Cần trao quyền cho địa phương để dự án cộng đồng lâu bền, vững mạnh

Tại buổi chia sẻ về các hoạt động vì cộng đồng, người sáng lập dự án Nuôi em Hoàng Hoa Trung đã chia sẻ về chiến lược để duy trì bền bỉ và lan truyền việc tốt, sự tử tế.

Những năm qua nhiều dự án cộng đồng thiết thực được công chúng quan tâm và ủng hộ như Nuôi em, Nhà chống lũ, Hạnh phúc Xanh, ATM sự tử tế... Nhân dịp đầu năm mới, vào ngày mùng cuối cùng của Tết Giáp Thìn, tức tối ngày 19/2, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Sáng lập dự án ATM sự tử tế, ông Hoàng Hoa Trung - Sáng lập dự án Nuôi em, MC-nhà báo Diễm Quỳnh cùng nhiều khán giả đã chia sẻ về hành trình lan tỏa việc tử tế.

Rất nhiều người đang thực hiện các hoạt động vì cộng đồng cũng bày tỏ băn khoăn về cách nuôi dưỡng, phát triển dự án.

 Hình ảnh tại một ATM sách cộng đồng của Thái Hà Books. Ảnh: Việt Linh.

Hình ảnh tại một ATM sách cộng đồng của Thái Hà Books. Ảnh: Việt Linh.

TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ về hành trình ra đời các ATM đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19: từ ATM gạo, ATM sách, sau đó là ATM sự tử tế, ATM giếng nước, ATM cây gậy trắng. Các hoạt động ngày càng lan rộng đến nhiều vùng miền, tỉnh thành Việt Nam và cả một số nước bạn như Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Srilanka và Campuchia.

Nhiều người tham dự đã chia sẻ về trải nghiệm lan tỏa tinh thần làm việc tử tế. Ông Đức Tuấn nhiều năm sinh sống tại Séc kể về hoạt động tặng sách trong cộng đồng kiều bào tại Séc. Ông nhận định "làm việc tử tế thì luôn có người hỗ trợ động viên" nhưng khó khăn gặp phải là vận chuyển tốn kém. Sau đó thì mỗi người bớt chút hành lý không thực sự cần thiết, lại đem được sách từ Việt Nam qua và cùng đọc, cùng chia sẻ về sách.

Trao quyền cho địa phương để dự án dài hơi

 Buổi giao lưu đầu năm về sự tử tế được tổ chức qua nền tảng Zoom và livestream trên Facebook.

Buổi giao lưu đầu năm về sự tử tế được tổ chức qua nền tảng Zoom và livestream trên Facebook.

Trong buổi giao lưu, MC-nhà báo Diễm Quỳnh và rất nhiều người tham dự đã bày tỏ sự quan tâm đến quá trình phát triển của dự án Nuôi em. Ông Hoàng Hoa Trung - người sáng lập dự án trả lời rằng một trong những tôn chỉ của Nuôi em là luôn có nỗ lực chủ động tự thân, không chờ đợi và phụ thuộc vào các nhân tố bên ngoài.

Ông kể về những ngày đầu làm dự án vì cộng đồng, phải đi từ những điều rất nhỏ, như quyên góp xoong nồi cũ bán lấy tiền làm từ thiện. Từng bước một vững chắc, Nuôi em đã có một "profile" khủng như sau này, và trong 2 năm gần đây được nhiều nghệ sĩ quan tâm, đồng hành, càng lan rộng sức hút trong cộng đồng.

Gọi Việt Nam là "đất nước của rất nhiều người giúp nhau", ông Trung nói rằng Nuôi em nhận được đa dạng sự ủng hộ: từ những người biết dự án qua đài phát thanh, bớt đi 3 cốc trà sữa, 3 cốc cà phê mỗi tháng cho các em nhỏ, đến các doanh nghiệp quy mô từ nhỏ lẻ, gia đình đến công ty lớn, đều thu vén phù hợp với khả năng để đồng hành cùng dự án.

Ông Trung khấp khởi cho biết rằng có thể năm 2024 sẽ đánh dấu cột mốc không còn điểm trường nhà tranh vách nứa nào trên cả nước. Rất nhiều trường học đồng thời cũng trang bị đầy đủ phòng tin học và thư viện, tủ sách nhờ các dự án quyên tặng laptop, máy tính cũ và sách. Đây là thành quả của nhiều đội nhóm, dự án xây trường.

TS Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh rằng làm sao để dự án dài hơi, sống tiếp là trăn trở của rất nhiều người sáng lập, doanh nhân chủ của các quỹ, dự án vì cộng đồng. Ông tâm đắc với ý tưởng "xây mô hình, để mô hình tự chạy" của ông Hoàng Hoa Trung.

Cụ thể hơn, ông Trung cho biết khi dự án ngày một phát triển, người sáng lập càng gắn với vai trò làm đầu mối để tối ưu công việc. Riêng Nuôi em đã và đang tiếp tục hướng đến trao lại dự án cho địa phương, trực tiếp chuyển những gì quyên góp, ủng hộ cho người cần, người nhận.

Xa hơn nữa, dự án tuyển chọn nhiều đồng bào tại địa phương, cho nguồn nhân lực này tiếp quản và nhân rộng mô hình. Hiện 14 trên 24 tỉnh thành của Nuôi em, các đội nhóm địa phương đã trực tiếp vận hành và phát triển hoạt động.

Phong Khang

Nguồn Znews: https://znews.vn/can-trao-quyen-cho-dia-phuong-de-du-an-cong-dong-lau-ben-vung-manh-post1460847.html