Cần tính toán khi TPHCM xoay trục ra biển
Mấy ngày nay truyền thông đồng loạt với các bài viết về TPHCM rất hưng phấn như: 'Bỏ dựa vào đất mà hướng ra biển'; 'Xoay trục từ đất liền ra đại dương'; 'TPHCM phải tiến ra biển'; 'Biển là tương lai của TPHCM'… Trong khi đó lãnh đạo TPHCM cho biết sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, quản lý và người dân về đề án này.
Do vậy, lúc này rất cần những tiếng nói của các chuyên gia về đô thị, quy hoạch không gian, kinh tế, môi trường, sinh thái và hải dương học. Họ sẽ hiến kế để làm sao TPHCM tiến ra biển nhưng theo hướng bền vững. Bởi lẽ hơn 20 năm trước, những lời có cánh như “Phố Đông Thượng Hải”; “Kỳ tích hai bờ sông Sài Gòn” cũng dành cho Thủ Thiêm nhưng nay vẫn còn ngổn ngang.
Xoay trục hướng ra biển là đúng
Hội nghị T.Ư 8 (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22-10-2018, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đây là lần đầu tiên khái niệm và nội hàm của “kinh tế biển” được đề cập một cách đầy đủ nhất, và “Phát triển kinh tế biển kết hợp với an ninh quốc gia” được coi là một trong nhiệm vụ đặc biệt quan trọng…
Trên thế giới hiện có chừng 200 quốc gia, trong đó có 45 quốc gia không có biển. Việt Nam là một trong số các nước có biển dài và rộng trên thế giới với trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền; có bờ biển dài 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam và hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; có 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Với một tiềm năng vô cùng lớn lao như thế nên việc xác định đất nước ta cần phải xoay trục ra biển và coi biển là mặt tiền của quốc gia là hoàn toàn đúng đắn cho dù rất muộn.
Vì vậy đánh thức giấc mơ làm giàu từ biển ngày càng trở nên cấp bách và sôi động. Trong mấy năm gần đây, liên tiếp các hội thảo về kinh tế biển được tổ chức, 28 tỉnh thành ven biển khởi động các dự án nhằm khai thác thế mạnh của biển.
Tuy nhiên, do không thống nhất được chiến lược khai thác biển sớm nên mỗi địa phương thực hiện khác nhau, dẫn đến những trục trặc như hiện tượng đứt đoạn của đường giao thông ven biển, bờ biển bị phân lô và ô nhiễm.
Việc hướng ra biển không phải là một phát kiến mới mẻ mà cách nay hơn 30 năm TPHCM đã có chủ trương như thế. Chủ trương này được hiện thực hóa bằng việc phát triển vùng Nam thành phố với một loạt dự án như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, các điểm du lịch sinh thái…
Tuy nhiên cho đến đầu năm 2020, tình hình khu vực này vẫn trầm lắng, cho dù có một vài dự án nhỏ được triển khai. Cho đến cuối 2020, đột nhiên khu vực phía Nam thành phố sôi động và một loạt dự án phục vụ cho “thành phố biển” được tung ra và khởi động trở lại.
Tháng 2-2021, TPHCM đã ban hành 4 quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết 1 dự án tỷ lệ 1/500 có phân khu A, B, C, D, E với tổng diện tích hơn 2.870ha và tổng mức đầu tư lên tới 10 tỷ USD.
Quy mô dân số dự án 228.000 người, với 8,887 triệu lượt khách du lịch/năm. Các sản phẩm của dự án chủ yếu các dòng sản phẩm đô thị (căn hộ, shop, biệt thự…) và một số dòng sản phẩm nghỉ dưỡng (condotel). Thật ra đây là dự án kế thừa một phần của một dự án trước đó triển khai năm 2007 được quy hoạch với quy mô 600ha.
Một dự án khác là Cảng Hiệp Phước có tổng diện tích lên tới 3.900ha, trong đó bao gồm khu công nghiệp, khu đô thị, khu cảng: Khu Đô thị Hiệp Phước với quy mô 1.354ha với dân số dự kiến khoảng 180.000 người; Cảng Hiệp Phước Nhà Bè nằm trên sông Soài Rạp sẽ thay thế hệ thống các cảng Sài Gòn trong nội ô di dời ra và được kỳ vọng sẽ trở thành một cảng lớn nhất thế giới.
Theo đó, huyện Cần Giờ được đề xuất tiến thẳng lên “Thành phố Cần Giờ” mà không lên quận và trở thành một thành phố hiện đại mang chức năng du lịch - dịch vụ - cảng biển. Từ đó hình thành một chuỗi các đô thị mang chức năng kinh tế biển nằm quanh cái phễu của vịnh Cần Giờ là Nhà Bè - Gò Công Đông - Vũng Tàu, và sẽ trở thành một chuỗi đô thị mang tầm vóc quốc tế.
Những điều cần tính toán
Nằm cách trung tâm TPHCM khoảng 50km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Đối với TPHCM, Cần Giờ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Từ thời “khai thiên, lập địa, mở cõi, định cư” đến nay hầu như Sài Gòn - TPHCM không phải chịu một cơn bão nào chính là nhờ rừng ngập mặn Cần Giờ, nó chính là “bộ áo giáp” tự nhiên bảo vệ cơ thể thành phố.
Với gần 80% diện tích của Cần Giờ là rừng nên nó được coi là “lá phổi” của thành phố, góp phần điều hòa khí hậu, ngăn gió nóng, làm cho bầu không khí trở nên mát mẻ.
Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ là 75.740ha, trong đó vùng lõi 4.721ha, vùng đệm 41.139ha và vùng chuyển tiếp 29.880ha. Năm 2000, UNESCO công nhận Cần Giờ là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” và trở thành tài sản không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới, bởi đó không chỉ vì diện tích rừng ngập mặn lớn mà còn là giá trị của đa dạng sinh học với hàng trăm loại động, thực vật quý hiếm, trong đó có hơn 2.000 cá thể khỉ các loại.
Do là vùng đặc biệt “nhạy cảm” nên UNESCO và các chuyên gia quốc tế khuyến cáo mức độ thận trọng đặc biệt khi phát triển khu này.
Một số chuyên gia cho rằng, các dự án ở Cần Giờ không ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển, bởi không sử dụng đất nguyên thủy mà lấn ra bên ngoài, nhưng khu lấn ra gần 3.000ha này không phải ở ngoài biển xa tít tắp mà nó phải gắn liền với phần đất đã có, điều này giống như trồng răng mới trên hàm đã có.
Hiện nay huyện Cần Giờ có chừng 70.000 dân, theo tính toán nếu sau khi các dự án đi vào hiện thực vùng đất này sẽ có dân số tĩnh và động gia tăng lên đến gần 10 triệu người (trong đó có khoảng 9 triệu khách du lịch).
Với chừng ấy con người và hoạt động của họ trong sản xuất, sinh hoạt, vui chơi giải trí, lễ hội chắc chắn sẽ gây tác động tới môi trường và sẽ làm tổn hại đến rừng ngập mặn cũng như ít nhiều hệ thực vật và động vật bị tác động.
Để chuyển tải được 10 triệu người mỗi năm thì hệ thống giao thông hiện nay phải được làm mới là điều chắc chắn. Trong đó đường Metro số 4 bắt đầu từ ga Bến Thành và ga cuối nằm tại Khu đô thị – cảng Hiệp Phước đã được tính toán đến.
Hiện đã có đường trục từ trung tâm thành phố đi qua rừng ngập mặn Cần Giờ, còn gọi là đường rừng Sác dài 36,5km rộng 30m với 6 làn xe. Với việc xoay trục ra biển thì hệ thống giao thông hiện nay là quá nhỏ bé, hoặc phải nâng cấp mở rộng đường rừng Sác thành 12 làn xe, hoặc mở thêm đường song hành, hoặc đường trên cao…
Từ các cảng mỗi ngày sẽ có hàng ngàn xe qua lại, trong đó có cả xe siêu trường siêu trọng. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhất là động thực vật.
Kinh nghiệm ở Cà Mau cho thấy hơn 8.000ha đất rừng phòng hộ bị mất là do lớp rừng bên ngoài bị người dân chặt phá dẫn đến xói lở, sau đó rừng cứ mất dần từng mảng. Do vậy việc phát triển kinh tế biển và bảo vệ “lớp áo giáp” cho TPHCM là một bài toán nan giải giữa tăng trưởng nóng và thuận thiên.