Cần tính chuyện lâu dài
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới nên sẽ chịu ảnh hưởng từ việc Ấn Độ dừng xuất khẩu. Đây cũng là bài toán cho Việt Nam về việc vừa đảm bảo nhu cầu từ các đối tác nhập khẩu trong nửa cuối năm 2023 là cần ít nhất 4 triệu tấn gạo, nhưng vẫn phải cân đối đủ cho việc dự trữ và tiêu dùng trong nước.
Lý giải giá lúa gạo tăng ở góc độ doanh nghiệp ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, việc khách hàng nước ngoài tập trung sang nguồn cung gạo từ Việt Nam cũng là điều dễ hiểu khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo đang đau đầu vì giá xuất khẩu không theo kịp giá lúa hè thu của nông dân. DN hiện nay hạn chế, thậm chí dừng ký hợp đồng mua bán mới, tập trung lo hợp đồng cũ đã ký.
Được biết, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã có văn bản gửi các DN xuất khẩu gạo và yêu cầu phải duy trì lượng dự trữ lưu thông theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời, yêu cầu các DN xuất khẩu gạo nghiêm túc thực hiện báo cáo định kỳ về lượng lúa gạo tồn kho, tình hình ký kết và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.
Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện sản xuất lúa gạo của Việt Nam khá thuận lợi, các nguồn cung đảm bảo ổn định. Cục Trồng trọt vẫn theo dõi sát tình hình thời tiết, khí hậu và nhu cầu để kịp thời có chỉ đạo, tính toán, điều hành sản xuất lúa gạo gắn với thị trường, tận dụng tốt thời cơ. Tuy nhiên ông Cường lưu ý các DN xuất khẩu gạo phải tính đến kịch bản giá gạo năm 2008, khi có thời điểm lên tới hơn 1.000 USD/tấn.
Bên cạnh đó, DN phải giữ chữ tín với các đối tác, tuân thủ quy định pháp luật và các thông lệ quốc tế. Về lâu dài, các DN xuất khẩu gạo cần hợp tác, liên kết với nông dân, hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, tập trung, để chủ động đầu ra đảm bảo về chất lượng, ổn định về số lượng, giá cả và đảm bảo bền vững, hài hòa quyền lợi giữa DN và nông dân trồng lúa.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện nguồn cung gạo thế giới khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ rất cao. Ước tính, nhu cầu của khách hàng đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Chính vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan. Các đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến DN Việt Nam hỏi mua gạo, tự trả giá cao hơn 10-20 USD/tấn.
Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài Chính), DN cần nhanh chóng triển khai đẩy mạnh xuất khẩu gạo đồng thời không nên kìm giữ giá hoặc tích trữ đợi tăng giá để tránh rủi ro. Theo ông Thịnh, dù là nước sản xuất lương thực lớn và có nguồn dự trữ tương đối cao thế nhưng vẫn cần đảm bảo bài toán an ninh lương thực cho quốc gia trong khoảng thời gian gối vụ.
Hiện sản xuất lúa gạo của Việt Nam khá thuận lợi, các nguồn cung đảm bảo ổn định. Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) vẫn theo dõi sát tình hình thời tiết, khí hậu và nhu cầu để kịp thời có chỉ đạo, tính toán, điều hành sản xuất lúa gạo gắn với thị trường, tận dụng tốt thời cơ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/can-tinh-chuyen-lau-dai-5724445.html