Cần trao quyền cho các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính
Trong khi các bệnh viện tuyến trên không gặp quá nhiều khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính thì các bệnh viện tuyến dưới lại khá chật vật trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, giữ chân bệnh nhân tại tuyến dưới… khi giải bài toán tự chủ bệnh viện.
NDĐT – Trong khi các bệnh viện tuyến trên không gặp quá nhiều khó khăn trong việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính thì các bệnh viện tuyến dưới lại khá chật vật trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, giữ chân bệnh nhân tại tuyến dưới… khi giải bài toán tự chủ bệnh viện.
Tự chủ tài chính, các bệnh viện tuyến trên thu hút bệnh nhân
Theo Bộ Y tế, hiện nay, các bệnh viện đã tự chủ được 80-90% chi thường xuyên. Bốn bệnh viện thuộc Bộ Y tế, gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện K được thực hiện thí điểm cả chi đầu tư và chi thường xuyên.
Sau khi thực hiện tự chủ tài chính toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, năm 2018, Bệnh viện K tiếp đón hơn bốn trăm nghìn lượt khám bệnh (tăng gần 50% so với thời điểm trước năm 2016), điều trị nội trú cho hơn 45 nghìn người bệnh (tăng hơn 20% so với thời điểm trước năm 2016). Năm 2018, doanh thu tăng 20% và tỷ lệ hài long của người bệnh đạt tới 91,5%.
Để nỗ lực thu hút bệnh nhân, bệnh viện đã áp dụng triển khai rất nhiều kỹ thuật mới, công nghệ cao như chụp PET/CT phục vụ chẩn đoán và đánh giá giai đoạn bệnh, ứng dụng hệ thống xạ trị gia tốc đa lá, đa mức năng lượng, dưới hướng dẫn CĐHA… Bệnh viện K đã đưa vào triển khai hệ thống phẫu thuật nội soi Robotic, phẫu thuật Gamma knife, khu điều trị mới I-131
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã thực hiện tự chủ tài chính nhiều năm qua. Theo ông Trịnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cơ chế tự chủ tài chính giúp bệnh viện chủ động nguồn tài chính, đáp ứng đầy đủ và kịp thời các hoạt động chuyên môn, phát triển chuyên môn kỹ thuật; triển khai dịch vụ kỹ thuật mới chuyên sâu.
Bệnh viện cũng đã dành nguồn kinh phí để nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, cũng như cải tiến kỹ thuật để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh… Từ tự chủ tài chính, bệnh viện đã dành một nguồn kinh phí đáng kể để đào tạo cán bộ tại chỗ, đào tạo cán bộ, viên chức của mình. “Mỗi năm chúng tôi đã đào tạo cho khoảng trên 5.000 lượt cán bộ y tế, góp phần làm chất lượng khám chữa bệnh của cả hệ thống nhi khoa được nâng lên và người bệnh chính là người được hưởng lợi”, ông Hải cho hay.
Ông Hải đánh giá, với việc tăng sự hài lòng của người bệnh qua từng năm, bệnh viện đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong nâng cao chất lượng bệnh viện, hiện đang đạt 4,25 điểm trong Bộ 83 Tiêu chí chấm điểm của Bộ Y tế. Là bệnh viện đầu ngành về nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương luôn trong tình trạng quá tải, nhưng hiện bệnh viện đã đạt đến chuẩn bốn sao. Cơ chế tự chủ tài chính đã giúp đời sống cán bộ, nhân viên y tế, người lao động được nâng lên.
Cần trao quyền cho các bệnh viện
Cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đã từng bước phát huy tính năng động của một số bệnh viện. Nhưng trái ngược với những bệnh viện tuyến trên đang trên đà phát triển nhờ tự chủ tài chính, nhiều bệnh viện tuyến huyện đã khó lại càng khó hơn khi thực hiện tự chủ.
Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế tự chủ chưa toàn diện khi có không ít cơ sở y tế không được tự chủ trong tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao, mua sắm thiết bị; vướng mắc về quy trình và thời gian phê duyệt các hoạt động mua sắm chậm trễ, kéo dài; giá viện phí chưa hợp lý; mâu thuẫn thanh toán BHYT giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và bệnh viện.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cho biết, Nhà nước không bắt buộc các đơn vị phải thực hiện tự chủ tài chính theo một mẫu chung rập khuôn, các đơn vị đều được thực hiện tự chủ tài chính nhưng theo bốn nhóm, mỗi nhóm có mức độ tự chủ khác nhau.
“Để giảm bớt áp lực cho các đơn vị trong thực hiện tự chủ tài chính, tôi cho rằng cần phân loại đơn vị để giao tự chủ theo đúng khả năng của đơn vị, không giao cho đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên khi nguồn thu của đơn vị chưa đủ để bảo đảm hoạt động thường xuyên. Riêng đối với Trung tâm y tế huyện đa chức năng, ngân sách nhà nước cần tiếp tục cấp cho các hoạt động dự phòng, nâng cao sức khỏe, an toàn thực phẩm, dân số, hoạt động của trạm y tế xã”, ông Liên nói.
Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế cần phải rành mạch giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người dân, giá dịch vụ phải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, bảo đảm công bằng giữa các đối tượng. Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn về thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần sớm được sửa đổi theo hướng phát huy quyền tự chủ toàn diện.
Để bảo đảm cho các bệnh viện thực hiện tự chủ hiệu quả cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt đối với các bệnh viện tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư. Cần trao quyền cho bệnh viện công tác nhân sự, tăng mức phân cấp đối với các dự án đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, bảo đảm thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn để người bệnh được hưởng lợi. Song song đó, phải xây dựng các quy trình, quy chế để kiểm soát, giám sát việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ Y tế cho biết, trong thời gian tới, việc tự chủ phải tiến hành phân loại và giao quyền tự chủ cho các đơn vị theo các nguyên tắc xây dựng tiêu chí dựa trên khả năng thu và dự toán chi theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức; có quy định, hướng dẫn cụ thể về phân loại và giao tự chủ cho các bệnh viện có nhiều cơ sở trực thuộc. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ phối hợp các bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện.
Trong kế hoạch năm 2020, Bộ Y tế cũng sẽ tiến tới tăng cường trao quyền tự chủ toàn diện về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Bộ Y tế đang đề xuất Bộ Tài chính phối hợp Bộ Y tế xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đối với Trung tâm Y tế huyện đa chức năng (khám chữa bệnh, y tế dự phòng, dân số, an toàn thực phẩm) để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp y tế theo Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương.