Mối lo doanh nghiệp gặp khó khi khâu chính sách vẫn chưa 'đồng điệu'
Trong bối cảnh vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn, dễ bị tổn thương, điều làm cho các doanh nghiệp lo ngại là khâu chính sách chưa thật sự 'đồng điệu' trong quá trình hỗ trợ phục hồi và giúp phát triển, thậm chí có thể tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
Khi nhìn lại tình hình kinh tế - kinh doanh ở Việt Nam trong 4 năm trở lại đây (2020 – 2024), Ts. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, có lưu ý các doanh nghiệp (DN) còn đối mặt với 4 khó khăn chính.
Vẫn còn đối mặt nhiều khó khăn
Thứ nhất là về pháp lý, đâu đó tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm dù đã “đỡ” đi rồi nhưng hiện nay xử lý công vụ vẫn còn rất chậm. Thứ hai là vấn đề tài chính, kể cả lạm phát giảm, lãi suất bắt đầu giảm, nhưng nghĩa vụ tài chính vẫn ở mức rất cao.
Thứ ba là chi phí đầu vào liên tục tăng trong thời gian vừa qua, gần đây tuy có đi ngang nhưng về cơ bản vẫn rất cao so với giai đoạn trước. Thứ tư là một số ngành đang bắt đầu thiếu hụt lao động, đơn hàng phục hồi thiếu bền vững.
“Số lượng DN tạm thời đóng cửa trong những năm vừa qua tăng khá nhiều. Năm 2024 này mặc dù đã tốt lên nhưng số DN tạm rút lui trong 10 tháng đầu năm nay vẫn tăng khoảng 14%”, ông Lực nói.
Từ những chia sẻ nêu trên để thấy còn nhiều điều cần làm trong khâu chính sách để hỗ trợ các DN Việt tiếp tục vượt khó trong thời gian tới. Nhất là trong hơn một tháng trở lại đây số DN gia nhập thị trường đang dần có sự cải thiện, rất cần thêm những động tác “tiếp sức” tích cực hơn nữa.
Như số liệu mới đưa ra từ Tổng cục Thống kê cho thấy số DN đăng ký thành lập mới tháng 10/2024 tăng trở lại sau ba tháng sụt giảm liên tiếp (tháng 7/2024 giảm 6,3%; tháng 8/2024 giảm 15,2%; tháng 9/2024 giảm 16,3%) với gần 14,2 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 26,5% về số DN so với tháng 9/2024.
Đứng ở góc độ quản lý trong ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tp.HCM, cho rằng để hỗ trợ các DN nhỏ và vừa đòi hỏi phải đúng đối tượng, đúng địa chỉ, có như vậy chính sách tín dụng mới phát huy hiệu quả.
“Đặt ra như thế không phải gây khó DN mà là giúp cho họ phát triển. DN muốn hưởng thụ chính sách thì cũng phải thường xuyên đổi mới để đáp ứng chính sách”, ông Lệnh bộc bạch.
Cũng theo vị phó giám đốc này, những gì khó khăn về mặt chính sách rất cần các DN phản ánh, trao đổi kịp thời để chỉnh sửa chính sách được tốt hơn nhằm giúp cho DN và nền kinh tế tăng trưởng.
Tuy vậy, xét về chính sách hỗ trợ tín dụng, một số chủ DN phản ánh đến nay vẫn không dễ để vay gói lãi suất ưu đãi 3 - 4%. Ngoài ra, như chia sẻ của ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc CTCP Sản xuất và Xuất nhập khẩu Lâm Sản Sài Gòn, việc định giá tài sản để vay vốn từ phía ngân hàng quá khắt khe, có những lúc không thể nghĩ rằng họ lại định giá thấp như thế được. Điều này rất cần phía Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ, nhất là việc định giá phải theo thời giá và theo thực tế, để DN không tiếp tục gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn.
Ngoài việc khó tiếp cận vốn vay và chính sách tín dụng ưu đãi, thực tế cho thấy trước những biến động khó lường như thời gian qua, cộng với áp lực cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa nhập khẩu giá rẻ khiến cho sức chống chịu của các DN nội địa ngày càng suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn.
Do đó, giai đoạn này, điều mà các DN Việt mong đợi là khâu chính sách cần hướng tới tiếp tục hỗ trợ họ phục hồi, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho DN thay vì ban hành các quy định mới mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu (XK).
Đừng để doanh nghiệp tổn thương
Đơn cử như vào trung tuần tháng 11/2024, góp ý vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) đã chỉ rõ quy định áp dụng toàn bộ trách nhiệm của DN sản xuất, nhập khẩu hàng hóa để lưu thông trên thị trường cho các DN sản xuất hàng XK là không phù hợp.
Bởi lẽ, trong dự thảo nêu trên đã bổ sung nhiều quy định áp dụng toàn bộ trách nhiệm của nhà sản xuất cho hàng XK. Trong khi đó, quy định hiện hành là không áp dụng cho hàng hóa XK (các quy định hiện hành của Việt Nam cũng quy định rõ hàng XK chỉ cần đáp ứng quy định của nước nhập khẩu).
“Việc áp dụng máy móc các quy định kiểm soát chất lượng đối với hàng tiêu thụ trong nước cho cả hàng XK không chỉ làm đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, mà còn làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa XK Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh ở các nước khác, giảm kim ngạch XK, giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thu hút ngoại tệ”, phía Vasep nêu rõ.
Hơn nữa, xét về thông lệ quốc tế, hiện nay, hầu hết các quốc gia đều không áp dụng quy định tương tự cho DN sản xuất hàng XK. Còn xét về cơ sở thực tiễn, DN không thể đáp ứng song song hết các quy định của các nước nhập khẩu và quy định của Việt Nam, đặc biệt là trong trường hợp các quy định của Việt Nam mâu thuẫn hoặc không phù hợp với quy định của nước nhập khẩu. Đồng thời DN cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí của DN để đáp ứng nhiều quy định cùng một lúc, dẫn đến mất cơ hội kinh doanh.
Hoặc như hiện tại đang có Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 20/2023/TT-BTC quy định mức thu nộp, quản lý và sử dụng phí duy trì sử dụng tài nguyên Internet, lệ phí phân bổ, cấp tài nguyên Internet.
Điểm chú ý, theo quy định hiện hành và cả trong Dự thảo này, để sử dụng tên miền quốc gia, các DN sẽ phải nộp lệ phí đăng ký sử dụng tên miền “.vn” (thu khi đăng ký lần đầu) và phí duy trì sử dụng tên miền (thu hàng năm ngay từ năm đầu tiên). Như vậy, các DN sẽ phải trả số tiền lớn hơn để có thể bắt đầu sử dụng tên miền năm đầu tiên và số tiền ít hơn để duy trì trong các năm tiếp theo.
Theo góp ý mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để hỗ trợ tạo điều kiện cho hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số như chủ trương của Chính phủ, đề nghị cân nhắc điều chỉnh phương án thu phí và lệ phí tên miền theo hướng giảm tối đa số tiền DN phải trả trong năm đầu tiên, hoặc có thể tính đến phương án miễn phí duy trì tên miền trong năm đầu tiên.
Tựu trung, điều mong mỏi các DN nội địa là khâu chính sách nên có sự “đồng điệu” nhằm tạo động lực và tinh thần kinh doanh cho họ trong bối cảnh dễ bị tổn thương trước những khó khăn, trong đó có cả những thay đổi về chính sách.