Cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68
Chiều 22.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân trong 2 năm 2019 - 2020.
Ảnh: Quang Khánh
Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 68, Chính phủ, Bộ Y tế cơ bản đã hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết, trong đó một số kết quả nổi bật. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như: dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, người lao động không có việc làm; các địa phương gặp khó khăn trong bố trí ngân sách để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT; tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHYT vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương và vẫn còn tư tưởng chỉ khi ốm đau mới tham gia BHYT. Việc phát triển hệ thống y tế cơ sở và thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực; cơ chế tài chính chưa khuyến khích việc phát triển cung cấp dịch vụ tại trạm y tế xã. Do giá dịch vụ y tế chưa tính đúng, tính đủ (chưa có chi phí quản lý và chi phí khấu hao) nên chưa thể hoàn thành việc chuyển chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT theo lộ trình. Đào tạo bác sĩ gia đình còn hạn chế về quy mô, chương trình đào tạo, đặc biệt là vấn đề thực hành về y học gia đình. Nhân lực chuyên trách thanh tra ít và phải đảm nhiệm việc thanh tra trong nhiều lĩnh vực với số lượng đối tượng thanh tra lớn.
Chính phủ xin kiến nghị với Quốc hội các nội dung như sau: nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi Nghị quyết số 68 để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; bố trí nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế cơ sở; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về BHYT nhằm mở rộng bao phủ, thực hiện đúng quy định về giám định, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, bảo đảm sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác Quản lý sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và Việc thực hiện Nghị quyết 68/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau 8 năm thực hiện, 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu và 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần theo Nghị quyết 68. Nhìn chung, các chỉ tiêu đã hoàn thành là các chỉ tiêu được xác định tại các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu chưa đạt liên quan đến cơ chế đầu tư, hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, còn một số tồn tại, hạn chế như sau: mức đóng BHYT của một số nhóm đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ đóng BHYT thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong khi nhóm đối tượng này chiếm 58% tổng số đối tượng tham gia BHYT, mức quyền lợi BHYT cao hơn nhóm đối tượng khác và phạm vi quyền lợi ngày càng được mở rộng.
Vẫn còn tình trạng NSNN chậm chuyển kinh phí đóng BHYT cho đối tượng được NSNN đóng hoặc hỗ trợ tại một số địa phương; chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ phía cơ sở khám chữa bệnh, người bệnh và cả cán bộ thực hiện BHYT. Một số cơ sở khám chữa bệnh do lo ngại việc không được thanh toán các chi phí vượt dự toán được giao nên có tình trạng chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chỉ khám chữa bệnh BHYT cầm chừng, kê đơn để bệnh nhân mua thuốc ngoài BHYT, đặc biệt là khi thực chi đã gần chạm hoặc vượt ngưỡng được giao.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội kiến nghị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết KT-XH để giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như: đầu tư nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng; điều chỉnh mức đóng BHYT cho các nhóm đối tượng phù hợp với khả năng chi trả của người dân và NSNN. Tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế, ưu tiên dành NSNN để hỗ trợ người dân tham gia BHYT, ưu tiên ngân sách cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở (trạm y tế xã, bệnh viện huyện), công tác y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68 làm cơ sở để đưa ra kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết phù hợp với tình hình mới; sớm trình Quốc hội dự án Luật BHYT (sửa đổi) và Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi); chỉ đạo hoàn thiện văn bản dưới luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
* Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận ở Tổ về hai nội dung trên.