Cần trao quyền cho bệnh viện tự chủ được quyết định tổ chức bộ máy và tài chính

Hội đồng Y khoa là một tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này, phù hợp thông lệ quốc tế. Đây là nhấn mạnh của đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ở hội trường sáng nay 24-10 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Theo bác sĩ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), trong giai đoạn đầu tiên nên do Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành. Hội đồng Y khoa cần độc lập nhưng phải bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng, sai trong các tai biến y khoa. Theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, hiện nay các tai biến y khoa, đặc biệt là các tai biến y khoa cơ sở ngoài công lập đang xử lý rất lúng túng, vì vậy cần một sự công bằng trong toàn hệ thống, phải ủng hộ sự phát triển của hệ thống ngoài công lập.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Về việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cần phải có quy định với mục tiêu là tính đúng, tính đủ nhưng không làm tăng chi phí cho người dân. Để các cơ sở, bệnh viện tự chủ được thì cần tính đủ chi phí khám, chữa bệnh, số tiền bù ra sẽ là do ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, nhiều người cũng thấy ngỡ ngàng khi nghe tin Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K là những bệnh viện lớn, nơi có đầy đủ các điều kiện, thế mạnh để thực hiện tự chủ thì lại xin thôi để quay về được hưởng bao cấp từ ngân sách.

Các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo khách hàng lựa chọn, nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

Phần lớn các y, bác sĩ mong muốn bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúngchủng loại để thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện, không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị. Trong điều kiện làm việc như thế, nếu họ được hưởng mức thù lao xứng đáng với công sức và đóng góp thì họ sẽ toàn tâm toàn ý, dành hết năng lực của bản thân trong công tác khám, chữa bệnh tại bệnh viện mà không phải chân trong chân ngoài.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đông đảo các bệnh nhân mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa bệnh và điều trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Tuy nhiên, vì không được đáp ứng nên họ phải ra nước ngoài hoặc phải sang khám, điều trị tại các bệnh viện tư hoặc bệnh viện quốc tế. Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác, phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

“Tôi hy vọng rằng những bất cập về cơ chế quản lý như nêu trên sẽ được giải quyết thấu đáo khi sửa Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này. Tuy nhiên, nội dung dự thảo luật thì những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn, tay nghề cao, có danh tiếng và uy tín, thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao vẫn đang là một khoảng trống” - đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nêu ý kiến.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để tự chủ bệnh viện

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề xuất nhiều cơ chế, chính sách để tự chủ bệnh viện

Do vậy, ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định rõ, tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định trong hoạt động khám, chữa bệnh được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện; tự chủ quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện, kể cả nguồn tài chính do ngân sách đầu tư.

Luật cũng cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám, chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ, với nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh phải đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật và trong khung giá dịch vụ y tế do Nhà nước ban hành. Mức giá dịch vụ khám, chữa bệnh chỉ khác nhau dành cho các đối tượng có sự lựa chọn khác nhau về điều kiện phục vụ đi kèm cũng như việc lựa chọn thuốc, thiết bị y tế có nguồn gốc, xuất xứ khác nhau.

Các đại biểu cũng đề nghị cần quy định cơ chế trong quản lý, giám sát hoạt động của các bệnh viện tự chủ về cơ cấu tổ chức, vai trò, chức năng của hội đồng quản lý bệnh viện, của giám đốc bệnh viện, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá người lao động…

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/138132/can-trao-quyen-cho-benh-vien-tu-chu-duoc-quyet-dinh-to-chuc-bo-may-va-tai-chinh