Cạn tình với công nhân

Khi tranh chấp chưa được giải quyết, công ty lại điều động 2 xe container âm thầm tẩu tán tài sản trong đêm

Trở lại làm việc sau Tết, hơn 400 công nhân (CN) tại chi nhánh 2 của Công ty TNHH May thời trang Gia Phú (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM), hết sức hoang mang khi được thông báo chi nhánh sẽ đóng cửa. Toàn bộ CN đang làm việc tại đây sẽ được chuyển sang làm việc tại trụ sở chính (quận Tân Phú, TP HCM) hoặc chi nhánh 3 (quận Bình Tân), nếu ai không đồng ý thì nộp đơn nghỉ việc. Việc công ty thông báo di dời đột ngột và không rõ ràng trong việc chi trả quyền lợi đã khiến tập thể CN bức xúc.

Mập mờ lương, thưởng

Tại buổi làm việc với đại diện công ty và đoàn công tác 2 quận Tân Phú và Bình Tân, TP HCM chiều 10-2, hàng loạt bức xúc đã được tập thể CN nêu ra, trong đó nổi cộm là vấn đề đơn giá gia công và thu nhập từ việc tăng ca.

Theo phản ánh của nhiều CN, dù trả lương theo sản phẩm nhưng công ty không công khai đơn giá và điều này khiến họ vô cùng bất mãn. Minh chứng rõ nhất là trong tháng 12-2019, tập thể CN cũng đã ngừng việc để yêu cầu ban giám đốc phải minh bạch cách trả lương. Khi đó, lãnh đạo công ty cam kết với các cơ quan chức năng sẽ công khai đơn giá sản phẩm nhưng cuối cùng nuốt lời. "Có tháng, CN chúng tôi tăng ca hơn 70 giờ nhưng thu nhập chỉ được hơn 3 triệu đồng. Vì quá ấm ức nên có CN nhận lương xong chỉ biết khóc" - CN Trần Thị Mến bức xúc nói.

Công nhân chi nhánh 2 của Công ty TNHH May thời trang Gia Phú, bám trụ nhà xưởng để ngăn doanh nghiệp tẩu tán tài sản

Công nhân chi nhánh 2 của Công ty TNHH May thời trang Gia Phú, bám trụ nhà xưởng để ngăn doanh nghiệp tẩu tán tài sản

Cũng theo phản ánh của CN, liên tục 5 tháng vừa qua, tháng nào họ cũng bị trừ tiền (từ 200.000 đến 1 triệu đồng/người/tháng) mà không biết lý do. Khi CN thắc mắc, lãnh đạo công ty giải thích đang gặp khó khăn và đề nghị người lao động (NLĐ) chia sẻ. Bức xúc khác của NLĐ là Tết nguyên đán vừa qua, công ty chỉ thưởng Tết cho CN làm việc tại 2 chi nhánh kia, còn tại chi nhánh 2 thì CN không được thông báo. Khi CN tại chi nhánh ngừng việc phản ứng thì công ty mới đồng ý thưởng Tết, song mức thưởng chỉ khoảng 60% thu nhập bình quân hằng tháng.

Hành xử thiếu thiện chí

Tận tâm cống hiến cho doanh nghiệp (DN) thời gian dài nhưng được đối đãi không tương xứng, nên tất cả CN không còn muốn tiếp tục gắn bó với công ty. Do vậy, đại diện NLĐ đã yêu cầu công ty phải công khai đơn giá sản phẩm trước khi thanh toán lương tháng 1-2020; trả lương những ngày nghỉ Tết và chờ việc do di dời xưởng; đồng thời hỗ trợ thêm 1 tháng tiền lương cho CN nghỉ việc do không đồng ý đến địa điểm mới làm việc.

Phản hồi ý kiến của NLĐ, ông Ngô Thanh Hoàng, đại diện công ty, hứa sẽ công bố đơn giá sản phẩm vào chiều 11-2. Tiền lương tháng 1-2020 sẽ được chi trả vào ngày 13-2. Công ty cũng sẽ thanh toán lương những ngày nghỉ Tết và lương ngừng việc theo mức lương cơ bản. Riêng kiến nghị hỗ trợ 1 tháng lương để CN tìm việc làm mới, phía công ty không đồng ý. Trước cách giải quyết không thỏa đáng này của lãnh đạo DN, tập thể CN không đồng ý trở lại làm việc. Điều đáng nói là khi tình hình quan hệ lao động diễn biến hết sức căng thẳng thì tối 10-2, lãnh đạo công ty lại điều động 2 xe container đến di chuyển vật tư và máy móc ra khỏi chi nhánh 2. Hành vi này của công ty đã bị tập thể CN phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Chiều 11-2, khi công ty có thông báo về đơn giá sản phẩm, tập thể CN bày tỏ bức xúc bởi quyền lợi họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo tập thể CN, đơn giá các khâu đều bị giảm đáng kể, chẳng hạn ráp 2 bên sườn áo đầm (2 lớp) từ 450-500 đồng/áo nay giảm còn hơn 300 đồng/áo, ráp dây kéo từ 700-800 đồng giảm còn 390 đồng... tính ra công may 1 áo đầm thành phẩm chỉ được trả khoảng 9.000 đồng. Thậm chí cùng 1 mã hàng đang gia công nhưng đơn giá đưa ra cũng thấp hơn so với tháng trước. "Với đơn giá này, CN may lành nghề dù làm việc từ 6 giờ sáng đến 9 giờ tối thì thu nhập đạt được chưa bằng lương tối thiểu vùng. Công ty trả lương cho CN theo sản phẩm, tăng ca không trả tiền làm thêm giờ mà xây dựng đơn giá như vậy là không thỏa đáng" - chị Phạm Thị Kim Nương bức xúc. Do 2 bên không tìm được tiếng nói chung về đơn giá gia công cũng như các giải pháp xử lý tình trạng tại chi nhánh hiện thời nên nhiều CN quyết định nộp đơn khởi kiện DN ra tòa.

Phớt lờ khuyến cáo

Theo ông Nguyễn Quang Hiệp, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Tân Phú, khi biết hợp đồng thuê mặt bằng của chi nhánh 2 sẽ hết hạn vào ngày 30-3, LĐLĐ quận đã khuyến nghị DN phải thực hiện đúng quy định khi chuyển địa điểm làm việc, tái cơ cấu lao động theo quy định và sớm thông báo cho NLĐ biết nhưng công ty không thực hiện. "Hiện chúng tôi vẫn cử cán bộ theo dõi tình hình tại DN để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ. Chúng tôi cũng đang rà soát danh sách lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ, có hoàn cảnh khó khăn để sớm có giải pháp chăm lo" - ông Hiệp cho hay.

Bài và ảnh: MAI CHI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/can-tinh-voi-cong-nhan-20200212202357911.htm