị lạc đề hay nhầm dữ liệu đáp án”, cô Hoa nhắc nhở.
Sau khi đọc xong câu hỏi, học sinh nên tự đưa ra câu trả lời trước rồi đọc tiếp phần đáp án xem có phương án nào giống với câu trả lời của mình đưa ra hay không. Không nên vội vàng đọc đáp án ngay vì như thế rất dễ bị phân tâm nếu như kiến thức không thực sự chắc chắn.
“Mỗi câu hỏi trắc nghiệm thường có 4 đáp án, các đáp án lại thường không khác nhau nhiều lắm về mặt nội dung. Tuy nhiên, vẫn có cơ sở để có thể dùng phương pháp loại trừ. Thay vì tìm phương án đúng thì hãy tìm phương án sai. Loại trừ được càng nhiều phương án sai thì đáp án lựa chọn sẽ càng có khả năng chính xác cao hơn”, cô Hoa lưu ý thêm.
Theo cô Hoa, bài thi Địa lý gồm có 40 câu, thời gian làm bài là 50 phút. Như vậy, học sinh có khoảng hơn 1 phút để trả lời một câu hỏi. Nếu qua khoảng thời gian đã định này mà vẫn chưa tìm ra được đáp án thì nên bỏ qua câu này để làm sang câu khác và có thể quay trở lại câu hỏi này sau.
Trên cơ sở đó, học sinh cố gắng hoàn thành bài thi trong vòng 40 phút. Khoảng thời gian còn lại nên tập trung rà soát lại toàn bộ nội dung bài làm, xem lại những câu hỏi mà đáp án còn thấy nghi ngờ, băn khoăn.
“Đặc biệt không được bỏ trống phương án trả lời.Trong bài thi trắc nghiệm, điểm số của các câu hỏi là như nhau. Vì vậy, với những câu hỏi mà học sinh không tìm được đáp án chính xác thì nên chọn một đáp án bất kì chứ không được bỏ trống. Vì với hình thức thi này cũng có một phần nhỏ dành cho sự may mắn”, cô Hoa nói.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/can-tim-chia-khoa-de-chinh-phuc-mon-dia-ly-post643858.html