Cẩn trọng hàng trôi nổi 'đội lốt' hàng thật
Nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân gia tăng từng ngày. Tuy vậy, thời điểm tết đến xuân về cũng là cơ hội cho những gian thương trà trộn hàng dỏm với hàng thật để lừa người mua.
Bánh mứt trôi nổi, sữa giả…
Ngày 22-1, theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM, các đội QLTT vừa ra quân, kiểm tra đồng loạt 3 điểm kinh doanh trên địa bàn quận 1, quận 3 và Phú Nhuận, thu giữ hàng trăm kg thực phẩm trôi nổi, cùng các mặt hàng giả mạo thương hiệu. Cụ thể, lực lượng QLTT phối hợp Công an phường 5, quận 3 tiến hành kiểm tra, phát hiện hộ kinh doanh T.L. nằm trên đường Nguyễn Thượng Hiền trữ 230kg mứt gừng dẻo trôi nổi (không ghi xuất xứ, hạn sử dụng, nhãn hàng hóa…). Tại quận Phú Nhuận, lực lượng QLTT phối hợp Công an phường 8 tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh G.H. trên đường Trương Quốc Dung, phát hiện nhiều bao bì gói sẵn (gồm táo khô, hạt điều, óc chó…) không hóa đơn chứng từ, không nhãn phụ tiếng Việt.
Ghi nhận tại một số trang mạng xã hội, nhiều mặt hàng bánh kẹo tết có tên khá giống nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới được bán giá rẻ, chỉ bằng 30%-40% giá hàng chính hãng. Tất nhiên, đây chỉ là các thương hiệu nhái, “ăn theo” hàng thật. Ví dụ như Damisa (hàng thật là Danisa), Oreon (hàng thật là Oreo)… “Hàng nhái tràn lan, giá rất rẻ, khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận. Thông thường, các sản phẩm này được đưa về khu vực ngoại thành, tỉnh xa để bán cho bà con. Chúng tôi rất bức xúc về tình trạng lừa đảo khách hàng một cách trắng trợn như vậy, chưa kể chất lượng bánh kẹo ra sao, có đảm an toàn hay không cũng là điều đáng quan tâm”, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng bánh kẹo cho hay.
Cao điểm kiểm tra, xử lý quyết liệt
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán. Đây cũng là thời gian cao điểm các lực lượng liên ngành chức năng trên địa bàn TPHCM kiểm tra, xử lý vi phạm, gian lận thương mại. Theo ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, đơn vị đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan (công an, quận, huyện…) tăng cường giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo ổn định thị trường hàng hóa tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu, trên địa bàn TPHCM. Trong đó, lực lượng QLTT tập trung rà soát, theo dõi các phiên livestream bán hàng để lần ra các đầu mối kinh doanh hàng nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu… Đối với các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng nhỏ lẻ… trên địa bàn TPHCM, lực lượng QLTT TPHCM cho biết thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến người bán hàng, định hướng tiểu thương kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng.
Trong năm 2023, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra gần 72.000 vụ, phát hiện, xử lý trên 52.000 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó, kiểm tra đột xuất gần 44.000 vụ; kiểm tra định kỳ trên 22.000 vụ…; thu nộp ngân sách gần 500 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2022; chuyển cơ quan điều tra 170 vụ có dấu hiệu hình sự, tăng 35% so với năm 2022.
Trước đó, lãnh đạo Tổng cục QLTT chỉ đạo lực lượng QLTT cả nước tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chú trọng các mặt hàng thiết yếu, mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đường cát, rượu, bia, nước giải khát, mặt hàng thực phẩm tươi sống… Đồng thời, Tổng cục QLTT yêu cầu lực lượng QLTT các địa phương phối hợp, trao đổi thông tin với lực lượng công an, hải quan, bộ đội biên phòng, thanh tra chuyên ngành để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại tại các khu vực biên giới, cảng biển, cảng hàng không, kho hàng, điểm tập kết hàng hóa và thị trường nội địa…
Triệt phá đường dây sản xuất sữa bột giả quy mô lớn ở TPHCM, Bình Dương
Công an Bình Dương đang tạm giữ nhóm 8 đối tượng do Vũ Thành Công (36 tuổi, ngụ quận 12, TPHCM) cầm đầu, để điều tra về hành vi “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.
Trước đó, lực lượng chức năng Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Công an TPHCM đồng loạt kiểm tra 4 điểm sản xuất do Công thuê ở cả 2 địa phương, phát hiện hơn 7.500 lon sữa bột thành phẩm các loại, 70 thùng giấy chứa nắp lon sữa bằng kim loại, 150.000 vỏ lon sữa nhiều nhãn hiệu nổi tiếng; 7 bao tải chứa nắp nhựa hộp sữa, cùng máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả, ước tính giá trị tang vật bị thu giữ khoảng 14,5 tỷ đồng. Tại cơ quan công an, Vũ Thành Công khai nhận sản xuất sữa bột giả nhãn hiệu nổi tiếng thu lợi bất chính khoảng 3 tỷ đồng.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/can-trong-hang-troi-noi-doi-lot-hang-that-post723887.html