Cẩn trọng khi mua bảo hiểm giá rẻ nhằm đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông
Để đối phó với công tác kiểm tra hành chính, giấy tờ phương tiện của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), thời gian gần đây, nhiều người dân đã đi mua bảo hiểm xe cơ giới, đặc biệt là mô tô, xe gắn máy với giá rẻ. Tuy vậy, người mua bảo hiểm cần lưu ý, bảo hiểm xe máy bắt buộc phải có khi tham gia giao thông là loại bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, tránh nhầm lẫn với các loại bảo hiểm khác, không bắt buộc phải có.
Người dân đăng ký mua bảo hiểm ô tô, xe máy tại điểm bán bảo hiểm Agribank trên địa bàn TP Thanh Hóa. Ảnh: lê Phượng
Từ ngày 15-5, lực lượng CSGT trên cả nước bắt đầu tổng kiểm soát các phương tiện giao thông đường bộ và được phép dừng xe để kiểm soát giấy tờ của người, phương tiện mà không cần có lỗi ban đầu theo Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an. Theo đó, khi lưu thông trên đường, người điều khiển xe mô tô, xe máy cần mang 3 loại giấy tờ: Giấy phép lái xe, đăng ký xe và bảo hiểm xe bắt buộc. Trong đó, riêng đối với bảo hiểm xe bắt buộc, nếu người điều khiển mô tô, xe gắn máy không có hoặc không mang theo sẽ bị xử phạt từ 80.000 đồng - 120.000 đồng. Điều này khiến cho thị trường mua, bán bảo hiểm mô tô, xe gắn máy đang diễn ra vô cùng sôi động, kể cả ở các điểm bán lẻ và trên mạng xã hội. Trong số đó, không ít điểm đang rao bán bảo hiểm mô tô, xe gắn máy với giá rất rẻ, siêu rẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người mua. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng người mua bảo hiểm mô tô, xe gắn máy đang tăng đột biến trong những ngày qua. Điều dễ nhận thấy nhất là trên các trang mạng xã hội, internet, hoạt động rao bán bảo hiểm mô tô, xe gắn máy đang diễn ra rầm rộ với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ khoảng 40.000 – 60.000 đồng một năm. Đáng chú ý có nhiều nơi lại rao bán với mức giá rất rẻ, chỉ từ 10.000 – 30.000 đồng một năm. Tuy nhiên, đại diện các hãng bảo hiểm cũng cảnh báo những rủi ro mà khách hàng có thể gặp phải khi mua bảo hiểm tại các kênh “trôi nổi”, giá rẻ.
Hiện nay sản phẩm bảo hiểm mô tô, xe gắn máy có 4 loại, là bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự; bảo hiểm vật chất xe; bảo hiểm mất cắp; bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Trong đó, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe gắn máy là bắt buộc, nếu không có sẽ bị xử phạt theo quy định. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự sẽ không bồi thường trực tiếp cho chủ xe, mà phía công ty bảo hiểm sẽ đứng ra bồi thường thay chủ xe (trong trường hợp chẳng may gây ra tai nạn) một khoản tiền cho nạn nhân, được gọi là bên thứ ba. Hiện, phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ Tài chính có mức giá 66.000 đồng/năm (đã bao gồm thuế VAT) đối với mô tô, xe gắn máy trên 50 cc và thấp nhất từ 437.000 đồng/năm với ô tô. Còn đối với loại bảo hiểm đang được bán dưới 66.000 đồng/năm, thường là bảo hiểm tự nguyện, dành cho việc bồi thường thiệt hại cho người ngồi phía sau người lái. Giá trị bồi thường cao nhất khoảng 10 triệu đồng/vụ. Đây là loại bảo hiểm hợp pháp nhưng là bảo hiểm tự nguyện, không bắt buộc phải có. Người lái xe có loại bảo hiểm này vẫn sẽ bị CSGT xử phạt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Quyên, giám đốc Bảo hiểm Vietinbank Thanh Hóa (VBI) cho biết: “Khách hàng mua bảo hiểm trôi nổi trên thị trường với giá 10.000 – 20.000 đồng thì không có tính pháp lý, khi lực lượng CSGT kiểm tra thì người tham gia giao thông vẫn bị phạt vì không mang theo bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự. Cùng với đó, nếu người tham gia giao thông mua nhầm phải bảo hiểm tự nguyện thì khi xảy ra sự vụ, phía công ty bảo hiểm cũng không thể chi trả bồi thường theo quy định. Để đảm bảo mua đúng loại bảo hiểm, người dân cần nắm rõ bảo hiểm bắt buộc có tên chính xác là “Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”.
Ông Tạ Nguyên Vương, Trưởng phòng quản lý nghiệp vụ, Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp - Chi nhánh Thanh Hóa (ABIC) khuyến cáo: Theo Luật Bảo hiểm, thông tin người đăng ký bảo hiểm phải được đăng ký trên hệ thống thông tin bảo hiểm. Trong khi đó, tại các điểm bán bảo hiểm vỉa hè, người bán chỉ lấy bút ra điền thông tin trực tiếp trên giấy bảo hiểm rồi đưa cho khách, thậm chí thời hạn bảo hiểm cũng có thể được ghi một cách “linh động” theo ý khách hàng... Vì vậy, người dân nên tìm đến các đại lý phân phối hoặc các văn phòng của công ty bảo hiểm có uy tín để mua bảo hiểm xe máy bắt buộc. Đồng thời, kiểm tra tính pháp lý của bảo hiểm mà mình mua, kiểm tra trên bảo hiểm có đủ chữ ký, dấu tròn, chức danh, số hotline ở đằng sau và có thể kiểm tra lại số hotline đó vì một số trường hợp khi mà kiểm tra số hotline thì không liên lạc được; kiểm tra các thông tin mà người cấp đã đúng với thông tin trên đăng ký xe của mình hay không”.
Rủi ro khác mà khách hàng có thể gặp phải khi mua bảo hiểm tại các kênh “trôi nổi” đó là không được các cơ quan chức năng kiểm định nên rất dễ mua phải bảo hiểm giả; dễ bị lộ lọt thông tin cá nhân; hoặc có thể gặp phải người bán bảo hiểm không có nghiệp vụ, viết không đầy đủ, chính xác các thông tin của chủ xe trên bảo hiểm, khi đó bảo hiểm cũng không có giá trị. Do vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn mua bảo hiểm và cũng cần phải nhận thức rõ rằng: Việc mua bảo hiểm cho xe và người điều khiển là cần thiết, không phải mua chỉ để “đối phó” với việc kiểm tra của lực lượng CSGT.