Cẩn trọng khi khai thác du lịch hang động tại Lạng Sơn

Công viên địa chất Lạng Sơn có khoảng 200 hang động và nhiều thác nước, hố sụt tạo ra cảnh quan và trải nghiệm thu hút khách du lịch. Đây sẽ là tiềm năng để Lạng Sơn để phát triển nhiều loại hình du lịch như thám hiểm hang động, leo núi thể thao, đi bộ đường dài, vượt thác, hố sụt...

Công viên địa chất Lạng Sơn có địa hình địa mạo và địa chất tự nhiên đa dạng với khoảng 200 hang động. Nhiều hang động độc đáo, chứa các di tích khảo cổ, văn hóa, lịch sử có giá trị như hang Thẩm Khuyên - Thẩm Hai (Bình Gia), di chỉ Hang Dơi (Bắc Sơn), hang Gió (Chi Lăng), hang động Nhị - Tam Thanh (thành phố Lạng Sơn)… Dự kiến tháng 9/2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ chính thức đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn tại Chile.

Công viên địa chất Lạng Sơn có diện tích gần 4.900 km2.

Công viên địa chất Lạng Sơn có diện tích gần 4.900 km2.

Tại tọa đàm “Phát triển Du lịch thám hiểm hang động Công viên địa chất Lạng Sơn”, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Trần Thị Bích Hạnh cho biết Công viên địa chất Lạng Sơn được hy vọng sẽ là một trong những điểm đến du lịch mang tính đột phá, thu hút số lượng lớn du khách và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn.

Đoàn chuyên gia UNESCO đi thực địa các tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn

Đoàn chuyên gia UNESCO đi thực địa các tuyến du lịch Công viên địa chất Lạng Sơn

Hiện nay, Công viên địa chất Lạng Sơn đã hình thành 4 tuyến du lịch với 38 điểm tham quan với chủ đề “Tiến hóa sự sống nơi miền đất thiêng”. Các yếu tố như địa hình, địa mạo, địa chất tự nhiên, các hang động, thác nước, hố sụt đẹp... sẽ là tiềm năng để Lạng Sơn phát triển nhiều loại hình du lịch như thám hiểm hang động, leo núi thể thao, đi bộ đường dài, vượt thác, khám phá hố sụt...

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng địa phương cần thật trọng, có chiến lược dài hạn và bền vững khi khai thác du lịch tại Công viên địa chất Lạng Sơn nói chung và các hoạt động du lịch hang động nói riêng. Theo PGS.TS Trần Tân Văn - chuyên gia cao cấp về Công viên địa chất, thực tế cho thấy đã có những hang động ở Việt Nam chịu tác động tiêu cực do khai thác thiếu bền vững.

Vùng Công viên địa chất Lạng Sơn được phân chia thành 24 hệ tầng địa chất, trong đó có 15 hệ tầng lần đầu tiên được xác lập tại tỉnh Lạng Sơn

Vùng Công viên địa chất Lạng Sơn được phân chia thành 24 hệ tầng địa chất, trong đó có 15 hệ tầng lần đầu tiên được xác lập tại tỉnh Lạng Sơn

"Môi trường hang động vô cùng mỏng manh và dễ bị tổn thương, nên địa phương cần đặc biệt cẩn trọng trong việc khai thác. Có những vị trí, địa điểm của hang động du khách không được đặt chân đến mà chỉ đứng từ xa quan sát để tránh tác động đến hệ sinh thái tự nhiên trong hang. Kể cả lắp đặt hệ thống chiếu sáng, lan can, lối đi, nguy cơ từ các sinh vật ngoại lai... cũng cần phải tính toán. Trước đây đã có những hang động chiếu sáng loạn xạ và sau đó đã phải chấn chỉnh, hạn chế lại. Đường đi lối lại quá mức cần thiết sẽ phá hỏng hang động... Tóm lại có rất nhiều việc cần làm một cách đồng bộ, thống nhất và kỹ lưỡng trước khi đưa một hang động vào khai thác du lịch", PGS.TS Trần Tân Văn cho biết.

PGS.TS Trần Tân Văn cũng lưu ý, không phải ai cũng có thể tham gia hoạt động thám hiểm hang động mà cần có các cam kết, tập luyện, bảo hiểm... Du khách quốc tế muốn tham gia thám hiểm hang động cần phải được sự quản lý, cấp phép nghiêm túc của chính quyền địa phương, chứ không chỉ với visa du lịch và tìm đơn vị nào đó để tự do khám phá hang động.

PGS.TS Trần Tân Văn phát biểu tại tọa đàm “Phát triển Du lịch thám hiểm hang động Công viên địa chất Lạng Sơn”

PGS.TS Trần Tân Văn phát biểu tại tọa đàm “Phát triển Du lịch thám hiểm hang động Công viên địa chất Lạng Sơn”

Xây dựng mô hình bền vững cho du lịch hang động

Chia sẻ quan điểm từ phía doanh nghiệp du lịch, ông Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam Expeditions cho rằng việc phát triển du lịch thám hiểm hang động cần có sự chọn lọc trong đơn vị tổ chức. Cần nâng cao nhận thức về việc bảo vệ và phát triển du lịch hang động trong cộng đồng. Các doanh nghiệp cần được khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện phát triển trong các lĩnh vực về du lịch, bảo tồn hang động. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cần có các chính sách tháo gỡ khó khăn để khơi thông nguồn lực cho cộng đồng và doanh nghiệp cùng tham gia phát triển du lịch hang động.

Ông Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam Expeditions

Ông Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam Expeditions

"Du lịch khám phá, trong đó có khám phá hang động đang phát triển rất mạnh, nhất là ở các tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên một số nơi chưa được định hướng đúng nên đã phát triển tự phát gây ra nguy cơ tổn thất, khiến cho các đại phương phải dừng hoặc cấm du khách. Các làn sóng du lịch như vậy sẽ đe dọa tàn phá các hang động vốn mất hàng triệu năm để hình thành. Các công ty lữ hành có thể quản lý và giáo dục được du khách, nhưng người dân thì chưa nhận thức đầy đủ, trong khi cộng đồng này đóng vai trò quan trọng như hướng dẫn viên, người hỗ trợ khách (porter) và góp phần phát triển bền vững du lịch hang động tại địa phương đó. Khi người dân chưa có định hướng và kiến thức thì rất cần sự tư vấn từ các chuyên gia và cơ quan quản lý", ông Phạm Văn Mạnh chia sẻ.

Một đoàn khám phá hang động tại Lạng Sơn. Nguồn: Việt Nam Expeditions

Một đoàn khám phá hang động tại Lạng Sơn. Nguồn: Việt Nam Expeditions

Theo các chuyên và nhà nghiên cứu, Công viên địa chất Lạng Sơn cần xây dựng, ban hành mô hình tiêu chuẩn và bộ quy tắc ứng xử bền vững cho du lịch hang động. Nghiên cứu của Ths. Nguyễn Thị Thùy Ngân (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ hệ thống hang động tại Công viên địa chất Lạng Sơn là thiết lập vùng đệm bảo vệ xung quanh các hang động có giá trị địa chất, khảo cổ và sinh thái cao. Vùng đệm này giúp giảm thiểu tác động của con người và các hoạt động du lịch lên hệ sinh thái nhạy cảm.

Để thực hiện điều này, cần xác định khu vực lõi (các hang động có giá trị bảo tồn cao), khu vực đệm (vùng tiếp giáp với khu lõi, nơi có thể bố trí các cơ sở hỗ trợ du lịch nhưng vẫn cần kiểm soát chặt chẽ) và khu vực phát triển du lịch (nơi có thể xây dựng các điểm dịch vụ như nhà nghỉ, nhà hàng sinh thái mà không ảnh hưởng đến hệ sinh thái).

Lạng Sơn cần xây dựng mô hình bền vững cho du lịch hang động. Nguồn: Việt Nam Expeditions

Lạng Sơn cần xây dựng mô hình bền vững cho du lịch hang động. Nguồn: Việt Nam Expeditions

Bên cạnh đó, cần quy định lộ trình tham quan hợp lý để hạn chế tình trạng du khách tự do di chuyển và gây tổn hại đến các khu vực nhạy cảm. Ví dụ, các tuyến tham quan trong hang Nhị - Tam Thanh nên được thiết kế theo hướng một chiều với các lối đi chuyên dụng, tránh giẫm đạp lên thạch nhũ hoặc các khu vực dễ bị tổn thương. Đồng thời, chỉ cho phép các nhóm nhỏ tham quan trong một khung giờ cố định để giảm thiểu áp lực lên không gian trong hang.

Công viên địa chất Lạng Sơn cần thực hiện các nghiên cứu để xác định số lượng khách tối đa có thể tham quan mỗi ngày mà không gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Ví dụ, nếu một hang động có thể tiếp nhận tối đa 200 du khách/ngày mà vẫn đảm bảo điều kiện môi trường và an toàn, cần đặt giới hạn đặt vé trước, áp dụng hệ thống đăng ký trực tuyến và kiểm soát số lượng khách qua các khung giờ cố định. Các biện pháp bổ trợ như sử dụng đèn LED thay cho đèn halogen (vốn có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của vi khuẩn và rêu trong hang động) hoặc cấm mang theo thực phẩm vào hang cũng cần được áp dụng để giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường.

Hải Nam/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/tu-van/can-trong-khi-khai-thac-du-lich-hang-dong-tai-lang-son-post1154799.vov