Cần tỉnh táo trước thông tin 'cơn bão SO2 tràn vào Việt Nam'
Khi di chuyển ngoài đường, người dân dễ bị khó chịu ở mắt, mũi, họng do nhiều nguyên nhân từ môi trường. Việc quy kết do lưu huỳnh dioxide (SO2) là chưa có cơ sở.
Nhiều ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện thông tin "cơn bão SO2" từ vụ phun trào núi lửa ở Indonesia, đang tràn vào miền Nam nước ta, đe dọa đến sức khỏe người dân. Trang TikTok có tên Kiên Kiến Thức đăng tải nội dung với tiêu đề "Thực tế khí SO2 hủy hoại kinh khủng thế nào tại Sài Gòn".
Trong clip, một thanh niên đang đứng ngoài đường nắng nóng, bên cạnh là dòng kênh có nhiều lục bình đã ngả màu. Người này nói rằng cây lục bình cháy không phải do nắng, sau khi xuất hiện mưa ở TP.HCM thì lục bình mới cháy.
Người đàn ông này lý giải khi khí SO2 tích tụ trong không khí thời gian lâu gặp trời mưa, acid sulfuric (H2SO4) được sinh ra làm cháy lục bình. TikToker này khẳng định khi người dân ra đường lúc trời mưa, không mặc áo mưa da sẽ bị bào mòn, chưa kể lượng SO2 cao, người dân hít vào phổi gặp nước trong phổi rất nguy hiểm.
"Người dân lưu ý khi trời mưa thì không ra đường, rất nguy hiểm. Trong nhà, mọi người nên chuẩn bị máy lọc không khí", TikToker cảnh báo.
Trước đó, một số TikToker đã đăng clip chia sẻ về việc bản thân bị đau họng, đau mắt sau khi đi ngoài đường, nghi do tiếp xúc với khí SO2. Thậm chí, họ còn cảnh báo về khả năng mắc ung thư khi tiếp xúc với SO2.
Tình huống rất khó xảy ra
Trao đổi với Tri thức - Znews, PGS.TS Trần Hồng Côn, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết SO2 khá thông dụng, không phải hiếm thấy. Chúng chủ yếu sinh ra từ hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người như khai thác than, sản xuất công nghiệp, nhiệt điện, khí đốt, đốt pháo.... Ngoài ra, SO2 còn tới từ nguồn thiên nhiên như núi lửa phun trào, cháy rừng.
“Khi núi lửa phun trào, qua tầng có lưu huỳnh tồn tại sẽ cháy và sinh ra khí SO2. Tuy nhiên, hiếm khi xảy ra sự trùng lặp này. Giả sử có xảy ra, SO2 vào khí quyển, di chuyển trong đó sẽ gặp hơi mước, mây, tạo thành axit sunfuric (mưa axit). Tuy nhiên, mưa axit này cũng hiếm khi gặp có độ Ph quá thấp dẫn đến chết cây cối, bào mòn công trình”, PGS Côn nói.
Ông nhấn mạnh trường hợp SO2 từ vụ phun rào núi lửa ở Indonesia đang tràn vào Việt Nam, mà chúng vẫn là SO2 rất khó xảy ra. Nếu SO2 tạo thành cơn mưa axit, chúng có thể gây khó chịu, nóng rát ở mắt nhưng hiện tượng này phải có sự đo đạc, xác nhận của cơ quan chuyên môn, được thông báo cụ thể.
Đồng quan điểm trên, TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, chia sẻ với Tri thức - Znews rằng SO2 là một loại khí nặng, không màu, độc, có mùi hăng và khó chịu. Mùi của nó thường được mô tả tương tự như mùi của que diêm cháy. Nguồn SO2 lớn nhất trong khí quyển là việc đốt nhiên liệu hóa thạch, của các nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp khác.
Như vậy, khí SO2 hoàn toàn có khả năng tồn tại ngoài không khí. Nhưng khi người dân di chuyển ngoài đường, xuất hiện các triệu chứng khó chịu ở mắt, mũi, họng và quy kết do SO2 là chưa có cơ sở. Bởi, phần lớn người dân gặp các triệu chứng trên là do tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ nhiều nguồn. Đặc biệt trong mùa nắng nóng, việc mất nước qua các niêm mạc ở mắt, mũi, miệng là càng khiến cho các bộ phận này dễ bị tổn thương do tác động tử môi trường bên ngoài.
"Nếu triệu chứng xuất hiện ở diện rộng, nhiều người bị cùng lúc và cơ quan khí tượng/môi trường đo được nồng độ SO2 cao bất thường. Lúc này, chúng ta mới có thể nghi ngờ không khí nhiễm SO2", bác sĩ Vinh nói.
Trước đó, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết chưa ghi nhận bão SO2 tràn vào Việt Nam và chưa có dữ liệu nào ghi nhận sự việc trên.
Đừng lo lắng thái quá
Theo bác sĩ Vinh, các cơ quan khí tượng/môi trường luôn đưa ra cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí và các bất thường đột xuất về môi trường qua các phương pháp đo đạt khoa học. Bên cạnh đó, hệ thống y tế cũng sẽ báo động khi có một hiện tượng bất thường xảy ra liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Dựa vào 2 nguồn này, người dân sẽ có được thông tin chính xác.
"Người dân không nên đọc, nghe quá nhiều thông tin từ các nguồn không rõ ràng hoặc không đủ bằng chứng chứng minh, khiến hoang mang, lo sợ quá mức", bác sĩ Vinh nhấn mạnh.
Thêm nữa, bác sĩ Vinh cho biết hầu hết nghiên cứu chỉ ra rằng tiếp xúc lâu dài với SO2, không phải là yếu tố gây ra ung thư.
Tuy nhiên, khí SO2 gây kích ứng da và niêm mạc mắt, mũi, họng và phổi cho người tiếp xúc. Nồng độ SO2 cao có thể gây viêm và kích ứng hệ hô hấp, đặc biệt khi người dân hoạt động thể chất nặng. Khi hít thở sâu, họ có cảm giác khó thở, ho và kích ứng cổ họng.
Trẻ em có nguy cơ tổn thương cao hơn, mắc bệnh hen suyễn khi tiếp xúc với SO2, vì phổi đang phát triển.
PGS Trần Hồng Côn nhận định khi gặp khí SO2, chúng ta ít có biện pháp để không hít phải vì chúng rất nhỏ, có thể lọt qua cả khẩu trang. Do đó, hạn chế tiếp xúc với nguồn phát tán khí SO2 là cách tốt nhất để không bị ảnh hưởng sức khỏe.
Khu vực nhà ở của người dân nên cách xa các địa điểm khai thác quặng, bãi xử lý rác thải. Trong các gia đình, người dân nên hạn chế sử dụng than tổ ong, than hoa… Các gia đình chú ý sử dụng trong môi trường thông thoáng, để hạn chế tiếp xúc với khí độc trong không gian kín.